Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Rời địa phận Bến Cầu, vừa qua cầu Bến Ðình sang địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), trước mắt tôi là những đám ruộng bỏ không trong mùa nước nổi, bông súng đang nở hoa trắng ruộng.
Giữa ruộng, bông súng trắng chen lẫn hoa rông vàng vàng, cỏ dại xanh xanh, một người đàn ông, mình trần, đầu trần lui cui tay bứt, tay ôm những cọng bông súng không ai gieo trồng, mọc tự nhiên trong bùn đất.
Nhìn người đàn ông một mình lặng lẽ đi nhổ bông súng giữa cánh đồng trưa vắng cùng với những cánh cò trắng tha thẩn tìm mồi, tôi chạnh nhớ thời trẻ thơ của mình. Hồi đó, mẹ tôi mất sớm, anh chị em tôi được cha nuôi dưỡng bằng hạt lúa cùng với con cá, lá rau trên cánh đồng quê nghèo, trong đó có rau hẹ nước và bông súng trắng...
Bông súng trắng.
Cũng như những cánh đồng trũng ven sông rạch khác, trước kia, đồng ruộng quê tôi mỗi năm chỉ làm có một vụ lúa mùa. Khoảng tháng năm, tháng sáu âm lịch toàn cánh đồng đã cấy lúa xong. Ðây là lúc nông nhàn. Ðối với những gia đình khá giả, có lúa đổ bồ đủ ăn quanh năm thì nghỉ ngơi, thư giãn. Còn nhà tôi thuộc dạng “bần cố nông” thì khá gian nan.
Ðể có cái ăn cho mấy đứa con côi cút ngây thơ, ba tôi phải tìm những việc làm phi nông nghiệp. Hồi đó, không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, hoặc công trình xây dựng... như bây giờ, nên tìm được việc làm trong lúc nông nhàn của những người nghèo, không ruộng đất như ba tôi quả là không dễ. Khi không có ai thuê mướn, ba lặn lội ra sông, qua đồng ruộng câu cá, nhổ rau hẹ.
Ngày ấy, môi trường sông nước, đồng ruộng quê tôi còn trong lành. Sau khi cấy lúa khoảng hơn một tháng, dưới ruộng lúa, rau hẹ bắt đầu mọc lên. Hầu như đám ruộng lúa nào cũng có rau hẹ, nhưng có đám nhiều đám ít. Thường thì ngày nào đi câu cá, trước khi về ba cũng tìm nhổ một mớ rau hẹ. Và tất nhiên, những bữa cơm của nhà tôi thường là rau hẹ chấm cá kho, hoặc cá nướng dầm nước mắm.
Vào mùa nước nổi, rau hẹ chìm sâu trong nước, lúc này lúa đã lên cao, nở bụi to nên nhổ rau hẹ rất khó. Mà rau hẹ cũng già, cây có bông, nên ít ai ăn, nhà tôi cũng vậy. Qua mùa nước nổi (khoảng tháng mười âm lịch), nước cạn dần và lúa bắt đầu chín, cây bông súng bắt đầu trổ bông. Khi lúa gặt xong, những đám ruộng trũng ven sông rạch vẫn còn nhiều nước, bông súng tha hồ vươn lên.
Cũng mọc từ trong bùn đất như rau hẹ, nhưng cọng bông súng cứng cáp và đưa chùm bông nhô cao khỏi mặt nước. Tuỳ theo chỗ nước sâu hay cạn, đất tốt hay xấu, mà cọng bông súng lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Ngắn thì vài ba tấc, dài thì năm, bảy tấc, thậm chí, có chỗ cọng bông súng dài cả thước. Bông súng dễ nhổ hơn rau hẹ rất nhiều. Vì nó nhô cao hơn mặt nước, dễ nhìn thấy. Khi nhổ, cứ nắm đầu cọng bông súng mà kéo lên.
