BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao

Cập nhật ngày: 10/11/2011 - 01:35

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Chiều 10.11, tiếp tục chương trình làm việc Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các đại biểu đánh giá dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính được chuẩn bị kỹ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa) và nhiều đại biểu khác cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính nên tách ra thành 2 luật riêng biệt là Xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Đại biểu Đặng Đình Luyến đề xuất theo hướng Luật Xử phạt vi phạm hành chính cố gắng hoàn thiện để đến tháng 5/2012 thông qua còn luật xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định cụ thể hơn để tháng 11.2012 có thể thông qua.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, việc xử lý vi phạm hành chính là đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng để giáo dục. Liên quan đến quyền tự do dân chủ của công dân vì thế nên giao cho tòa án xử lý theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Việc giao cho tòa án giúp đối tượng có thể thuê luật sư bào chữa, tranh tụng công khai tại tòa và Tòa án có quyền ra quyết định.

Liên quan quy định xử phạt nội thành của 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở 3 lĩnh vực giao thông, xây dựng, quản lý đô thị cao hơn nhưng không quá 2 lần so với các nơi khác đồng tình với việc tăng mức phạt này tại 5 thành phố lớn tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ hiện nay Chính phủ đang tổ chức thực hiện thí điểm xử phạt trong nội thành ở các thành phố năm 2010 thì cần tổng kết lại việc thực hiện thí điểm này để biết tính hiệu quả tác dụng đến đâu để quy định trong luật này được.

Đại biểu Đặng Đình Luyến đề nghị nếu cho phép áp dụng mức phạt cao ở nội đô các thành phố lớn thì nên giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm và mức phạt thống nhất tại 5 thành phố này chứ không giao cho Hội đồng nhân dân thành phố để tránh tình trạng mỗi nơi quy định hành vi và mức phạt khác nhau không thống nhất

Đồng tình với chủ trương quy định mức phạt cao, nhiều đại biểu cho rằng nhiều mức phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ cần phải tăng để tương xứng với hành vi vi phạm và mang tính răn đe.

Tuy nhiên quy đinh của dự luật này về mức phạt từ 50.000 đồng đến 2 tỷ đồng chia thành từng lĩnh vực. Nhiều đại biểu băn khoăn mức nâng như trên là quá cao chưa phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội.

Theo quy định hiện hành mức trần cao nhất của xử phạt hành chính là 500 triệu đồng theo nhiều đại biểu nên để mức trần hiện hành là hợp lý.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng chỉ nên nâng mức phạt gấp 2 lần quy định cũ là đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng mọi hành vi vi phạm đều được phát hiện và xử lý là quan trọng nhất để bảo đảm tính khách quan công bằng xã hội.

Cho ý kiến về hình thức xử phạt, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) nêu trong dự luật qui định 3 hình phạt: tước giấy phép, tịch thu tang vât, trục xuất có thể là hình phạt chính có thể là hình phạt bổ sung nhưng trong dự luật cũng quy định một hành vi thì chỉ chịu một loại hình phạt sẽ dẫn đến việc khi áp dụng hình phạt chính có thể bị đổi thành hình phạt phụ và ngược lại như thế là một hành vi áp dụng hai hình phạt. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật hình phạt chính, hình phạt bổ sung như vậy khi áp dụng luật vào thực tiễn sẽ không gặp trở ngại người áp dụng cũng thuận lợi.

Về thẩm quyền xử phạt, dự án luật quy định chủ thể trong dự án luật là chủ tịch xã, huyện, tỉnh, công an, kiểm lâm… nếu không quy định cụ thể một hành vi bị xử phạt sẽ bị xử phạt không đúng thẩm quyền ở các cấp. Đại biểu đề nghị phân biệt thẩm quyền cần phải quy định rõ hơn ở từng lĩnh vực được quyền xử phạt của mỗi cấp.

Các đại biểu đồng tình quy định về chức danh xử phạt của dự án luật, nhưng đề nghị quy định cần cụ thể bởi mức xử phạt lĩnh vực hành chính rất nhiều nên có biện pháp giao cho thủ trưởng cơ quan giao cho nhiều người phạt. Tuy nhiên việc xử phạt cũng cần tạo điều kiện cho người bị phạt một cách đơn giản về thủ tục nộp phạt, nơi nộp phạt tránh gây phiên hà

Đa số đại biểu cũng đồng tình với dự án luật bỏ quy định đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh mà nên quy định theo hướng phạt tiền hoặc có biện nào đó để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cải thiện đời sống để không tái phạm.

Theo các đại biểu đối tượng bán dâm đưa vào cơ sở khám bệnh là không đúng bởi tất cả các đối tượng này không phải ai cũng đều có bệnh. Đây là vấn đề xã hội cần có thời gian dài để giải quyết. Tán thành theo hướng đối với người bán dâm có bệnh cần phải đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng đại biểu Đặng Đình Luyến đề nghị làm rõ ai chữa bệnh, khám bệnh, nguồn kinh phí chữa bệnh để bảo đảm tính hiệu quả.

Theo VOV