Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rạng sáng ngày 7.11, hãng tin CNN cho biết, người bắn hạ hung thủ là nữ cảnh sát tuần tra Kimberly Munley, có biệt danh là “người đàn bà thép”.

Cập nhật: Rạng sáng ngày 7.11, hãng tin CNN cho biết, người bắn hạ hung thủ là nữ cảnh sát tuần tra Kimberly Munley, có biệt danh là “người đàn bà thép”. Ngay khi thiếu tá – bác sĩ Nidal Malik Hasan xả súng bắn vào đồng đội, Munley là người có mặt đầu tiên ở hiện trường, đối mặt với Hasan. 4 phát đạn của Munley đều trúng đích, nhưng cô cũng bị thương trong cuộc đấu súng này. (Theo CNN) |
Tại Iraq hay Afghanistan, việc binh lính Mỹ bị khủng hoảng tinh thần quay súng bắn đồng đội được xem là chuyện thường, nhưng hành động của Thiếu tá - bác sĩ tâm lý Nidal Malik Hasan, 39 tuổi, làm việc tại Quân y viện Darnall thuộc căn cứ Fort Hood, tiểu bang Texas, ngay tại nước Mỹ là một điều bất bình thường.
Sự kiện Hasan điên cuồng xả súng bắn chết 13 người, làm bị thương 30 người khác hôm 5.11 tại căn cứ quân sự lớn nhất thế giới không chỉ làm nhiều bệnh nhân của Hasan bất ngờ, ngay chính Tổng thống Barack Obama cũng sững sờ. Đến lúc này, các lực lượng an ninh mới lao vào điều tra động cơ của vị bác sĩ gốc Jordan sinh ra ở bang Virginia, người đã từng ghi là gốc Palestine trong một chương trình “tìm bạn bốn phương” ở một thánh đường Hồi giáo.
Ngay sau sự vụ xảy ra, một đơn vị cảnh sát đặc biệt đã được điều động đến căn cứ Fort Hood. Hasan đã sử dụng hai khẩu súng ngắn, trong đó có một khẩu bán tự động, bắn các binh sĩ đang được kiểm tra sức khoẻ chuẩn bị cho đợt triển khai đến Iraq và Afghanistan tại Trung tâm quân thường trực của căn cứ. Thông tin ban đầu cho biết, Hasan đã bị cảnh sát bắn chết. Tuy nhiên, theo thiếu tướng Bob Cone ở căn cứ Fort Hood, Hasan trúng 4 phát đạn chỉ bị bất tỉnh chứ không chết, hiện sức khoẻ đã ổn định và hiện đang bị canh giữ rất nghiêm ngặt.
![]() |
Hàng trên: Cảnh sát và binh lính được triển khai đến căn cứ Fort Hood để khống chế Hasan; Người bị thương được đưa đến quân y viện. Hàng giữa: Chân dung hung thủ Nidal Malik Hasan; Nét mặt đau buồn của Tổng thống Barack Obama. Hàng dưới: Những người tình nguyện chờ tiếp máu cứu người bị thương; phóng viên vây quanh thiếu tướng Bob Cone ở căn cứ Fort Hood. |
Thiếu tá - bác sĩ tâm lý Nidal Malik Hasan được chuyển đến căn cứ Fort Hood hồi tháng 7.2009 từ Trung tâm Walter Reed, nơi ông được đánh giá là có thành tích khá bết bát. Một số quân nhân và cựu quân nhân quen biết với Hasan cho rằng, rất có thể viên thiếu tá – bác sĩ này đã trở nên điên loạn khi hay tin mình được triển khai tại Afghanistan (có tin cho biết là Iraq). Cựu đại tá Terry Lee, người đã từng có thời gian làm việc với Hasan cho biết, Hasan luôn hy vọng Tổng thống Barack Obama sẽ rút binh lính khỏi Iraq và Afghanistan. Hasan cũng đã từng tranh cãi khá gay gắt với những quân nhân có quan điểm ủng hộ hai cuộc chiến này.
Trong khi đó, theo Faizul Khan –cựu thầy tế của một thánh đường Hồi giáo, Hasan là một tín đồ rất tận tâm, thường xuyên đi cầu nguyện và đã tham gia chương trình “tìm bạn bốn phương” của thánh đường với hy vọng có thể tìm được vợ. Một điều lạ, dù là người gốc Jordan, sinh ra ở bang Virginia, nhưng Hasan để mình là gốc Palestine.
Hiện cảnh sát đang gặp khó khăn khi điều tra động cơ của Hasan vì ông ta sống khá kín đáo. Cách đây 6 tháng, Hasan từng bị an ninh quân đội mời làm việc vì nghi ngờ ông ta là tác giả của một số bài viết đăng tải trên Internet về những vụ đánh bom liều chết và những mối đe doạ khủng bố khác. Trong đó có bài viết cho rằng những người đánh bom tự sát không khác gì những người lính chấp nhận hy sinh để cứu sống đồng đội. Tuy nhiên, lực lượng an ninh không có bằng chứng để kết luận Hasan là tác giả của những bài viết này.
Một quan chức cảnh sát địa phương giấu tên cho rằng, không loại trừ khả năng Hasan hành động theo lệnh của một nhóm cực đoan bí mật nào đó.
Theo lời những người lính chứng kiến vụ thảm sát, trước khi nổ súng Hasan đã hét lớn "Allahu Akbar!", dịch theo tiếng Ả- rập có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại”.
THUÝ TRINH – Đ.H.T
(tổng hợp)