BAOTAYNINH.VN trên Google News

Múa mở rào trong đám cưới của người Khmer 

Cập nhật ngày: 05/12/2020 - 07:40

BTN - Trong các lễ, thì lễ múa mở rào vào ngày cưới - Riêp mon kolka là vui nhộn và ý nghĩa sâu sắc hơn cả. Lễ múa mở rào là phần quan trọng trong lễ đưa chú rể sang nhà gái, người Khmer gọi là “Heph le Chhơ”.

Hầu hết trong các nghi lễ văn hoá của người Khmer, sau phần lễ thì phần hội diễn ra chủ yếu là múa hát mang tính kết nối cộng đồng. Trong đám cưới của bà con Khmer cũng vậy, các tiết mục văn nghệ là không thể thiếu, nhưng yếu tố được nâng lên tầm văn hoá truyền thống thì phải kể đến múa mở rào. Múa mở rào bề ngoài như mang tính giải trí, nhưng nó là một nghi lễ ẩn chứa nhiều triết lý ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt là trong tình yêu đôi lứa và quan hệ thông gia hai họ.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, mùa cưới của người Khmer thường diễn ra từ sau lễ Dâng y Kathina cho đến hết tháng ba âm lịch. Ðó là giai đoạn mùa màng đã thu hoạch xong, các gia đình có con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng bắt đầu chuẩn bị lo hôn sự.

Trên thực tế, trước khi tiến tới hôn nhân, đôi trai gái đã trải qua quá trình tìm hiểu, nuôi nấng tình yêu, còn các bước tiến hành về sau chỉ mang tính nghi lễ. Nhưng nghi lễ lại chính là sợi tơ bền chặt nối kết lứa đôi thành vợ thành chồng và xây dựng gia đình hạnh phúc sau này, không phải là nghi lễ mang tính hình thức. Chính vì vậy, đối với bà con Khmer, hôn nhân là nghi lễ quan trọng bậc nhất trong chuỗi nghi lễ của vòng đời.

Lễ cưới của người Khmer thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu gọi là “Ngày vào đám - Thngay Chol bôn”, ngày thứ hai gọi là “Ngày cưới - Riêp mon kolka”, ngày thứ ba gọi là “Ngày nghi thức chung đôi - Pithi sampas phtưm”.

Trong ba ngày này diễn ra rất nhiều nghi lễ khác nhau như lễ đưa chú rể sang nhà gái, lễ cúng ông Tà, lễ cắt tóc, rắc bông cau, mời các nhà sư đến cầu nguyện, lễ xoay đèn, lễ buộc chỉ tay, lễ lạy ông bà, cha mẹ, lễ nhập phòng...

Trong các lễ này, thì lễ múa mở rào vào ngày cưới - Riêp mon kolka là vui nhộn và ý nghĩa sâu sắc hơn cả. Lễ múa mở rào là phần quan trọng trong lễ đưa chú rể sang nhà gái, người Khmer gọi là “Heph le Chhơ”.

Lễ đưa chú rể sang nhà gái diễn ra vào sáng sớm ngày lễ thứ hai. Nhà trai dưới sự hướng dẫn của ông chủ lễ mang lễ vật sang nhà gái. Ngoài những lễ vật thông thường, nhà trai còn mang theo nữ trang và khăn quàng để tặng cô dâu trong ngày cưới. Khi đoàn nhà trai sắp đến, nhà gái rào cổng lại bằng nhánh gai hoặc tre trúc tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu.

Ðến cổng rào, người đại diện bên nhà trai cầm thanh gươm gỗ múa ba vòng để báo chú rể đã đến. Và “vũ công” của nhà trai bắt đầu múa mở rào. Trước khi thực hiện, nhà trai phải có lễ vật là mâm cơm, rượu và bánh trái để thể hiện lòng thành và trình lên đất đai nhơn trạch bên nhà gái.

