BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùng năm tháng năm - chuyện xưa nay ở xứ Trảng 

Cập nhật ngày: 04/06/2022 - 00:25

BTN - Mùng 5 tháng 5 (nông lịch) còn được gọi là tiết Đoan Dương, tiết Đoan Ngọ, tết giữa năm hay tết giết sâu bọ… là một ngày tết truyền thống tại các nước đồng văn như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

Bánh ú lá tre Trảng Bàng.

Với người Hoa, gọi là tiết (hay đọc trại âm thành tết) Đoan Ngọ liên quan đến tích Khuất Nguyên ở thời Xuân Thu chiến quốc gieo mình xuống sông Mịch La vào trưa mùng 5 tháng 5 tự vẫn để cảnh tỉnh vua nước Sở, từ đó lấy ngày mùng 5 tháng 5 làm ngày giỗ của Khuất Nguyên để biểu dương những tấm gương trung quân ái quốc. Ở Việt Nam, theo truyền thống, mùng 5 tháng 5 là ngày giỗ Quốc tổ mẫu Âu Cơ, nên trong dân gian có câu “Tháng năm chính tiết Đoan Dương/ Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”. Đây cũng là ngày tết gắn liền với nông nghiệp qua việc giết sâu bọ, khảo cây mong ra sai quả hay những người nông dân thường chọn ngày này để trồng cây. Ông bà xưa thường nói “tết năm rằm bảy”, qua đây đã cho thấy tết mùng 5 tháng 5 và rằm tháng 7 là hai tiết lớn trong năm sau tết nguyên đán.

Ăn bánh ú lá tre vào mùng 5 tháng 5 cũng giống như việc ăn chè trôi nước vào tiết Nguyên tiêu, ăn bánh trung thu vào đêm rằm tháng tám đã trở thành nét đặc trưng văn hoá ẩm thực có ý nghĩa sâu sắc. Từ hôm bước qua tháng 5 nông lịch, tháng mà người xưa hay nói “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng” đã thấy bày bán ở các chợ món bánh ú lá tre, hay còn gọi là bánh ú nước tro, một loại bánh như là “đặc sản” không thể thiếu trong dịp tết giữa năm này.

Đông y giải thích, vào dịp mùng 5 tháng 5, bánh ú nước tro sẽ phát huy những công dụng có lợi bởi ngày tết Đoan Ngọ mọi người thường ăn nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu,… nên cần có bánh ú nước tro như một cách để cân bằng âm dương.

Không chỉ là một món ăn, bánh ú lá tre còn là một thức cúng để gợi nhớ về thời khai hoang mở cõi của tổ tiên hay thức quà vào dịp mùng 5 tháng 5 ẩn chứa ý nghĩa của sự sum họp, đầm ấm và lời chúc bình an.

Các bạn trẻ trải nghiệm hái trái cây ở An Nhiên Garden (khu phố Lộc Chánh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng).

Để làm nên cái bánh ú lá tre ngon phải trải qua nhiều công đoạn, nếp phải được ngâm với nước tro, xả sạch nhiều lần với nước, như vậy nếp sau khi nấu chín sẽ trong, kết dính và bóng bẩy. Nhân đậu xanh được xào sao cho vừa dẻo, bùi, không được nhão mà cũng không được khô, vo thành viên. Sau đó gói lại với lá tre, cột bằng dây chuối phơi khô hoặc dây ni-lông rồi cho vào trã nấu. Một số người gói bánh thêm vào những nguyên liệu được cho là bí quyết để làm bánh thêm ngon, tạo nên thương hiệu của riêng mình, như bánh ú lá tre của chị Tạ Thị Mai Loan ở Trảng Bàng tạo màu xanh cho bánh từ lá bồ ngót, thay cho bánh có màu vàng như thường thấy; có người thích thêm mứt bí, sầu riêng vào nhân bánh; có người gói độn khoai lang vào nhân bánh hay phải gút kỹ để hạt nếp dẻo, ngon, có độ trong… tất cả tạo nên sự đặc trưng của bánh ú lá tre ở xứ Trảng.

Công đoạn nấu bánh cũng rất kỳ công, bánh trước khi cho vô trã (nồi), nước phải thật sôi, người nấu canh lửa, chụm củi, châm nước liên tục, không để cho nồi bánh bị cạn nước. Có như vậy, bánh ú mới giữ được vị ngọt thanh của đường, dẻo của nếp và mùi thơm của lá tre, giữ được nhiều ngày mà không bị thiu. Nay có nhiều nơi gói để tiện và nhanh hơn thì dùng bếp gas (bếp khò) để nấu bánh.

Một xâu bánh ú lá tre 10 cái có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, có những người thích ăn bánh ú lá tre không nhân thì phải đặt riêng, cái bánh không nhân được gói nhỏ hơn, khi ăn thường chấm với đường, xâu 100 cái có giá từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Hằng năm, những nhà chuyên gói bánh bán thì gói từ vài ngàn đến vài chục ngàn cái để bán. Chị Tạ Thị Mai Loan chia sẻ, năm nay chị gói bánh vừa dùng vừa tặng, dư ra ít để bán cũng hết 5 thiên bánh (tức 5.000 cái bánh ú lá tre). Những người mua bánh phải đặt trước để người gói chuẩn bị nguyên liệu và bắt tay gói từ hôm mùng 2, rồi giao bánh dần đến mùng 4 thì hoàn tất để mùng 5 tháng 5 mọi người có bánh cúng, tặng và dùng trong gia đình.

