Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tuỳ bút
Mùa khai ruộng
Thứ bảy: 09:40 ngày 09/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do môi trường sống ngày càng thu hẹp, cùng với sự đánh bắt theo lối huỷ diệt của con người, con cá đồng dưới sông rạch quê tôi nay cực kỳ khan hiếm. Tháng hai âm lịch bây giờ, mùa khai ruộng ở quê tôi đã lùi sâu vào quá khứ.

Sau khi tận hưởng những ngày tháng Giêng vui vẻ, thảnh thơi, người dân quê tôi phải đối mặt với cái nắng gay gắt của tháng hai âm lịch. Trải qua nhiều tháng không mưa, nước dòng rạch ngày càng xuống thấp. Nhìn dòng rạch nước ròng bỏ bãi, tôi chợt nhớ những ngày xưa khi quê tôi vào mùa khai ruộng bắt cá.

Trước kia, cánh đồng quê tôi còn nhiều ruộng trũng ven sông, rạch. Tuỳ theo mức độ sâu cạn và độ lún bùn của từng đám ruộng mà người ta gọi là lung, láng, rỗng, rộc... Dù tên gọi khác nhau nhưng những đám ruộng trũng này đều có đặc điểm chung là quanh năm đọng nước, mặt ruộng đầy sình, bùn... Đây là chỗ ở lý tưởng cho các loại cá đồng vào những tháng mùa nắng.

Hồi đó, người dân quê tôi làm ruộng chỉ có một vụ lúa vào mùa mưa. Sau khi gặt lúa xong (khoảng tháng 11, tháng Chạp), các chủ ruộng trũng chở đất be bờ, lấy cây làm bọng thật chặt để cản nước cho cá trú ngụ. Đến tháng hai, khi nước dưới rạch cạn kiệt, các chủ ruộng “rút bọng” hoặc xẻ bờ tháo nước ra rạch cho ruộng cạn để bắt cá, gọi là “khai ruộng”.

Nông thôn ngày ấy cũng chưa có công ty, xí nghiệp như bây giờ. Cả xã chỉ có vài lò gạch, lò đường thủ công, tập trung một số ít công nhân, còn lại đa phần nông dân ở không. Vì vậy, vào mùa khai ruộng, ngoài chủ ruộng ra, có rất nhiều người đi bắt cá hôi (chờ cho chủ ruộng bắt cá xong, người bắt hôi bắt mót lại). Có những đám ruộng rộng lớn, nhiều bùn, đoán biết nhiều cá, những người bắt hôi rủ nhau tìm đến rất đông vui.

Dù là chủ ruộng hay người đi bắt hôi, cánh mày râu đều “tay nơm, vai đụt”, còn phụ nữ, trẻ em thì “tay rổ, tay thau”. Khi khai ruộng, để cho nước cạn nhanh (hồi đó máy bơm còn rất hiếm), chủ ruộng phải “oánh rỗng” (móc mương thoát nước) giữa ruộng. Khi nước vừa cạn bớt, để cá lớn không theo rỗng ra rạch, chủ ruộng lấy nơm chụp xuống, lấy lên liên tục dọc theo con rỗng. Làm như vậy để tạo tiếng động cho cá sợ mà rút lên phía cạn, gọi là nơm rỗng. Khi nước cạn, gia đình chủ ruộng bắt đầu vạch rạ, mò sình bắt cá.

Do ruộng nhiều bùn sình, có nhiều chỗ nước lõng bõng lún đến bắp vế, thậm chí đến lưng quần, nên dù cho chủ ruộng mò kỹ đến đâu, cá vẫn sót lại rất nhiều, nhất là những con cá khôn ngoan chúi sâu dưới bùn. Chủ ruộng bắt phía trước, đàn ông, thanh niên bắt hôi thì mò, thụt bùn phía sau. Tuy bắt sau nhưng người bắt hôi  vẫn “túm” được nhiều cá ngon. Phía sau cánh đàn ông bắt hôi là phụ nữ và trẻ em, cầm rổ xúc cá rô, cá sặt, cá bã trầu cho vào thau. Nhiều người không chỉ bắt cá nhỏ, mà bù niễng, cà cuống cũng không tha...

Trong đội ngũ bắt cá hôi ngày ấy có anh em tôi. Dù còn nhỏ nhưng anh em tôi không đi bắt bằng rổ và thau như những đứa trẻ khác, mà biết dùng nơm như người lớn. Có điều chiếc nơm của anh em tôi được ba bện nhỏ gọn hơn. Cách bắt cá hôi của anh em của tôi cũng chẳng giống ai. Sau buổi sáng đi học về, cơm nước xong, anh em tôi đợi đến tầm hai, ba giờ chiều mới xách đụt, cầm nơm ra ruộng bắt cá “ngóc”. Lúc này trời nắng gắt, chủ ruộng cũng như người bắt hôi đã về hết. Trên ruộng chỉ còn mấy chú cò vôi (cò trắng) tranh nhau bắt tép, cá con...

Những con cá khôn ngoan nhất đã thoát qua được tay chủ ruộng, rồi thoát qua tay những người bắt hôi buổi sáng nhưng khó mà thoát khỏi tay anh em tôi. Chúng tôi để ý, ở những vũng sâu bùn sình lỏng, cá trê còn sót sẽ cựa mình đưa lên đùm râu và há miệng nhỏ ngáp ngáp; còn theo mé rỗng và chỗ nhiều bùn khác thì cá lóc ngóc đầu với cặp mắt thao láo. Trên gò hơn một chút, chỗ còn nhiều năn, rạ, ít ai ngờ tới cũng còn sót nhiều con rô mề. Để bắt cá tràu, cá trê cho chắc ăn, anh em tôi úp mơm, còn cá rô mề thì cứ lượm mà cho vô đụt. Dù vớt cú chót nhưng đến xế chiều anh em  tôi cũng “nặng đụt” như ai.

Những năm sau này, khi người dân làm hai vụ lúa trong năm, nhiều đám ruộng trũng quê tôi từng bước được “gò hoá” và sạ lúa. Còn những lung, láng sâu quá, không thể “gò hoá” được thì nông dân bỏ hoang. Do môi trường sống ngày càng thu hẹp, cùng với sự đánh bắt theo lối huỷ diệt của con người, con cá đồng dưới sông rạch quê tôi nay cực kỳ khan hiếm. Tháng hai âm lịch bây giờ, mùa khai ruộng ở quê tôi đã lùi sâu vào quá khứ.

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục