BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa lượm xoài

Cập nhật ngày: 07/05/2018 - 10:56

BTN - Mỗi lần nghe tiếng “xạc... xạc” do trái xoài từ trên cao rụng xuống va vào cành lá phía dưới là cả bọn ngước mắt nhìn lên, rồi lao đến tranh giành. Mà xoài rụng do gió có ngon lành gì đâu.

Cách nay gần nửa thế kỷ, người dân quê tôi trồng rất nhiều xoài, chủ yếu là giống xoài thanh (không thấy có xoài tượng, xoài cát như bây giờ).

Nơi tôi ở trồng rất nhiều xoài, nên được gọi tên là xóm “Cây Xoài”. Lúc ấy, phía sau nhà bà cố của tôi có bốn cây xoài thanh rất lớn, tàn lá phủ trùm một khoảng đất rất rộng. Mấy cây xoài này do ông cố trồng và ông đã mất trước khi tôi được mở mắt chào đời. Còn bà cố khi đó cũng gần chín mươi tuổi, nhưng trí nhớ còn tốt, tai nghe khá rõ. 

Hằng năm, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện là thời điểm xoài chín rộ. Vào mùa này, hằng ngày, bà cố của tôi lại hay chống gậy lọ mọ ra sau vườn. Mỗi khi  thấy bà ra thăm xoài, mấy đứa nhỏ hàng xóm nghịch ngợm, chu môi hút gió “hu... hu”.

Đứa thì nói lớn cho bà nghe: “Hu... hít ! Hu hít!... Vái ông Giông, bà Gió tụ về đây cho con lượm mấy trái xoài!”. Khi nghe tụi nhỏ nói thế, bà tôi lại bảo: “Tụi bây muốn ăn trái nào thì xin, tao cho hái rồi ăn! Chớ tụi bây kêu gió, gọi mưa về giũ sạch vườn xoài thì lấy gì đem bán?” 

Gió, mưa là quy luật của tự nhiên, không phải do bọn con nít hút gió, hay van vái “ông Giông, bà Gió” mà có! Hồi đó, bánh trái dành cho trẻ con ăn vặt ít ỏi lắm.

Riêng trái cây thì phải đợi đến mùa. Cây xoài mỗi năm cũng chỉ ra trái có một lần. Vì vậy, mỗi khi có mưa gió, anh em tôi và bọn trẻ hàng xóm không lo sợ sấm sét, cành cây ngã đổ mà vui vẻ xúm ra “bao vây” mấy gốc xoài đợi trái rụng.

Mỗi lần nghe tiếng “xạc... xạc” do trái xoài từ trên cao rụng xuống va vào cành lá phía dưới là cả bọn ngước mắt nhìn lên, rồi lao đến tranh giành. Mà xoài rụng do gió có ngon lành gì đâu. Hầu hết là xoài nũng (xoài bị hư úng), xoài nứt (xoài nhỏ bị hư nứt phần bụng). Có khi do gió mạnh làm mấy trái xoài xanh cũng rụng.

Nhưng mà xoài ngon, xoài thối gì từ trên cao mà rơi bịch xuống đất thì cũng bầm giập. Vậy mà, chúng tôi cũng giành nhau lượm hết, đem về gọt bỏ phần hư thối, ăn “mót” phần còn lại.

Nếu trời mưa giông vào ban đêm, có khi không cần đợi tới sáng, chờ trời vừa dứt hạt là có người xách đèn lúp (đèn đốt bằng dầu lửa có phần che chắn gió) ra lượm xoài rụng. Còn bọn con nít như tôi tranh thủ dậy sớm, nhanh chân chạy đến vườn xoài vạch từng bụi cây, đám cỏ kiếm xoài rụng. 

Khi trái xoài trên cây già, chín, bà cố kêu thương lái đến bán. Khi thương lái hái xong, những đứa trẻ xóm tôi mới được tự do “mót” xoài. Những trái xoài cao chót vót trên đọt, hoặc những trái xanh lẩn khuất trong lá rậm, hay những trái xoài “cu” (xoài nhỏ) người hái đã bỏ sót, bọn trẻ đều tìm ra.

Vũ khí mót xoài lúc này là ná thun. Mỗi đứa một cái ná thun thi nhau bắn “rẹt rẹt”. Trái xoài bị đạn sỏi bắn trúng giập bể, lại thêm rơi từ trên cao xuống đất làm giập nát. Vậy mà chẳng trái nào bị bỏ sót. Hết vườn xoài nhà này, chúng tôi lại kéo nhau sang vườn khác mót tiếp. 

Sau khi bà cố mất, những cây xoài cổ thụ ở quê tôi lần lượt già cỗi và bị đốn hạ. Bây giờ, cái xóm có tên “Cây Xoài” đã không còn gốc xoài thanh nào to lớn. Con nít của xóm cũng chẳng còn bất chấp gió mưa nguy hiểm đi lượm xoài, hay xách ná thun rủ nhau mót xoài “cu” chua loét như thời chúng tôi nữa. 

T.L