Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh năm 2023, toàn tỉnh có 2.167 hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ 0,67% (giảm 1.332 hộ nghèo, hộ cận nghèo so với năm 2022).
Cụ thể, có 547 hộ nghèo, chiếm 0,17% tổng số hộ dân (giảm 490 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 0,15% so với năm 2022); 1.620 hộ cận nghèo, chiếm 0,5% tổng số hộ (giảm 842 hộ, tỷ lệ giảm 0,27% so với năm 2022).
Để đạt kết quả trên, ngoài các chính sách giảm nghèo do Trung ương ban hành, tỉnh đã ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Bên cạnh đó, ban hành chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh cao hơn so với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025; sơ bộ tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững sát với thực tiễn từng địa phương.
Nhìn chung, đã hoàn thành thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.
Công tác truyền thông về giảm nghèo được phối hợp đồng bộ giữa ngành LĐ-TB&XH với các cơ quan báo chí của tỉnh thực hiện nhiều nội dung liên quan đến chương trình và công tác giảm nghèo, mang thông tin, các chính sách đến người dân, giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa của chương trình, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong vươn lên thoát nghèo; lan toả mô hình cách làm hay của những địa phương tiêu biểu để khuyến khích và tạo động lực cho các địa phương còn lại.
Tuy nhiên, theo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 của UBND tỉnh, việc giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho Chương trình giảm nghèo bền vững gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do đối tượng thụ hưởng của Chương trình giảm nghèo bền vững phần lớn có hạn chế về nhận thức; nhiều hộ có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, thiếu đất xây dựng chuồng trại, thiếu lao động tham gia dự án nên không đáp ứng điều kiện để tham gia các dự án, phương án phát triển sản xuất, dịch vụ theo quy định; nhiều chính sách giảm nghèo vẫn thực hiện theo hình thức hỗ trợ không hoàn lại, cơ chế “cho không” khiến dễ nảy sinh tính trông chờ, ỷ lại. Từ đó, dẫn đến kết quả giải ngân 10 tháng đầu năm của Chương trình giảm nghèo bền vững đạt khá thấp.
Trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác giải ngân; số vốn còn lại sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024 và phấn đấu giải ngân hết vốn sự nghiệp trong năm 2024.
Phương Thuý