BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mực nước ngầm tại ĐBSCL tụt giảm mạnh

Cập nhật ngày: 19/04/2009 - 09:12

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Viện, Cơ sở 2 Đại học Thuỷ lợi, việc khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay gần như không thể kiểm soát được khiến mực nước ngầm ở khu vực này đã tụt giảm từ 12 - 15m.

Cũng theo cảnh báo của Tiến sĩ Viện, nếu không có các biện pháp cấp bách ngay từ bây giờ thì mực nước ngầm tại Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống tới mực nước chết vào năm 2014.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 100.000 giếng nước ngầm, sâu từ 10 - 300m, nhiều nhất là tại Cà Mau (178.000 giếng), Bạc Liêu (98.000 giếng) cùng hàng trăm trạm cấp nước tập trung khai thác nước ngầm có qui mô vài trăm m3/ngày.

Các đô thị ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh gần như sử dụng 100% nước ngầm cho sinh hoạt. Không những thế người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn sử dụng nước ngầm tưới lúa, hoa màu và nuôi thủy sản. Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày nhưng hầu hết các địa phương trong vùng đều chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phân bố của các khối nước mặn (ngầm) ở Đồng bằng sông Cửu Long phức tạp cả về diện và theo chiều sâu. Nhiều nơi, các tầng chứa nước ngọt và nước mặn nằm đan xen nhau. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa khoa học, còn rất lãng phí. Do đó nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước do khoan rất cao.

Hiện có hàng ngàn giếng nước bỏ không chưa được trám, lấp dẫn đến nguy cơ sụp, lún ở tầng khai thác sâu từ 75 - 110m. Chỉ tại tỉnh Cà Mau có đến 3.125 giếng nước ngầm không sử dụng. Hiện nước mặn đã xâm nhập tại hàng ngàn giếng nước ngầm, nhiều nhất là ở tầng nông (50m).

Cũng do khai thác bừa bãi nên hàng ngàn giếng nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ô nhiễm. Theo kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng (Bộ Y tế) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy mức độ nhiễm thạch tín (asen) trong giếng nước ngầm cao đến mức báo động. Tại An Giang, có tới 40% trong số 2.966 mẫu được kiểm tra bị nhiễm thạch tín...

Để khắc phục tình trạng này và sử dụng tầng nước ngầm hiệu quả, bền vững, các nhà khoa học đã kiến nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần gấp rút khảo sát, đánh giá có hệ thống hiện trạng nước ngầm toàn vùng và đưa ra chính sách quản lý hợp lý.

Theo các nhà khoa học, phải tính toán giữa nạp vào và sử dụng để có đáp án cho bài toán cân bằng sử dụng nước ngầm ở khu vực này, đồng thời, phải ngăn chặn ngay tình trang khai thác quá mức làm sụt giảm tầng nước ngầm, lún mặt đất và tình trạng gây ô nhiễm tại các giếng nước ngầm.

Việc chia sẻ thông tin phải được làm tốt vì hiện nay số liệu và thông tin về nước ngầm được các bộ ngành trung ương quản lý nhưng các địa phương thì không có được những thông tin này. Bên cạnh đó cầnnâng cao năng lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về quản lý tài nguyên nước ngầm; nâng cao ý thức người dân trong sử dụng, bảo vệ tầng nguồn tài nguyên này.

(Theo TTXVN/Vietnam+)