Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2019 là năm hết sức quan trọng để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà nhiệm kỳ đảng bộ tỉnh 2015-2020 đã đề ra. Do đó, các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh cần phải nỗ lực quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ chính trị; các nhóm công tác đột phá phải phân công, phân cấp hợp lý để hoàn thành các chỉ tiêu tỉnh đề ra, có phương án xử lý khi có rủi ro xảy ra.
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tại buổi làm việc chiều ngày 8.3 với các nhóm thực hiện những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2021.
Dự hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh và Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, các nhóm công tác đã báo cáo kết quả thực hiện trong 2 tháng đầu năm và những phương hướng đề ra trong tháng 3, tháng 4.
Nông nghiệp: Tăng tốc thực hiện các đề án
Theo báo cáo của nhóm công tác nông nghiệp, 2 tháng qua, nhóm đã triển khai Đề án chuỗi giá trị, cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; triển khai kế hoạch thu hồi đối với diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su 1/5 Tây Ninh và Công ty Mía đường Tây Ninh.
Về thủ tục tiếp nhận nguồn vốn vay ADB, nhóm đã tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đề xuất dự án tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp ngành hàng rau quả và cây ăn trái tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026, gồm 4 dự án hợp phần với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng.
Nhóm cũng tham mưu với UBND tỉnh hoàn chỉnh trình HĐND tỉnh rà soát điều chỉnh sửa đổi chính sách Hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng như xây dựng tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp do nhà nước quản lý.
Đặc biệt, về phát triển nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, hiện Công ty Cổ phần Lavifood đang triển khai trồng 500 ha tại nông trường Ninh Điền, gồm các loại cây: khóm, xoài cát chu, nhãn, bưởi, cải cầu vồng…
Ngoài ra, công ty cũng đã ký hợp đồng sản xuất bao tiêu sản phẩm với nông dân các huyện với diện tích 224 ha và trong đầu năm 2019 đã tiêu thụ 14,6 tấn khóm. Công ty còn liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 triển khai kế hoạch trồng trên 120 ha xoài cát chu tại nông trường Châu Thành và 95 ha khóm tại Chà Là (Dương Minh Châu), cũng như phối hợp với huyện Dương Minh Châu xây dựng đề án liên kết sản xuất tiêu thụ rau củ quả với diện tích 3.000 ha.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thành Tâm góp ý một số nội dung cho công tác đột phá của tỉnh.
Song song đó, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods triển khai kế hoạch bao tiêu sản phẩm nhãn da bò và lựa chọn diện tích khoảng 50 ha để chuyển đổi giống từ nhãn da bò sang nhãn Ido, nhãn xuồng tại 2 xã Trường Đông (huyện Hòa Thành) và Bàu Đồn (huyện Gò Dầu); kế hoạch bao tiêu sản phẩm 100 ha và mở rộng diện tích lên 500 ha chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại 2 huyện Tân Châu, Tân Biên.
Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh
Đối với nhóm công tác về thể chế, 4.0 và phát triển nguồn nhân lực, trong 2 tháng qua, đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh và sáp nhập nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực CNTT của Nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 về thể chế, 4.0 và phát triển nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về Chính quyền điện tử, do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; tiếp tục thực hiện tích hợp dữ liệu vào Trung tâm giám sát điều hành về KTXH (giai đoạn 1) về y tế; chỉ đạo các cơ quan liên quan nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh theo Nghị định 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Về tổ chức bộ máy, nhóm tham mưu UBND tỉnh hợp nhất các Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh thành Văn phòng đoàn ĐBQH- HĐND-UBND tỉnh từ ngày 1.1.2019; thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh trực thuộc Sở KH&CN trên cơ sở hợp nhất Trung tâm thông tin, ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN&MT, Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND các huyện, thành phố...
Về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhóm đang triển khai thực hiện các giải pháp theo Đề án củng cố, phát triển nâng cao chất lượng hoạt động BVĐK tỉnh giai đoạn 2018-2020; xây dựng Đề án vị trí việc làm của từng khoa/phòng của BVĐK tỉnh cũng như lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho năm 2018, 2019, 2020. Nhóm cũng liên hệ các viện tuyến trên để xây dựng đề án thu hút chuyên gia.
Trên lĩnh vực giáo dục, nhóm đã phối hợp với Teach For VietNam triển khai kế hoạch giảng dạy tiếng Anh trong hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, kết quả giải ngân đã hoàn thành các quy trình theo thủ tục chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, nhóm cũng rà soát thực trạng các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông để thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các điểm trường lẻ; rà soát quy trình chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật các trường thuộc 5 huyện biên giới dự kiến từ nguồn hỗ trợ của Thành phố Hà Nội cho tỉnh cũng như xây dựng đề án sáp nhập các trường THPT theo lộ trình đến năm 2021 theo Quyết định số 2414 của UBND tỉnh.