Không chỉ là món bánh bình thường, bánh ú lá tre còn là ký ức của những ngày xưa. Chị Trịnh Huỳnh Giao Tiên xưa có nhà ở chợ cũ Trảng Bàng, ông nội của chị là ông Ban của cộng đồng người Hoa Phước Kiến ở Nhị Phủ hội quán, tên Trịnh Chấn Đường, trước có tiệm tạp hoá Trịnh Phùng Thái ở chợ cũ. Chị Trịnh Huỳnh Giao Tiên đang sinh sống tại Hàn Quốc, chị cho biết nhiều người Việt qua lại Việt - Hàn hằng tuần nên xách tay nhiều loại bánh truyền thống sang bán cho bà con người Việt định cư ở Hàn. Vào dịp mùng 5 tháng 5, họ có lấy bánh ú lá tre ở Trảng Bàng và bánh ú lá vung ở Bà Điểm, Hóc Môn qua bán. Nơi phương xa vẫn được ăn cái bánh của quê hương đã gợi trong chị nhiều cảm xúc, chị rất hạnh phúc, nhớ lại những năm chỉ mới 12 tuổi mang bánh ú lá tre từ Trảng Bàng xuống chợ Bình Tây (TP.Hồ Chí Minh) bán vào tết Đoan Ngọ.

Bánh ú lá tre ở Trảng Bàng xưa do bà Tư (mẹ của bà Năm Dung, tiệm bánh canh Năm Dung) nổi tiếng ngon trong vùng. Thực khách ghé quán thưởng thức món bánh canh đặc sản của Trảng Bàng và có thể mua thêm bánh ú lá tre, một loại bánh đặc trưng thường chỉ gói vào dịp mùng 5 tháng 5.

Mùng 5 tháng 5 cũng là ngày các tiệm thuốc Đông y, các chùa có hành y cúng tổ thầy thuốc, với tinh thần “nhập thế độ sanh” các vị tu sĩ Phật giáo xưa còn tinh thông y học do “thừa Nho hoá y” chữa lành thân bệnh cho cư dân địa phương rồi chữa đến tâm bệnh của họ bằng giáo pháp của đức Phật. Vào ngày này, chùa nào có bàn thờ y tổ Biển Thước thì cúng ở bàn thờ tổ, còn không thì bày hương án ở tổ đường, đặt hương, hoa, đăng, trà, quả, bánh lên cúng. Ở Trảng Bàng xưa có chùa Huỳnh Long, chùa Phước Lưu, chùa Phước Lâm có bắt mạch, bốc thuốc từ thiện cho bá tánh trong vùng, nay ở chùa Huỳnh Long và Phước Lâm còn bàn thờ tổ. Trong ngày này, mọi người thường đi hái những lá cây là vị thuốc về nấu uống cho mát, thanh lọc cơ thể và quan niệm sẽ mau khỏi bệnh.

Đặc biệt tại Tây Ninh, từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 là lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen; ở Trảng Bàng có Linh Sơn thánh miếu hay mọi người thường biết đến qua tên gọi miếu Bà Giếng Mạch (khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) cúng Bà từ chiều ngày mùng 5 đến hết ngày mùng 6 tháng 5 theo nghi thức dân gian, có diễn xướng nghi lễ bóng rỗi. Người dân trong và ngoài địa phương đến viếng rất đông, dâng cúng Bà đủ các lễ vật là những đặc sản của địa phương, trong đó có bánh ú lá tre, mong cầu Bà phù hộ cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, cư dân địa phương được mạnh giỏi, làm ăn thuận lợi...

Bên cạnh bánh ú lá tre còn có món cơm rượu nếp trong ngày mùng 5 tháng 5, bởi theo quan niệm dân gian, cơm rượu có thể giết được sâu bọ ký sinh trong cơ thể.

Mùng 5 tháng 5 cũng như tết nguyên đán, tết trung thu, là dịp để gia đình đoàn viên sau những ngày tất bật với cuộc mưu sinh. Cũng không rõ từ bao giờ, cứ mỗi dịp mùng 5 tháng 5, mọi người thường rủ nhau đi vườn, nhất là các bạn trẻ. Nắm bắt được nhu cầu này, có những vườn mở dịch vụ cho khách tự hái trái cây rồi ra cân tính tiền; có nơi cho ăn tại vườn hay có nhà tận dụng vườn cây trái để mở quán ăn phục vụ du khách vừa đi vườn vừa thưởng thức những món đồng quê như cháo gà, gà nướng muối ớt ăn với cơm cháy, cá chiên cuốn bánh tráng, bánh tráng thịt luộc.

PHÍ THÀNH PHÁT