Thời điểm này, ngoài đập lúa mướn, chiều xuống ba còn đi thả lưới, cắm câu và trước khi về, ba không quên lội ruộng nhổ mớ bông súng về ăn. Khi mặt trời to đỏ, ngấp nghé mé sông, anh em tôi ra bến sông đón ba về. Xuồng ba vừa cập bến, anh tôi vội xách đụt cá, còn tôi ôm mớ bông súng nhanh chân về nhà. Nếu như rau hẹ chỉ có ăn sống thì bông súng lại đa dạng trong chế biến thức ăn.
Hôm nào ba thăm lưới, cắm câu và nhổ bông súng về hơi tối, ba kêu chị hai tôi lấy bông súng tước vỏ, cắt khúc rồi rửa thật sạch để ăn sống. Còn ba thì vo gạo, thổi lửa nấu cơm. Ðể giản tiện trong chế biến thức ăn, chờ cơm vừa cạn, ba hạ lửa ngọn, khêu than hồng. Sau đó, ba lựa mấy con cá rô mề, nướng. Những con cá rô mề béo mập tươm mỡ xèo xèo.
Cơm chín, cá cũng chín. Ba đâm tỏi ớt làm một tô nước mắm, rồi dầm cá nướng vào. Bữa cơm tối nhà tôi, đơn giản với nồi cơm gạo lúa mới và tô nước mắm dầm cá rô nướng, chấm bông súng sống, anh chị em tôi ăn ngon lành. Còn hôm nào thăm lưới, cắm câu, nhổ bông súng về sớm hơn một chút, ba đổi món ăn. Ba làm cá, nấu canh chua bông súng. Bên mâm cơm với nồi canh bông súng cá rô mề bốc khói, thơm lừng, anh em tôi no bụng, ấm lòng.
Những ngày không đi đập lúa mướn, giữa trưa ba chèo xuồng ra ruộng nhổ thật nhiều bông súng. Ðem bông súng về nhà, ba cắt khúc, rửa sạch, rồi đem muối chua để dành ăn. Bông súng muối chua, để nguyên như vậy mà ăn sống, hay chiên, nấu canh... đều rất ngon (ngon đối với anh em tôi). Có hôm nhổ được nhiều, ba lựa những cọng bông súng ngon, bó lại thành từng bó, sai chị em tôi bưng cho bà con hàng xóm, nhất là những người thích, nhưng không có điều kiện đi nhổ loại rau này.
Thấy anh em tôi đem bông súng đến tận nhà cho, nhiều người thương, cho lại các loại cây trái sẵn có ở vườn nhà, như ổi chín, chuối chín, mít, đu đủ, thơm, dừa.. Nói chung ai có gì ăn được thì cho lại cái đó, xem như trao đổi hai chiều... Nhờ vậy, mối quan hệ bà con chòm xóm với gia đình tôi ngày càng khăng khít, gắn bó hơn.
Cánh đồng quê tôi giờ làm hai vụ lúa, theo phương pháp sạ thẳng xuống ruộng, không ai cấy lúa như trước nữa. Không rõ từ nguyên nhân nào, rau hẹ nước gần như không còn trên đồng ruộng quê tôi. Riêng cây bông súng trắng mọc hoang dã vẫn còn thấy vươn lên ở những đám ruộng trũng ven sông, nhưng ít hơn trước rất nhiều. Ba tôi giờ đã thành người cao niên nhất xóm.
Nhiều năm qua, ba chỉ chống gậy đi quanh quẩn trong nhà. Còn anh chị em tôi ai cũng trên đầu hai thứ tóc. Bữa ăn hằng ngày của ba cũng như anh em tôi giờ không thiếu thịt cá và các loại rau củ quả. Nhưng đến mùa bông súng nở, ba lại kêu mấy đứa cháu chèo xuồng đi nhổ bông súng về nấu canh chua, hoặc để sống cho ba chấm nước cá kho...
T.L