Trên lĩnh vực dạy nghề, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2019; xây dựng Kế hoạch kinh phí, thẩm định danh mục nghề, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí các nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; lập đề án mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề của Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh được trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án “Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - An toàn lao động năm 2019...
Nỗ lực hoàn thiện các dự án nâng cấp hạ tầng; khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái
Về nhóm công tác du lịch, vừa qua, nhóm đã phối hợp với chuyên gia tư vấn thuộc Đại học Fullright, cùng với lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái Đảo Nhím – Hồ Dầu Tiếng để gắn kết với Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen và Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát.
Đồng thời, nhóm cũng phối hợp với Nhóm phát triển hạ tầng tổ chức khảo sát cầu và đường Tà Xia – Tân Phú và thống nhất đề xuất Ban Chỉ đạo giao cho Nhóm phát triển hạ tầng đề xuất phương án đầu tư nâng cấp cầu và đường Tà Xia – Tân Phú.
Về hoạt động kinh doanh du lịch 2 tháng đầu năm 2019, so cùng kỳ, lượng khách lưu trú tăng 2%, khách lữ hành tăng 1%, khách tham quan tại các khu điểm du lịch 1 tăng 20%. Tổng doanh thu du lịch 220 tỷ đồng, tăng 15,6%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đánh giá tình hình thực hiện công tác du lịch 2 tháng đầu năm.
Theo nhóm công tác hạ tầng giao thông, ngoài xúc tiến các thủ tục thực hiện 2 dự án đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, nhóm báo có tiến độ thực hiện các dự án với các dự án trọng điểm địa phương năm 2018 chuyển qua.
Đó là, dự án Nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá đường 30.4, dự kiến hoàn thành phần kéo cáp trong tháng 3/2019 và đang tiến hành lát gạch hoàn thiện vỉa hè; dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ đường CMT8 đến đường Châu Văn Liêm) đã triển khai thi công xong những đoạn được bàn giao mặt bằng, dự án đã được UBND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2020; dự án Nâng cấp, mở rộng đường 782-784 và dự án đường Đất Sét-Bến Củi đang tiến hành giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Về dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng đường Tuần tra biên giới, đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công được khoảng 101/125 km; dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, dự án cũng đang thi công 5 gói thầu, đã ký hợp đồng 3 gói thầu và chuẩn bị tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với 6 gói thầu còn lại.
Trong các dự án trọng điểm khởi công năm 2019, như dự án đường và cầu bến Cây Ổi, đường từ ngã ba ĐT.781 – Bờ hồ Dầu Tiếng đến ĐT.785 ngã tư Tân Hưng đang đánh giá hồ sơ dự thầu; dự án cầu An Hoà và dự án đường An Thạnh - Trà Cao, dự kiến tổ chức đấu thầu thi công xây lắp trong quý II năm 2019; dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.793 – ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc dự kiến khởi công trong tháng 5.2019); đề án Kiểm soát tổng thể chống ngập úng khu vực thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành trước mùa mưa năm 2019 đang được Sở Xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo kết quả thực hiện của nhóm công tác nông nghiệp.
Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu hoạt động hiệu quả
Sau khi nghe báo cáo và kế hoạch triển khai thực hiện trong hai tháng 3-4 của các nhóm công tác đột phá, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh ghi nhận những kết quả đạt được. Để làm tốt các mục tiêu đề ra, các nhóm cần xây dựng nhiều phương án khác nhau để chủ động hơn trong triển khai thực hiện.
Về công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, theo Bí thư Tỉnh uỷ, năm 2019 không nên tìm kiếm những nhà đầu tư mới. Thay vào đó, tỉnh cần hướng đến các nhà đầu tư, những doanh nghiệp đang kinh doanh hiện hữu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả. Từ đó, thông qua các doanh nghiệp, uy tín của tỉnh được nhân lên, sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới đến.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các Tiểu ban xây dựng chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 cần khởi động vào cuối tháng 3 để tổng hợp văn kiện, báo cáo các vấn đề liên quan.
Liên quan đến các dự án đang triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đề nghị các nhóm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đúng thời gian. Với các công trình thuộc hạ tầng giao thông, ngoài tiến độ, nhóm còn phải giám sát chặt chẽ chất lượng từng công trình. Đặc biệt, đối với dự án đường 30.4, Chủ tịch Phạm Văn Tân yêu cầu phải hoàn tất công trình trước ngày 30.4 năm nay.
N.D