Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mừng tuổi ngày Tết
Thứ sáu: 12:06 ngày 03/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) là một phong tục mang bản sắc văn hóa của nhiều nước châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trong những ngày đầu năm mới, trẻ con được mừng tuổi với lời chúc hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi; người già được con cháu mừng tuổi để chúc thọ, chúc sức khỏe… Ngày nay, khi xã hội phát triển và có nhiều biến đổi, việc mừng tuổi cũng có sự cởi mở, linh hoạt hơn khi tất cả mọi người đều có thể mừng tuổi cho nhau với ý nghĩa cầu mong một năm mới tốt lành, hạnh phúc.

Nguồn gốc của tục lì xì được cho là đã có từ rất lâu đời, ban đầu người ta cho rằng những đồng tiền nhỏ được bỏ trong phong bao màu sắc bắt mắt đặt cạnh trẻ em sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma, bệnh tật, xui xẻo. Dần dần, theo tục lệ, vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ, tặng quà hoặc một số tiền nhỏ cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ hoặc vàng, chứa một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Việc được thực hiện tương tự khi có khách đến nhà chơi hoặc khi đi thăm, chúc Tết họ hàng, bè bạn.

Ý nghĩa của lì xì không nằm ở số tiền nhiều hay ít, mà quan trọng là ở tấm lòng và thông điệp: chúc người cao tuổi sống lâu, khỏe mạnh; chúc người lớn ăn nên làm ra, may mắn hòa thuận; chúc trẻ em hay ăn chóng lớn… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Đến nay, phong bao mừng tuổi là món quà đầu xuân không thể thiếu được trong ngày Tết.

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục, lì xì là phiên âm tiếng Hán của “lợi sự”, nghĩa là những việc may mắn, tốt đẹp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, câu chuyện lì xì đang có nhiều biến tướng phản cảm, phản giáo dục, ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, tình cảm con trẻ. Mà phần lớn nguyên nhân là do ứng xử chưa chuẩn mực của người lớn.

Chẳng hạn như việc không ít người lấy việc lì xì để phục vụ mục đích cá nhân, thông qua con cái để biếu xén, lấy lòng bố mẹ. Hoặc có những bậc phụ huynh vô tình hay cố ý so đo giá trị bên trong phong bao lì xì, “khuyến khích” con vòi tiền lì xì từ người thân, khách khứa. Thế là mấy ngày Tết bỗng dưng lại mang đến thêm một “gánh nặng” với nhiều người, đó là chuyện lì xì bao nhiêu cho hợp lý, cho phải đạo. Nếu không, rất có thể sẽ gặp phải tình cảnh “dở khóc dở cười” như: bị trẻ con đòi tiền lì xì, chê lì xì ít, tỏ thái độ không hài lòng…

Thiết nghĩ, chuyện phong bao lì xì là chuyện nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa không nhỏ, không nên để trẻ em sớm nhìn đồng tiền bằng đôi mắt của người lớn. Để trẻ biết quý trọng đồng tiền cũng như trân trọng các giá trị tinh thần của việc nhận lì xì, cần bắt đầu từ người lớn; ông bà, cha mẹ nên giải thích chu đáo về ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi đầu năm, cũng như định hướng cho trẻ tiêu tiền vào việc học tập hoặc phục vụ các mục đích chính đáng, chẳng hạn như để dành tiền cho một khóa học nghệ thuật, ngoại ngữ, hoặc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn mình…

Mặt khác, hiện vật để mừng tuổi không nhất thiết phải là tiền, mà có thể là những cuốn sách, truyện, đồ chơi trí tuệ, quà bánh… chứa đựng tình cảm chân thành, không tạo áp lực cho cả người cho và người nhận. Những thay đổi lớn hoàn toàn có thể đến từ việc khởi động các thay đổi nhỏ.

Vốn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, mừng tuổi đầu xuân là chuyện mà trẻ con mỗi năm đều mong chờ, còn người lớn cũng có dịp để thể hiện sự quan tâm, yêu thương tới thế hệ tương lai. Hãy để đồng tiền lì xì được đúng nghĩa là món quà cầu phúc, cầu may, cầu bình an và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục