BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2020: Không vì dịch bệnh mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 

Cập nhật ngày: 07/02/2020 - 19:57

BTNO - Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá của tỉnh vào chiều ngày 6.2.

Đây là cuộc họp nhằm đánh giá kết quả đạt được năm 2019 và bàn giải pháp thực hiện trong năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì hội nghị. Đến dự còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm.

Tại cuộc họp, các nhóm báo cáo kết quả đạt được trong năm 2019.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh chỉ đạo tại hội nghị.

Với nhóm công tác về phát triển du lịch, năm 2019, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh đã bước đầu kêu gọi được một số nhà đầu tư cho phát triển du lịch như: Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố Shophouse; Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt, Tập đoàn Sungroup được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp treo và các công trình phụ trợ tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Trong năm 2019, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực tăng so với cùng kỳ về số lượng khách và doanh thu. Ước thực hiện năm 2019, khách lưu trú đạt 2.980.000 lượt, tăng 10,6% so cùng kỳ, tăng 1,7% so kế hoạch; khách lữ hành 27.500 lượt tăng 12% so cùng kỳ, tăng 1,9% so kế hoạch; khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên 3.000.000 lượt, tăng 11% so cùng kỳ,  tăng 1% so kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch 1.130 tỷ đồng, tăng 21,4% so cùng kỳ, tăng 2,7% so kế hoạch.

Đến cuối năm 2019, nhóm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã làm việc với UBND TP.HCM và Sở GTVT nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư đường Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và được các bộ, ngành Trung ương ủng hộ, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung các quy hoạch về đường bộ cao tốc, trung tâm Logistics, đường thuỷ nội địa, cảng cạn ICD... trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhóm cũng tham mưu với lãnh đạo tỉnh để tranh thủ được nguồn vốn của Trung ương đề đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện các dự án trong giai đoạn 2016-2020 như: ĐT.794; ĐT.793 – ĐT.792; đường và cầu Bến Cây Ổi… Với các dự án địa phương đầu tư, hiện nhóm chỉ đạo từng ngành, địa phương thực hiện nhanh các nội dung có liên quan đến từng dự án; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm lưu ý việc thực hiện dịch vụ công cấp độ 3,4.

Về lĩnh vực nông nghiệp, nhóm đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20.9.2019 phê duyệt Đề án “Chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”. Sở NN&PTNT đã triển khai Quyết định phê duyệt đề án đến các đơn vị và UBND các huyện, thành phố. Theo đó đã đưa ra một số định hướng để các huyện, thành phố bổ sung vào Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Nhóm cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Lavifood triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy rau củ quả Tanifood Tây Ninh; chủ động làm việc thống nhất với Công ty Cổ phần cao su Tây Ninh và Công ty cao su Tân Biên về quy hoạch định hướng chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021 – 2025. Nhóm cũng tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục theo yêu cầu của Ngân hàng ADB để tiếp nhận nguồn vốn vay triển khai đầu tư thực hiện các hạng mục công trình, nhằm nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

Công tác về thể chế và phát triển nguồn nhân lực đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng BVĐK tư nhân Hồng Hưng và BVĐK Xuyên Á – Tây Ninh giai đoạn 1 quy mô 300 giường, dự kiến 2 bệnh viện hoàn thành đi vào hoạt động tháng 5.2020.

Đưa ra một số công việc cụ thể trong năm 2020, ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng nhóm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho biết, nhóm sẽ rà soát lại sự chuyển hóa, nâng cấp các tuyến đường của tỉnh trên quốc lộ để chia sẻ cùng Bộ GTVT trong việc đầu tư, nâng cấp đường. Với các dự án lớn trên địa bàn tỉnh như đường cao tốc Mộc Bài – TP.HCM, dự án đường tuần tra biên giới; dự án tưới tiêu sông Vàm Cỏ... nhóm sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, theo dõi tiến độ thi công đảm bảo. Đặc biệt, năm 2020, dự án chống ngập của huyện Hòa Thành và thành phố Tây Ninh giai đoạn 2019-2020 cũng được nhóm tập trung chỉ đạo thực hiện.

Trình bày các khó khăn, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Trần Văn Chiến nêu, hiện nay, việc xây dựng tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sắp xếp bàn giao quỹ đất của các công ty nông nghiệp còn chậm, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn nhiều khó khăn vướng mắc về thủ tục, chưa khuyến khích thu hút được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng trình bày một số nhiệm vụ triển khai thực hiện trong năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị các nhóm tập trung xây dựng quy hoạch chung của tỉnh, từ đó xác định quy hoạch ngành, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ nguồn lực, tiềm năng của tỉnh trong thời gian tới. Quan trọng là, từ quy hoạch ngành, tỉnh tính toán lại quy hoạch đất đai, phân bổ sử dụng đất đai.

Riêng với nhóm nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng, nhân lực có yếu tố tổng hợp chất lượng chung, đề nghị trong sắp xếp cơ cấu lại nhân lực phải giao cho 1 đầu mối. Và nhóm phải có tiêu chí xác định chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ở khu vực công và cả khu vực tư trong thời gian tới định hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu cụ thể. Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ cũng đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện dịch vụ công. Ông cho rằng, nếu dịch vụ công làm như hiện nay là chụp hình, gửi dữ liệu thô rồi sau đó xử lý thủ công, trả qua mạng là chưa đúng nghĩa của dịch vụ công mức độ 3, 4 mà cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong từng cơ quan ban ngành, mới có thể thực hiện được.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh ghi nhận những nỗ lực của các ngành trong năm 2019. Để có được những thành tựu tiếp nối, trong năm 2020 các nhóm cần xác định nội dung, biện pháp thực hiện các đột phá. Bí thư cũng lưu ý đến công tác đào tạo nghề, thu hút lao động tại chỗ, nhất là đối tượng bộ đội xuất ngũ. Đánh giá cao những sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, không vì dịch bệnh mà tỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế đề ra. “Đây là lúc phải tập trung, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau 6 tháng hoạt động, các ngành rà soát lại, nếu chỉ tiêu nào đạt tốt có thể giao thêm để bù cho những chỉ tiêu không đạt, phấn đấu để tổng thu ngân sách là 10.000 tỷ và tăng trưởng từ 8% trở lên”, Bí thư Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đề nghị trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phải triển khai thực hiện thật tốt đề án cụm ngành du lịch, mà đột phá là tạo ra sự lan tỏa trong khu vực quy hoạch của núi và ngoài núi; việc thực hiện tốt đề án “Chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp”, đột phá là làm sao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nhất là thu nhập của người nông dân lên cao.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các nhóm triển khai nhanh phương án sử dụng quỹ đất của công ty Cao su 1.5; lập nhanh, có chất lượng quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất của giai đoạn tới. Ban chỉ đạo cần đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, tạo ra sự lan tỏa trong người dân đối với một số dịch vụ đô thị thông minh, mà đã có định hướng trong đề án du lịch thông minh của tỉnh.

N.D