BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2013: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và ổn định

Cập nhật ngày: 04/01/2013 - 06:10

Sáng 3.1.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng.

Toàn cảnh Hội nghị

(BTN)-Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư báo cáo, năm 2012, thực hiện 21 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển tương đối cao và toàn diện. Cả 3 khu vực sản xuất nông- lâm- thuỷ sản, công nghiệp, dịch vụ đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng GDP mặc dù chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết nhưng với tốc độ tăng 12,5% trong điều kiện nền kinh tế khó khăn là sự nỗ lực lớn, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang đề nghị hội nghị thảo luận 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013. Theo đó, mục tiêu đặt ra trong năm 2013 là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và ổn định; Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát; Đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá quan trọng gắn với huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, ưu tiên phát triển đô thị; Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị- xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm: 9 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 7 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 6 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường. Một số chỉ tiêu cơ bản như sau: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 12,5% trở lên so với năm 2012; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 32% GDP; tổng thu ngân sách Nhà nước 5.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 3.565 tỷ đồng; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo; 50% tổng dân số tham gia bảo hiểm y tế, 92% hộ dân nông thôn dùng nước sạch, hợp vệ sinh; 90% chất thải rắn ở đô thị, chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom xử lý…

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, từ đầu cầu Gò Dầu, lãnh đạo UBND huyện này cho biết, hiện nay giá nông sản khá bấp bênh, nông dân Gò Dầu đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo lãnh đạo huyện Bến Cầu, huyện này vẫn còn hơn 900 đối tượng cần hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Trong quá trình điều tra hộ nghèo, tỉnh chưa tách ra được số hộ mất sức lao động, hộ gia đình neo đơn để đưa những đối tượng này vào danh sách bảo trợ xã hội. Trong công tác giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, cần phải có một chủ trương nhất quán vì hiện nay có trường hợp giải quyết theo quy định pháp luật, nhưng cũng có vụ giải quyết theo nguồn gốc đất.

Góp ý về dự toán thu ngân sách năm 2013, lãnh đạo huyện Châu Thành cho rằng, năm 2012, huyện khá vất vả khi hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao thu 76 tỷ đồng. Năm 2013, với chỉ tiêu 93 tỷ đồng, chắc chắn huyện sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi nền kinh tế vẫn chưa thật sự phục hồi. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, kinh phí tỉnh cấp đã ít, các xã lại không có nguồn đối ứng, nên khó triển khai thực hiện.

Lãnh đạo huyện Tân Biên đề nghị tỉnh cho nâng cấp, sửa chữa đường 788, từ ngã ba Lò Gò đi Tân Phú, và đoạn quốc lộ 22B đi Lò Gò ngang qua xã Tân Bình hiện đã xuống cấp. Lãnh đạo huyện Dương Minh Châu nêu vấn nạn người dân tái chiếm những khu vực đã thu hồi trên đảo Nhím, kiến nghị tỉnh chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh tiếp tục trồng rừng, nếu khó khăn thì ký hợp đồng với các hộ dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 3 dự án đầu tư nước ngoài, hiệu quả kém, đề nghị tỉnh thu hồi.

Thu hoạch ớt trên cánh đồng ấp Chánh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng

Tham gia đóng góp cho dự thảo kế hoạch năm 2013, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, nhiều tỉnh trên cả nước đã thành lập Quỹ bảo vệ môi trường, trong khi tại Tây Ninh vì chưa lập quỹ nên nguồn kinh phí do doanh nghiệp đóng góp lại phải gởi ở Quỹ đầu tư phát triển. Nếu không thành lập Quỹ bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Tây Ninh sẽ bị thiệt thòi. Cũng trong phiên họp sáng 3.1, lãnh đạo các ngành LĐ-TB&XH, GD-ĐT, VH-TT&DL nêu nhiều kiến nghị trong việc chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo; tình trạng thiếu phòng học để phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, thiếu quỹ đất để nâng cấp xây dựng một số trường THPT; tình trạng thiếu cơ sở vật chất cũng như nhân lực ở các trung tâm văn hoá thể thao – học tập cộng đồng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh việc triển khai ngay 9 nhóm giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 là yêu cầu cần thiết, cấp bách. Trong đó, cần lưu ý việc quản lý nông nghiệp theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong năm 2012, tổng diện tích gieo trồng giảm 3%, trong đó cây lúa và cây mía giảm, riêng cây cao su diện tích tăng. Thực tế có nhiều hộ đưa cây cao su xuống vùng thấp, nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời thì nguy cơ cao su lấn lúa ngày càng cao. Song song đó, cần đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, đơn giản thủ tục để kêu gọi đầu tư; tăng cường việc quản lý các cơ sở kinh doanh; ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm, xả thải ra sông Vàm Cỏ Đông; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ vững an ninh biên giới…

ĐẶNG HOÀNG THÁI