Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Mỹ nhắm mắt để Nga lấy lại vùng ảnh hưởng?
Thứ sáu: 11:33 ngày 23/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gió đã xoay chiều, những lãnh đạo thân Nga tại Ukraine và Kyrgyzstan giành lại quyền lực, lần lượt hất cẳng những nhân vật chính trong các cuộc Cách mạng Cam và Cách mạng hoa Tulip.

Cách đây 5 năm, chính phủ các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, từng là những nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình của cái gọi là “Cách mạng màu” do Mỹ hậu thuẫn. Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2003 đến 2005, các nước Gruzia, Ukraine và Kyrgyzstan lần lượt quay lưng với nước Nga. Nhưng giờ đây, gió đã xoay chiều, những lãnh đạo thân Nga tại Ukraine và Kyrgyzstan giành lại quyền lực, lần lượt hất cẳng những nhân vật chính trong các cuộc Cách mạng Cam và Cách mạng hoa Tulip.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trò chuyện với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm Moscow. Ảnh: Time

Lãnh đạo của cuộc Cách mạng Hoa hồng tại Gruzia, Tổng thống Mikhail Saakashvili đang cảm thấy đơn độc hơn bao giờ hết. Ông từng cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng: Đừng để Nga trắng tay trong khối Xô Viết cũ. Trả lời phỏng vấn của báo TIME, ông Saakashvili nhận định: Ông Barack Obama rơi vào một mớ bùng nhùng khi cố đẩy mạnh mối quan hệ với Nga nhằm giải quyết những vấn đề mà người tiền nhiệm George W. Bush để lại. Không ít lần Moscow đã công khai chỉ trích việc cựu Tổng thống George W. Bush ủng hộ cách mạng màu và kết thân với lãnh đạo các chính phủ chống Nga. Bây giờ, ông Obama đang bị Moscow thuyết phục tránh xa những mối quan hệ đó. “Đó không phải là việc Mỹ ruồng bỏ đồng minh Gruzia. Không, Nga chỉ đang yêu cầu Mỹ trả lại vùng ảnh hưởng của họ trong khối Xô Viết cũ” – Saakashvili nói.

Trên thực tế, dường như Mỹ và các đồng minh châu Âu đều tuân thủ 3 điều sau: thứ nhất, không thúc đẩy thêm bất kỳ quốc gia nào trong khối Xô Viết cũ gia nhập vào NATO; thứ hai, không công khai ủng hộ bất kỳ phong trào nào đang tìm cách lật đổ các chính phủ thân Nga; và cuối cùng là, phải tham khảo ý kiến của Moscow trước khi khởi xướng bất kỳ sáng kiến lớn nào ở “sân sau” của Nga, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Dưới thời chính quyền Bush, ba điều “cấm kỵ” trên đều bị phớt lờ, vì thế mối quan hệ Mỹ- Nga trở nên tồi tệ hơn cả thời Chiến tranh lạnh. Trong khi đó, ông Obama lại tỏ ra sốt sắng hơn và Washington tin rằng Moscow đang đáp lại những nỗ lực “làm lành” của họ.

Nghị sĩ Sergei Markov của Đảng nước Nga thống nhất (do Thủ tướng Vladimir Putin đứng đầu) nói: “Có vẻ như, Mỹ không còn muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine theo cách mà họ từng làm trong cuộc Cách mạng Cam hồi năm 2004. Mỹ cũng cắt đứt sự ủng hộ của họ đối với Gruzia. Theo như tôi được biết thì, ít nhất là họ không đưa cho một đồng đô la nào nhằm hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Saakashvili”.

Tất nhiên, Washington vẫn khẳng định với các nước đồng minh rằng, họ sẽ không vì lợi mà quên bạn, nhưng thực tế cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia tại Nam Ossetia hồi tháng 8.2008 buộc họ phải thay đổi chiến lược vì nó đã minh chứng một điều: Nga sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của họ trong khu vực và Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nếu họ tiếp tục chống đối đến cùng.

Thay đổi chiến lược không có nghĩa là sẽ mất quyền lợi, Washington hy vọng, Moscow sẽ đổi lại bằng việc ủng hộ những vấn đề nóng bỏng khác như: chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên, cho mượn đường để trung chuyển binh lính và quân nhu sang Afghanistan… 

THUÝ TRINH

(Theo The TIME)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục