BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa Đông hồi đó 

Cập nhật ngày: 09/12/2019 - 16:22

BTN - Mấy ngày nay thời tiết chuyển mùa. Sáng sớm gió từ phương Bắc thổi về, trời se lạnh, báo hiệu mùa Ðông đã đến. Thấy ba vẫn mặc chiếc áo thun thường ngày, sợ ba lạnh, tôi mua cho ba chiếc áo ấm.

Mân mê chiếc áo trên tay, nheo nheo đôi mắt trắng đục, không còn nhìn thấy gì xung quanh, ba cười và nói: “Con mua áo ấm mới làm chi cho tốn kém. Áo cũ ba còn hai cái cất trong tủ kìa. Nói là áo cũ, nhưng cái nào cũng còn mới tinh, vì mỗi năm ba mặc một vài lần.

Có năm cũng không có mặc lần nào, trời có lạnh lẽo gì đâu mà mặc cho nó nặng nề, vướng víu... Mấy năm gần đây mùa Ðông chỉ hơi lành lạnh. So với mùa Ðông hồi đó, hồi ba còn nhỏ thì cái lạnh bây giờ có thấm tháp gì đâu. Hồi đó mùa Ðông lạnh dữ lắm! Mới đầu hôm, trời đã lạnh không thể ngủ được!”.

Trẻ quê (ảnh minh hoạ).

Rồi ba kể, hồi đó nhà cửa còn thưa thớt, hầu hết là mái tranh, vách lá thấp lè tè. Rất ít các công trình xây dựng lớn, ít nhà cao, rộng kín đáo như bây giờ. Mỗi khi mùa Ðông đến, gió bấc thổi hù hù, không có vật che chắn, gió thổi vào nhà. Thời buổi khó khăn, hầu hết nhà nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng so với những nhà khác, nhà nội tôi khó khăn nhất, vì không có mảnh ruộng, miếng vườn nào cả.

Nhà nội thuộc diện nghèo nhất xóm, lại đông con. Nhà lợp tranh, vách che chắn bằng bồ cũ kỹ, hư mục, trống trước hở sau. Ông nội lo chạy ăn hằng ngày cho cả nhà. Bà nội quanh năm ở nhà ẵm con. Cứ đứa lớn biết đi lẫm chẫm thì lại bắt đầu ẵm ngửa đứa nhỏ. Ngoài ra, một tay bà còn lo cơm nước, giặt giũ cho lũ con lao nhao, lít nhít...

Một mình ông nội lo cái ăn cho cho cả nhà cũng “bở hơi tai”, nói chi đến cái mặc. Quần áo đứa nào cũng mỏng manh, rách rưới. Ðứa nhỏ mặc đồ của đứa lớn bỏ ra... Khổ nhất là mùa Ðông đến. Nhà cửa trống trải, quần áo đứa nào cũng rách rưới, mền mùng, chiếu, gối cũng thiếu...

Ðể sưởi ấm cho các con ngủ, xế chiều ông nội lo đi gom củi mục, bẹ dừa, gáo dừa khô, gốc cây khô... để sẵn. Ðến tối thì nhóm đống un nhỏ giữa nhà. Cơm tối xong là ông nội quét sạch đất nền nhà, rồi trải manh đệm xung quanh đống un và bắt đầu đốt lửa cho các con nằm xung quanh mà ngủ. Ðể bảo đảm an toàn cho các con và đề phòng rủi ro hoả hoạn có thể xảy ra, ông bà nội tôi thay phiên nhau thức canh chừng lửa.

Ông bà không để ngọn lửa bùng quá cao, cũng không để lửa lụi tàn, không để cho đứa con nào phải đưa chân vào lửa, cũng không để cho đứa nào lăn quá xa đóng lửa... Nhờ vậy, dù bên ngoài gió lạnh thấu xương, trong nhà, ba tôi và các cô chú vẫn ngủ ngon lành cho đến sáng. Trong khi đó, ông bà nội thì thâu đêm, suốt sáng thay phiên canh lửa cho đàn con ngon giấc. 

Rồi mùa Ðông cũng qua đi, gió bấc lạnh lùng được trả về phương Bắc xa xôi. Nắng Xuân ấm áp. Ðêm về, gió Nam thổi vào nhà mát mẻ, đống lửa sưởi ấm trong nhà của nội cũng không còn nữa. Cứ thế Ðông tàn, Xuân đến. Những mùa Ðông lạnh lẽo hồi ấy lần lượt đi qua, ba tôi cùng các cô chú lần lượt khôn lớn, trưởng thành. Ba tôi và các cô chú cùng đóng công góp sức với nội làm được nhà cột gỗ tròn, mái lợp ngói móc, nền gạch tàu, đóng vách ván... kín đáo không mưa tạt, gió lùa ướt át, lạnh lẽo nữa.

Mùa Ðông lạnh thấu xương trẻ em và cả người lớn của những gia đình nghèo khó hồi đó mãi mãi thuộc về quá khứ. Những năm sau này, thời tiết ít lạnh hơn. Dù có lạnh cũng ít người lo lắng, vì hầu như ai cũng được ăn no, mặc ấm. Nhà tôi cũng vậy, không giàu có dư dả gì, nhưng nhà cửa kín đáo, cơm áo đủ ăn, đủ mặc. Ba tôi, dù tuổi gần đủ trăm cũng không còn sợ cái lạnh như cắt da thịt của những mùa Ðông hồi đó...

T.L