Sau nghi thức múa mở rào, nhà gái đánh cồng báo hiệu cho nhà trai vào. Cô dâu cùng hai phù dâu trong trang phục dân tộc lộng lẫy cầm vòng hoa ra tiếp đón chú rể. Hai bên trao vòng hoa cưới và cùng bước vào nhà. Giàn nhạc nổi lên, mọi người cùng chúc mừng cô dâu, chú rể.

Trở lại nghi thức múa mở rào, tại sao bà con Khmer lại có phong tục này? Nội dung câu chuyện được kể như sau: “Ngày xưa, có hai gia đình chơi rất thân với nhau nhưng mỗi nhà lại ở một phum. Trong lúc đi thăm nhau, hai người đàn ông hứng chí đã hứa gả con cho nhau để tình bạn càng thêm thắt chặt.

Người bạn có con trai rất mừng. Sau khi người bạn có con gái ra về, người bạn có con trai nhanh chóng sắm lễ vật cưới hỏi thực hiện lời hứa với bạn. Vì sự việc diễn ra quá nhanh và không cho vợ hay trước nên người vợ có con là đàng gái rất giận dỗi và không đồng ý để nhà trai vào nhà.

Người chồng vì sợ mất lời hứa và mất đi tình bạn đã nài nỉ vợ mình đồng ý. Lúc này, bà vợ đã sai người nhà lấy gai tre sẵn có xung quanh gài cổng nhà lại không để cho đàn trai vào. Nhưng trước sự năn nỉ và lời hứa của chồng, bà đã đồng ý nhưng ra điều kiện: phạt đàng trai một mâm cơm, rượu, bánh trái và phải múa hát để bà xem.

Ðàn trai phải tổ chức múa mở cổng rào bằng gai tre mới được vào nhà. Cuối cùng đám cưới cũng được diễn ra” (dẫn theo Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ - Tiền Văn Triệu - Lâm Quang Vinh, trang 56).

Qua câu chuyện này, người xưa muốn gửi gắm những vấn đề nhân văn trong cuộc sống. Trong đó, hàng rào tượng trưng cho sự ngăn cách, mà rào gai thì càng khó khăn hơn. Cũng như đôi trai gái vốn là người dưng khác họ, tìm đến nhau, yêu thương nhau phải trải qua rất nhiều chướng ngại từ tinh thần cho đến vật chất, phải dọn cho sạch những vướng mắc trong lòng, dẹp bỏ những ích kỷ cá nhân… thì sau này vợ chồng mới có thể yêu thương bền vững và hoà hợp được.

Người mẹ bao giờ cũng rất yêu thương con cái- nhất là con gái. Chính vì vậy người mẹ phải lựa chọn người con rể xứng đáng, có bản lĩnh, sẵn sàng vượt mọi khó khăn để sau này bảo bọc vợ mình. Bên cạnh đó, tình nghĩa sui gia có đẹp thì hôn nhân của con cái mới bền chặt sau này.

Cha và mẹ cùng đồng lòng thì dâu rể mới yên bề làm ăn sinh sống. Múa mở rào không những mang các ý nghĩa trên mà còn nói lên sự đồng thuận của cha mẹ vợ với đứa con rể. Vì phong tục của người Khmer, sau khi kết hôn, con trai thường ở bên nhà vợ một thời gian rồi mới ra riêng. Quá trình chung sống phải thuận hoà là điều hết sức quan trọng. Ngoài ra, múa mở rào còn có ý nghĩa mua vui, giúp cho không khí hai bên bước đầu được vui vẻ, mọi sự hanh thông. Ðó là tiền đề để cuộc sống sau này được vui vẻ êm đẹp.

Nghi lễ múa mở rào không biết có tự khi nào, nhưng nó luôn có mặt trong đám cưới của người Khmer. Dù hoàn cảnh nghèo giàu hoặc gia thế có khác nhau như thế nào đi nữa, nghi lễ múa mở rào vẫn không thể thiếu, không được bỏ qua. Ðó không nhữnglà phong tục, là truyền thống, mà còn là bản sắc của văn hoá Khmer. Giữ gìn phát phát huy giá trị văn hoá này là làm giàu thêm văn hoá cho quê hương vậy.

ÐÀO THÁI SƠN