Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðến hẹn lại lên, sau tết nguyên đán là đến mùa quét lá cao su. Quét lá cao su là công việc gắn liền với những người làm nghề cạo mủ cao su. Một năm, người công nhân cạo mủ cao su được nghỉ phép gần hai tháng khi cây cao su đến mùa thay lá, vào khoảng tháng một, tháng hai âm lịch.
Giữa tháng mười hai âm lịch, những vạt rừng cao su đồng loạt chuyển từ màu lá xanh sang vàng rồi đỏ, xám và rụng xuống đất. Ðể rồi sau đó, cây cao su chỉ còn trơ trọi khung tán cành cây bị chết khô. Nhưng cũng chỉ thời gian ngắn thôi, cây lại đâm chồi mọc lớp lá mới xanh ngắt. Cây cao su thay lá được ví như trút bỏ bộ áo cũ để khoác lên mình áo mới căng tràn sức sống.
Mùa cao su thay lá cũng là mùa mà có nhiều khung hình đẹp cho các nhiếp ảnh gia sáng tác ảnh nghệ thuật. Những cánh rừng cao su với toàn bộ tán lá màu vàng hoặc đỏ hay đỏ vàng lác đác rơi theo những cơn gió nhẹ thổi qua, những làn ánh sáng mặt trời xuyên qua tán cây chạm vào mặt đất… sẽ là những khung cảnh tuyệt vời. Rất nhiều khách du lịch hay những cặp đôi thích chụp ngoại cảnh ảnh cưới cũng tìm đến vườn cao su để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho cuộc đời mình.
Ngày đó, cha mẹ tôi làm công nhân cạo mủ cao su. Vào mùa cao su thay lá, cha mẹ được nghỉ cạo mủ nhưng phải đi quét lá và trực gác lửa nhằm chống cháy mùa khô. Tôi tranh thủ theo phụ cha mẹ đi quét lá. Còn nhớ, quét lá chỉ bằng cây chổi bó chà tre nên vất vả lắm, khi quét không biết phải đổ bao mồ hôi. Và rồi, máy thổi lá cao su ra đời.
Người công nhân cạo mủ rất cảm ơn người chế ra máy thổi lá từ máy cắt cỏ! Thật đơn giản, người ta chỉ việc thay lưỡi dao cắt cỏ bằng cánh quạt thổi là từ một máy cắt cỏ đã chuyển thành máy thổi lá. Thời gian quét lá trong một lô cao su từ một ngày giảm xuống còn hơn hai giờ. Chiều về người quét lá cũng đỡ đau lưng, mỏi gối hơn khi quét bằng chổi chà tre.
Nghề này là nghề được xếp vào loại nặng nhọc, nguy hiểm, được hưởng chế độ phụ cấp độc hại. Giờ giấc làm việc khác thường so với nghề khác, có thể nói là nghề “ngủ ngày, thức đêm”. Ngày làm việc bắt đầu từ khoảng một, hai giờ sáng, cha mẹ thức dậy, đầu đội đèn mang dao cạo và thùng đựng mủ ra đến lô cạo cho đến sáu giờ sáng mới xong. Nghỉ ngơi ăn sáng, cha mẹ lại quay ra bóc mủ chén lô cạo hôm trước, rồi đến chín giờ lo trút mủ lô vừa mới cạo, rồi đổ mủ…
Khi về đến nhà là đã gần mười một giờ trưa. Ðã vậy, buổi chiều, cha mẹ còn phải chăm sóc, làm máng che mưa… Vất vả nhất là những ngày mưa, cha mẹ tôi và những người đồng nghiệp phải lo chạy trút mủ, vì nếu nước mưa tràn vào tô mủ là coi như kết quả ngày cạo đó bằng không… Rồi còn không ít những nguy hiểm mà người công nhân cạo mủ phải đối mặt hằng ngày, như là rắn rết cắn, muỗi đốt, hay cơn giông kéo đến bất ngờ giữa rừng cao su làm cây gãy đổ…
Vất vả, cực khổ, nguy hiểm là vậy nhưng mức lương người công nhân cạo mủ thăng trầm theo giá cả thị trường tiêu thụ. Mấy năm gần đây, giá mủ cao su liên tục xuống thấp, nhiều người đã bỏ nghề cạo mủ cao su chuyển sang làm công nhân ở các xí nghiệp với mong muốn có thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn. Thậm chí nhiều nhà có đến hai, ba thế hệ làm công nhân cao su nay cũng ngậm ngùi… bỏ nghề.
Cha mẹ tôi nghỉ hưu được bốn năm rồi. Họ đã qua cái thời làm lụng cơ cực nuôi đàn con thơ ăn học. Nay, đi qua những vạt rừng cao su chồi non đang mọc, nhìn xa xa những người đang thổi lá, lòng tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa, nhớ những vất vả của cha mẹ. Thầm tiếc cho thời vàng son của cây “vàng trắng” đã qua, không biết nghề công nhân cạo mủ còn tồn tại cho đến bao giờ?
Nguyễn Hữu Dư