Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm Thìn trò chuyện với người tuổi rồng 

Cập nhật ngày: 20/02/2024 - 16:25

BTN - Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành cơ khí Nguyễn Hữu Lộc là một người tuổi rồng (1964), sinh ra trên vùng đất có truyền thống cách mạng An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh, vốn là cựu học sinh Trường THPT Trảng Bàng.

Ngày 11.1.2024, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi vinh danh và bổ nhiệm 13 tân giáo sư, phó giáo sư cho các cá nhân có nhiều nỗ lực và cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tân giáo sư duy nhất trong buổi vinh danh này lại là một người tuổi rồng (1964), sinh ra trên vùng đất có truyền thống cách mạng An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh, vốn là cựu học sinh Trường THPT Trảng Bàng, nay là Trường THPT Nguyễn Trãi (niên khoá 1979-1982) - Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành cơ khí Nguyễn Hữu Lộc.

Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc.

Tối 18.1.2024, tôi điện thoại đặt lịch cà phê sáng hôm sau với tân Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc, ông bảo mai chỉ rảnh đến 8 giờ, nếu không thì sau 11 giờ 30. Rồi ông nói thêm, nhưng sau 11 giờ 30 thì cà phê gì nữa, ăn trưa được không? Và ông chốt luôn địa điểm.

Đúng giờ hẹn, tôi bước vào quán ăn nằm trên đường Lữ Gia, quận 11, gần Trường đại học Bách khoa, thì đã thấy Giáo sư Lộc ngồi ở đó tự lúc nào.

Trên Facebook cá nhân, người ta sẽ chỉ thấy ông đưa hình những chai rượu mạnh các nước mà ông sưu tầm được. Tỷ như chai Hennessy Napoleon không có tem ở cổ, hay Suntory Brandy có nắp chai như vương miện Thánh Edward được làm cho Charles II của Vương quốc Anh vào năm 1661, hoặc Remy Martin 1738, serie Mongolian Vodka, có khi là bộ ba chai Hardy Cognac, hiệu 3 con gà; hoặc dòng Remy Martin chai VS và 3 Stars ít thấy. Chivas Regal XV, hay bộ Chivas Brown 21 years old với các phiên bản: đáy bằng vs đáy lõm; đáy trắng vs đáy nâu; 43%Acl vs 4O% Alc; 5cl vs 50ml... Chỉ thỉnh thoảng là những status với độ dài một hai dòng cảm thán tâm trạng cùng với hình ảnh ruộng lúa, cánh cò, bờ tre quê nhà An Tịnh, Trảng Bàng của ông…

Nếu chỉ biết ông trên Facebook, với kiểu status ít lời như vậy, người ta dễ suy đoán ông phải là đệ tử thần lưu linh, nói năng bạt mạng, và còn ngờ rằng học hàm cao nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam mà ông vừa được Nhà nước công nhận và phong tặng là chưa xứng đáng, thậm chí còn hồ nghi.

Kỳ thực, trước mặt tôi, một tân giáo sư nói năng điềm đạm, kiệm lời, chừng mực nhưng bình dị và gần gũi. Xen lẫn bữa cơm trưa với hai món quen thuộc nhà quê: bò kho sả nghệ và cá kho tộ, là những câu hỏi đáp thẳng thắn nhưng rất chân tình. Dần dần, sự nghi ngờ riêng tôi về những điều trông thấy trên Facebook đã bị thuyết phục bằng kho thành tích đồ sộ tích luỹ trong 30 năm làm công tác giảng dạy tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Hoá ra, con người những tưởng chỉ đam mê các loại rượu lại có quá trình hoạt động khoa học đáng nể.

Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc trong ngày được vinh danh và bổ nhiệm giáo sư.

Từ khi về Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (tháng 4.1993 đến nay), Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc từng trải qua các vị trí như giảng viên bộ môn Thiết kế máy, Phó trưởng bộ môn Thiết kế máy, Trưởng bộ môn Thiết kế máy, Phó trưởng khoa Cơ khí, Trưởng khoa Cơ khí.

Ông còn là người chủ trì xây dựng chương trình đào tạo đại học, sau đại học ngành Kỹ thuật cơ khí từ năm 2013 đến nay, là Chủ tịch Hội đồng ngành đại học và sau đại học ngành Kỹ thuật cơ khí, là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo khoa Cơ khí từ năm 2008-2013, Chủ tịch Hội đồng Khoa học khoa Cơ khí từ năm 2013 đến nay, là Phó trưởng Ban tổ chức Olympic cơ học toàn quốc phụ trách miền Nam từ năm 2016, là trưởng 2 tiểu ban chuyên môn Chi tiết máy từ năm 2009 và Ứng dụng tin học trong chi tiết máy từ 2011 cho đến nay trong các kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc.

Ông đã công bố 84 bài báo khoa học, trong đó có 28 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 3 giáo trình, 17 tài liệu tham khảo, hướng dẫn, trong đó có 17 sách thuộc NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc tại xưởng cơ khí Đại học MIT, Mỹ.

Từ năm 2009, ông là người chỉ đạo trực tiếp đề án “Triển khai thí điểm CDIO tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Máy tính và CNTT, nhân rộng triển khai cho các ngành đào tạo khác giai đoạn 2010-2017. Theo Giáo sư Lộc, CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng; Design - thiết kế ý tưởng; Implement - thực hiện; Operate - vận hành) là phương pháp luận giáo dục (hay mô hình giáo dục khung) được đề xuất bởi một nhóm gồm 4 trường đại học, dẫn đầu là MIT (Mỹ), nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các ngành kỹ thuật.

