Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa nước nổi ở Tây Ninh
Thứ sáu: 08:14 ngày 08/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có lẽ, ít ai nghĩ, một tỉnh vùng biên giới được cho là “nắng cháy da người” cũng có mùa nước nổi với những sản vật ruộng đồng phong phú như ở các tỉnh miền Tây.

Vợ chồng ông Thống mượn xuồng đi hái bông súng.

Một miền Tây thu nhỏ

Hằng năm, vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch là Tây Ninh vào mùa nước nổi. Mùa này, những cánh đồng trở nên trắng xoá. Theo con nước, nhiều loại thuỷ sản cũng sinh sôi nảy nở, mang lại niềm vui, nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Những ngày này, gió bấc non se lạnh thổi về khắp vùng đất Tây Ninh. Ông Châu Văn Thống thức dậy từ khi trời còn tối om. Châm điếu thuốc lá cho tỉnh táo, ông Thống bắt đầu ra đồng. Càng xa bờ ruộng, nước càng ngập sâu. “Nước năm nay không cao bằng những năm trước. Năm ngoái, ở chỗ trũng sâu, nước ngập tới lưng quần”- ông Thống so sánh. Theo kinh nghiệm gần cả cuộc đời làm ăn sinh sống ở miền Tây, người đàn ông này dự đoán, nước lụt lên ít, cá tép trên đồng cũng không nhiều.

Trước đó vài ngày, ông Thống đã giăng hàng chục tay dớn, lợp, xà di trên khắp đồng bưng Trao Trảo (ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu). Đúng như ông dự đoán, chiếc dớn đầu tiên chỉ bắt được mớ lòng tong, cá linh, vài con cua và một ít tép.

Chiếc dớn thứ hai đỡ hơn chút đỉnh, ngoài mớ cá tép các loại, ông còn thu hoạch thêm được chú ếch đồng khá to. Người đàn ông này lấy dây nylon trong túi áo cột ngang eo chú ếch, treo vào quai thùng. Ông bảo: “Để bắt thêm vài con nữa làm món ếch kho nghệ. Vợ chồng tôi ở miền Tây nên khoái ăn món đồng ruộng này lắm”.

Vừa bì bõm đi trong ruộng nước mênh mông, người đàn ông này vừa trải lòng: vợ chồng ông sinh ra, lớn lên ở vùng đất mũi Cà Mau. Ở quê, vợ chồng ông không có miếng đất cắm dùi. Riêng ông, một chữ bẻ đôi không biết nên chỉ kiếm sống bằng cách làm thuê làm mướn cho bà con trong xóm. Ai thuê cày cấy, nhổ cỏ, cuốc đất gì ông cũng nhận. Những lúc nông nhàn, ông đặt lợp, đặt lờ, giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập. Hai vợ chồng lao động quần quật suốt ngày cũng chỉ đủ tiền mua gạo nuôi con.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp dần được cơ giới hoá, vợ chồng ông Thống ít được thuê mướn. Tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng bám víu vào vùng đất Cà Mau, vợ chồng ông đành đưa con cái rời khỏi làng quê, đi khắp nơi kiếm sống.

“Lộc trời” mùa nước nổi.

Gia đình ông lang thang từ Long An đến Bình Dương, Bình Phước, có lúc lên tới các tỉnh Tây Nguyên làm đủ thứ nghề, như bốc vác, nhân viên chăm sóc cây kiểng, bảo vệ công trường xây dựng v.v… Vợ ông theo chân chồng, đi đến đâu tìm việc làm thuê đến đó. Tay làm hàm nhai, ngày nào có việc làm thì có miếng cơm bỏ bụng, ngày nào thất nghiệp là bụng đói meo. Trên bước đường tha hương, ba năm trước, gia đình ông Thống đi ngang cánh đồng Trao Trảo. Nhận thấy cơ hội làm ăn ở vùng đất này, vợ chồng ông tìm chủ đất, xin được cất một căn chòi nhỏ ven đường, gần cầu Bến Đình để làm nơi tá túc, mưu sinh.

Đất lành chim đậu   

Thấy gia đình ông khó khăn, chủ ruộng đồng ý cho cả hai cất căn chòi nhỏ trên đất Vợ chồng ông Thống liền đi mua ít cây gỗ về dựng chòi nhỏ, đồng thời mua lưới dớn, lợp đem ra đặt rải rác trên đồng. Buổi sáng hằng ngày, ông đi trút cá, tép từ những ngư cụ của mình. Vợ ông thì đi hái bông súng, vớt ốc bươu mang về bày bên lề đường để bán. Ông Thống kể, hôm nào mượn được chiếc xuồng của người dân bên cạnh thì bơi ra đồng hái rau, bắt ốc cho đỡ lạnh. Ngày nào thu được nhiều “lộc trời” thì “gian hàng đồ đồng” của bà Phượng có đầy cá, cua, ốc, bông súng. Gặp khách quen, bà Phượng vui vẻ khuyến mãi thêm cho một bó rau đồng hay bông súng.

Bà Phượng cho biết, gần tháng nữa sẽ kết thúc mùa nước, cánh đồng cạn nước, nhà nông sẽ dọn đất, xuống giống cho vụ lúa năm sau. Lúc đó, ông Thống sẽ đi làm thuê, bà đi thu mua cá, tép, rau sông của những ngư dân làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ Đông đem về bán lại. Vợ chồng ông Thống còn khoe vừa lắp đặt được một cây đèn năng lượng mặt trời trước căn chòi để thay thế cho cây đèn dầu mấy năm nay. Ông cũng mới mua được chiếc xe gắn máy cà tàng thay cho chiếc xe Cub cũ bị kẻ trộm lấy mất hồi năm ngoái. Người con gái đầu lòng của vợ chồng ông đã lớn, mở một quán chuyên bán thức ăn đồng quê ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Đất lành chim đậu, mấy tháng nay, chị vợ của ông Thống cũng rời quê nhà Cà Mau lên vùng đất Tây Ninh phụ việc ở quán ăn của người cháu gái. Nhờ chịu khó làm ăn, ba năm nay, gia đình ông Thống tạm thời bám trụ được ở vùng đất mới.

Mùa nước nổi ở Tây Ninh không chỉ hiện diện ở cánh đồng Trao Trảo mà còn có nhiều nơi khác, như cánh đồng Gò Duối (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành), những cánh đồng dọc sông Vàm Cỏ Đông ở các xã Phước Bình, Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), hay cánh đồng khu vực gần cầu Bến Sỏi (huyện Châu Thành) v.v… Ở những nơi được mệnh danh là “miền Tây thu nhỏ” này, dễ dàng tìm thấy những “lộc trời” như bông súng đỏ, súng ma, mã đề, rau bợ, rau hẹ và nhiều loại cá, tép, ốc, cua, chim cò. Nhiều người dân địa phương dựa vào con nước để cải thiện thu nhập gia đình. Họ giăng lưới, đặt lợp, đặt dớn, bắt ốc, bắt cua… đem về làm thức ăn hoặc bán cho thương lái.

Mùa nước nổi ở Tây Ninh không kéo dài, nhưng góp phần bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, mang lại niềm vui cho nhiều người dân và trở thành điểm đến của những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục