Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là ngành có mức đóng góp cao nhất trong tổng 15,9% mức tăng của ngành Công nghiệp (đóng góp 4,54 điểm phần trăm) và có thể nói tăng trưởng của ngành Công nghiệp năm nay nhờ chủ yếu vào tốc độ tăng của ngành dệt may.
Ngành may mặc đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng công nghiệp tỉnh nhà. Ảnh: Hoàng Thi |
Theo Cục Thống kê, năm 2012, do có thời điểm giá tiêu thụ bột mì giảm, lợi nhuận không cao nên nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lượng sản xuất. Mặt khác, do nguồn nguyên liệu mì tươi trên địa bàn tỉnh trong năm cũng giảm nên các doanh nghiệp đã khai thác nguyên liệu từ Campuchia với chất lượng thấp hơn nhiều so với củ mì nguyên liệu trong tỉnh, dẫn đến chất lượng bột mì thành phẩm thấp nên khó tiêu thụ. Do đó, ước sản lượng bột mì sản xuất năm nay tăng không bằng năm trước. Đến cuối năm, số liệu thống kê cho thấy, sản lượng bột mì làm ra trong năm 2012 tăng 11,88% so với năm 2011. Trong khi năm 2011, sản lượng bột mì tăng đến 72,4% so với năm 2010.
Cũng theo Cục Thống kê, giá trị sản xuất năm 2012 của 3 nhà máy đường (Nước Trong, Biên Hoà - Tây Ninh và SBT) ước chỉ tăng 10,19% so cùng kỳ (năm trước tăng 51,45%). Đáng lưu ý là nguồn nguyên liệu trong nước năm nay không tăng mà chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu từ Campuchia. Do đó, ngành sản xuất lương thực thực phẩm và đồ uống – là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành Công nghiệp cấp 2 của cả tỉnh (chiếm tỷ trọng 31% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh), mặc dù có tốc độ tăng khá (16,25%) nhưng cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (40,27%).
Ngành sản xuất chất khoáng phi kim loại đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 8,09% so cùng kỳ. Trong đó, riêng Nhà máy xi măng Fico đạt 881 tỷ đồng, giảm 5,79%, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng tồn kho nhiều, nhà máy cắt giảm lượng sản xuất (năm 2011 tăng 24,69%).
Đáng chú ý là các doanh nghiệp ngành may mặc trong những tháng đầu năm cũng gặp không ít khó khăn, số lượng đơn đặt hàng tuy không giảm nhiều so với cùng kỳ nhưng nhìn chung chất lượng giảm vì đa số là các đơn hàng có giá trị không cao. Từ những tháng giữa năm đến nay tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, đơn đặt hàng tăng dần cả về số lượng lẫn chất lượng. Ước giá trị sản xuất của ngành dệt may năm 2012 đạt 1.810 tỷ đồng, tăng 35,11% so với năm trước. Đây là ngành có mức đóng góp cao nhất trong tổng 15,9% mức tăng của ngành Công nghiệp (đóng góp 4,54 điểm phần trăm) và có thể nói tăng trưởng của ngành Công nghiệp năm nay nhờ chủ yếu vào tốc độ tăng của ngành này.
Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 có tốc độ tăng chậm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 26,65%, tập trung vào một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 11.965 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm trước. Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 2.023 tỷ đồng, tăng 7,15%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 5.487 tỷ đồng, tăng 27,19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.456 tỷ đồng, tăng 8,1%.
NAM SƠN