Với đề án này (CDIO), phải rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo (CTĐT) và chuẩn đầu ra. Cụ thể, CTĐT của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đang từ 157 tín chỉ (TC) đã giảm xuống còn 140. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là lớp học nhỏ lại, chỉ còn 40-60 sinh viên (SV) thay vì số lượng gấp đôi như trước. Mặc dù số TC giảm nhưng chất lượng dạy và học phải được nâng lên, điều này gây áp lực rất lớn đối với giảng viên và SV. Giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy của mình một cách linh động, lấy SV làm trung tâm, một giảng viên phải có 2 trợ giảng hỗ trợ. Tuy nhiên để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho GV thì cũng không đơn giản.

Với đề án này, một trong những vấn đề cốt lõi là năng lực của giáo viên (GV) và cơ sở vật chất. GV có chịu thay đổi phương pháp giảng dạy hay không, có đầu tư cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo hay không, là cả một quá trình vận động. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phải hội đủ điều kiện cho SV trải nghiệm, có không gian cho SV tự học, có chỗ cho SV làm ra các sản phẩm… là rất khó.

Gặp gỡ các đồng nghiệp Pháp tại Valence.

Trong 30 năm làm công tác giảng dạy, Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 25 lần liên tục Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ 1997 đến nay), được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2012), Huân chương Lao động hạng Nhì (2020), được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (2008), Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tặng bằng khen (năm 2017) và nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú trong đợt phong tặng từ 10 năm trước (2014)…

Tôi vốn là người có tửu lượng ở tầm không thấp, nhưng bữa ăn trưa hôm nay, chưa hết 1 lon bia Sài Gòn mà đầu tôi như đã “quỷnh” tự bao giờ bởi kho thành tích khủng vừa được nghe. Điều gì đã làm nên một kỳ tích như vậy? Lướt nhanh con đường học vấn của Giáo sư Lộc, thấy rằng: Năm 1982, cựu học sinh Trung học Trảng Bàng Nguyễn Hữu Lộc trúng tuyển khoa Điện tử Trường đại học Bách khoa.

Với số điểm trúng tuyển khá cao, năm 1983, sinh viên Nguyễn Hữu Lộc được cử đi du học ngành Cơ khí tại Trường đại học Công nghệ Quốc gia Belarus. Ở đây, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, du học sinh Nguyễn Hữu Lộc tiếp tục đứng hạng Nhất môn Cơ kỹ thuật, hạng Ba môn Toán. Với thành tích này, năm 1988, ngay sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã giữ Nguyễn Hữu Lộc ở lại làm tiếp nghiên cứu sinh học vị phó tiến sĩ.

Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc làm việc tại Trường đại học Công nghệ Tokyo (TIT).

“Giáo sư là con trai thứ trong gia đình bố mẹ đều là nông dân, kiến thức trồng trọt thì giỏi, nhưng định hướng học tập cho con thì “mù”. Đã vậy, khi ông lớn lên, bố mẹ đều đã già, liệu chuyện học giỏi có phải là yếu tố bẩm sinh?”- tôi hỏi.

Ông bảo: “Không, chủ yếu là do bản thân quyết định. Học giỏi không phải là cái gen của gia đình mà là do cố gắng của bản thân là chính”. Ông nhắc lại câu chuyện tự nỗ lực của một sinh viên khoa Cơ khí mà ông từng chủ nhiệm và hướng dẫn làm bài tốt nghiệp như một minh chứng.

Đó là cậu học trò Trường THPT Quang Trung, huyện Gò Dầu. Năm 2004, cậu ấy trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa rồi học lớp tài năng, dù gia đình, ba mẹ cậu ấy cũng chỉ biết làm ruộng thôi. Cũng có lúc, cậu ấy mất phương hướng suốt ngày chỉ biết ăn nhậu.

Nhưng rồi do nỗ lực bản thân, cậu ấy qua Singapore tự cày để sống và tự học tiếng Anh một năm trời. Xong cậu ấy lại qua Mỹ tiếp tục học. Hiện giờ cậu ấy là giảng viên ở Sydney, Úc và là người chế tạo thành công các robot siêu nhỏ để thực hiện các ca phẫu thuật trong cơ thể người.

Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc phụ trách tiểu ban Olympic cơ học toàn quốc môn Chi tiết máy và Ứng dụng tin học trong chi tiết máy.

“Có được thành quả này là hoàn toàn do sự cố gắng của bản thân chứ có ai giúp đỡ đâu”- Giáo sư Lộc nói thêm. “Tất nhiên, muốn học giỏi trước tiên phải là người có đầu óc sáng sủa chút. Sau đó, phải có định hướng rõ ràng. Đồng thời phải tạo ra động cơ, động lực để mà quyết tâm hoàn thành định hướng đó”.

Tôi chợt nghĩ về vùng đất Trảng Bàng, nơi hai lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng, nơi sản sinh ra 5 vị tướng thời chiến tranh và nghĩ về ngôi trường Trảng Bàng, nơi có đến hai cựu học sinh của trường đạt đến học hàm cao nhất cấp Nhà nước. Một là, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa Niệu Trần Ngọc Sinh, cựu học sinh khoá đầu tiên của Trường Trảng Bàng; hai là, Giáo sư, Tiến sĩ chuyên khoa Cơ khí Nguyễn Hữu Lộc, cựu học sinh niên khoá 1980-1982.

Ngôi trường ấy xứng đáng là niềm tự hào không chỉ của thầy cô giáo, học sinh và nhân dân Trảng Bàng mà còn là điểm sáng của ngành Giáo dục Tây Ninh. Nếu có thẩm quyền, tôi sẽ tổ chức một cuộc vinh quy bái tổ, nhằm vinh danh sự nỗ lực của hai vị giáo sư tầm thế giới tại quê nhà. Người giỏi cần được nêu gương để lan toả năng lượng tích cực cho cộng đồng.

PN.NT