Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mùa đặt trúm
Thứ hai: 09:27 ngày 20/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước kia, ống trúm được làm bằng thân cây tre gai. Những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy nông dân miền Tây làm ống trúm bằng ống nhựa.

Bắt cá mùa lũ (ảnh minh hoạ)

Ống trúm là dụng cụ dùng để đặt xuống nước nhử bắt lươn, gọi là đặt trúm. Thời niên thiếu, vào mùa mưa, ngoài việc giăng lưới, cắm câu, anh em tôi còn tranh thủ làm thêm nghề “tay trái” là đặt trúm bắt lươn để đổi “khẩu vị” hoặc để bán. Trúm có thể đặt quanh năm, nhưng vào mùa mưa đặt “trúng” hơn (lươn vô nhiều).

Trước kia, ống trúm được làm bằng thân cây tre gai. Những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy nông dân miền Tây làm ống trúm bằng ống nhựa.

Hồi đó, khi gần cuối mùa nắng, anh em tôi lại nhắc ba đi mua tre và trúc về làm vài chục cái ống trúm thủ sẵn trong nhà, chờ khi trời đổ mưa là vác đi đặt. Khi đi mua tre, ba lựa những cây tre gai lớn và già cỗi.

Về nhà, ba cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài khoảng một thước rưỡi, theo chiều từ phía gốc lên ngọn. Phần phía gốc là miệng trúm để trống, phần cuối ống trúm (phía ngọn) chừa cái mắt tre. Rồi ba lấy xà beng thụt cho thông các mắt tre ở giữa để cho ống trúm hoàn toàn rỗng ruột.

Phần miệng ống trúm, ba vùi một lỗ tròn để xỏ cây ghim- được vót bằng gốc tre già cứng, lớn chừng bằng ngón tay trỏ và dài khoảng bốn, năm tấc. Một đầu cây ghim được vót nhọn, xỏ qua lỗ ở miệng ống trúm để vừa giữ cái hom bên trong, đồng thời để ghim xuống bùn đất mà cố định miệng trúm khi đặt.

Phần cuối ống trúm, phía bên trong cái mắt tre, ba xẻ một rãnh nhỏ để làm chỗ cho lươn thở khi vào trúm, không bị chết ngạt. Sau đó ba lấy trúc chẻ, vót đan cái hom.

Phần miệng hom vừa khít bên trong miệng trúm, đuôi hom vót nhọn và túm lại. Lươn chui vào trúm thì lách qua đuôi hom dễ dàng. Nhưng vào rồi thì không thể nào chui ngược trở lại để thoát ra.

Dòng rạch chảy qua địa phận quê tôi chia làm hai khu vực rõ rệt. Bên trái (tính từ phía thượng nguồn xuống) là một đồng bưng, rộng mênh mông. Còn bên phải là vùng đất gò dân cư sinh sống.

Có chỗ nhà dân cất gần bờ rạch, cũng có chỗ có những cánh đồng nhỏ đi khá sâu vào hai bên vùng gò, mà bà con quê tôi gọi là hố.

Vùng tiếp giáp giữa dòng rạch và các đám ruộng hố là những cái láng, nhiều sình lầy và trấp, cỏ ma mọc đầy. Xưa kia dưới rạch và khắp đồng ruộng quê tôi không chỉ có nhiều loại cá, mà còn có nhiều lươn.

Vào mùa mưa, nước từ trên đồng (phía bên phải dòng rạch, nơi dân cư sinh sống) tuôn xuống các hố và láng, kéo theo nhiều thức ăn khoái khẩu của loài lươn, nên chúng tập trung về các láng này tìm mồi. Vì vậy, ngoài giăng lưới, cắm câu, anh em tôi tranh thủ đi đặt trúm.

Thường vào khoảng xế chiều, anh em tôi rủ nhau đứa vác cuốc, đứa xách gáo dừa đi đào mồi. Mồi đặt trúm cũng là trùn (giun đất). Nhưng so với trùn đi cắm câu, mồi trùn đặt trúm dễ đào hơn nhiều. Đào trùn đi cắm câu, anh em tôi chỉ lựa trùn sành, loại vừa với lưỡi câu và vừa chừng miệng cá ăn.

Còn đào trùn đặt trúm thì trùn sành, trùn chuối (cũng giống như trùn sành, nhưng sống trong vườn chuối, nó mập mạp, lớn hơn trùn sành), trùn hổ (còn lớn hơn trùn chuối), trùn máu (trùn nhỏ thân đỏ mềm dễ đứt đoạn, nhiều nhớt hơn trùn sành)...

Đào trùn xong, đem về nhà chúng tôi trộn thêm đất đen vào và quết cho nó nhừ nát, nhão như bùn làm mồi đặt lươn. Chiều xuống, anh em tôi chia ra mỗi đứa vác một mớ ống trúm, rồi tìm đến các láng cỏ ma nằm tiếp giáp với ruộng hố, hoặc các láng ven rạch tiếp giáp khu dân cư đặt trúm.

Khi thấy chỗ “phải thế” (đoán biết là có lươn), chúng tôi hạ mớ ống trúm trên vai xuống, lấy một ống, bỏ nhúm mồi vào bên trong ống trúm, quệt thêm mồi vào phía ngoài cái hom.

Khi đặt trúm thì cắm cây ghim xuống bùn đất cho miệng trúm chìm sâu trong nước. Phần đuôi trúm, chỗ có rãnh thông hơi để cao khỏi mặt nước, để lươn vào trúm không bị chết ngộp. Đặt xong mớ ống, trời cũng nhá nhem tối, anh em vội đi về nhà. Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi lại lúp xúp chạy ra đồng “cuốn” (lấy về) ống vác về.

Đi cuốn ống trúm không cần mang theo đụt đựng lươn, mà cứ để lươn trong ống đem về nhà. Về nhà cũng không cần phải mở hom từng ống trúm ra xem cũng biết cái nào có lươn, cái nào không. Cái có lươn vô tất nhiên là nặng hơn cái không có và khi chổng lên, chổng xuống, lươn trong ống trúm tuột lên tuột xuống kêu cụp cụp.

Hồi đó hầu hết các ống trúm anh em tôi đặt đều có lươn chui vào. Khi biết trong ống có lươn, chúng tôi rút ghim, mở cái hom lấy ra ngoài, trút ống xuống cho lươn rơi vào cái thau. Có ống thì một, hoặc hai con, có ống đến ba bốn con.

Cũng có ống gặp chỗ nhiều lươn, chúng chui vô đầy ống, làm chìm lỗ thông hơi mà chết sạch. Nhiệm vụ của chị Hai tôi là lựa lươn lớn còn sống đem rọng để dành bán, còn lươn chết thì “vuột nhớt” làm thịt kho khô sả ớt cho bữa cơm gia đình.

Những năm gần đây, cũng như cá, con lươn sống dưới rạch và các lung láng ở quê tôi bị người ta chích điện bắt nhiều, chúng trở nên vô cùng khan hiếm.

Vì vậy, không còn thấy ai vác ống trúm đi đặt như anh em tôi hồi trước nữa. Lươn sống tự nhiên dưới sông rạch khan hiếm, nhưng lươn bán ngoài chợ không thiếu. Đa phần đó là lươn người ta nuôi không bùn, trong các bể xi măng.

T.L

Tin cùng chuyên mục