Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chất lượng giải quyết các vụ án lao động ngày càng được nâng lên; các tranh chấp đa phần liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như vấn đề tiền lương, việc làm, điều kiện lao động, kỷ luật lao động. Việc giải quyết, xét xử các tranh chấp lao động góp phần giữ vững tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Tòa án nhân dân và Liên đoàn Lao động tăng cường công tác phối hợp góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động
Đơn cử, ngày 4.3.2013, anh L.T.A vào làm việc tại một công ty TNHH C có trụ sở ở phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Đến ngày 4.4.2013, hai bên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn là 1 năm, nhiệm vụ ở bộ phận may; ngày 4.4.2014 ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn 1 năm.
Đến ngày 4.4.2015, hai bên ký hợp đồng không xác định thời hạn; sau đó, khi có tăng lương thì anh A và công ty sẽ ký phụ lục hợp đồng lao động. Phụ lục cuối cùng được ký ngày 2.1.2020, nội dung phụ lục không thay đổi về công việc chỉ thay đổi mức lương. Ngày 23.4.2020, Công ty ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh A; lý do ghi tại quyết định là xét đơn xin thôi việc của anh A. Anh A không đồng ý nên khởi kiện.
Tại toà, đại diện Công ty cho rằng, trong quá trình làm việc, anh A thường xuyên vi phạm nội quy công ty nên quyết định sa thải đối với anh A và đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh A. HĐXX Toà án thị xã Trảng Bàng nhận định, việc Công ty ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh A và không gửi quyết định cho người lao động là không đúng quy định pháp luật lao động.
Do đó, không có căn cứ xác định đây là hình thức xử lý kỷ luật lao động mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty đối với anh A là không đúng theo quy định tại Điều 38 Luật Lao động. Do đó, HĐXX tuyên quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty TNHH C là trái pháp luật; buộc công ty phải có nghĩa vụ bồi thường cho anh A.
Theo bà Hồ Thị Mối- Chánh án TAND thị xã Trảng Bàng, nguyên nhân phát sinh tranh chấp là do các doanh nghiệp không nghiên cứu quy định pháp luật về lao động nên dẫn tới việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật người lao động không đúng quy định; sau khi chấm dứt hợp đồng lao động không chi trả đầy đủ các khoản trợ cấp cho người lao động. Ngoài ra, do người lao động thiếu kiến thức pháp luật nên cho người khác mượn giấy tờ cá nhân giao kết hợp đồng lao động.
LĐLĐ tỉnh với TAND tỉnh tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa TAND và LĐLĐ tỉnh giai đoạn 2023-2028
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã thụ lý, giải quyết 159 vụ việc tranh chấp về lao động. Quá trình thụ lý, giải quyết, đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về điều kiện thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Kết quả giải quyết bảo đảm công bằng, nghiêm minh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia quan hệ lao động.
Các loại tranh chấp chủ yếu là trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải; bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đặc biệt, loại tranh chấp mới phát sinh và chiếm số lượng lớn trong năm 2023 là tranh chấp về yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Trong công tác giải quyết các vụ án lao động, Toà án đã phối hợp, hướng dẫn LĐLĐ cùng cấp và Công đoàn cấp trên trực tiếp hỗ trợ người lao động thực hiện quy trình thủ tục tố tụng tại Toà án từ giai đoạn nộp đơn khởi kiện đến giai đoạn xét xử tại Toà án. Đối với những vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn…
Toà án mời hội thẩm nhân dân là cán bộ công đoàn tham gia giải quyết, xét xử các vụ việc bảo đảm đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. “Trong 3 năm gần đây, quan hệ lao động tại địa phương đã dần ổn định hơn, không còn xảy ra tình trạng đình công trái pháp luật, đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động hàng loạt tại một doanh nghiệp như các giai đoạn trước” - Chánh án TAND thị xã Trảng Bàng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan- Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Tân Châu cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, trên địa bàn huyện xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể 3 vụ; tai nạn lao động chết người 5 vụ (không phải là đoàn viên công đoàn). Tổ chức Công đoàn phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động 96 cuộc; tư vấn pháp luật 121 người
LĐLĐ huyện Tân Châu tổ chức tuyên truyền pháp luật cho lực lượng công nhân
Từ năm 2016 đến nay, LĐLĐ huyện phối hợp TAND huyện tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tố tụng dân sự, lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… bằng nhiều hình thức sinh động được 6.575 cuộc/210.442 lượt đoàn viên, người lao động tham dự. Hai đơn vị còn tăng cường phối hợp tham gia xây dựng các văn bản pháp luật như Bộ luật Lao động 2019, Luật Công đoàn; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, góp ý kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…Ngoài ra, TAND huyện đã tổ chức 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về những nội dung cơ bản trong việc áp dụng các quy định Bộ luật Dân sự; kỹ năng tham gia phiên toà xét xử vụ án dân sự; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ; hướng dẫn một số vướng mắc giải quyết các loại án dân sự, án lao động cho cán bộ công đoàn tham gia hội thẩm nhân dân với trên 117 lượt cán bộ tham dự.
Tuy nhiên, dù pháp luật quy định Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp lao động tập thể, nhưng theo LĐLĐ huyện Tân Châu, đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện làm đại diện cho người lao động tham gia tranh tụng tại Toà án, nhất là trình tự, hồ sơ, thủ tục tranh tụng. Đối với các vụ tranh chấp lao động án lao động thời hạn xét xử kéo dài, nguồn lực tại cơ quan LĐLĐ huyện quá ít, nếu làm công tác đại diện cho một vụ án thì rất khó khăn.
Trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án lao động, TAND thị xã Trảng Bàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Đa số các trường hợp khởi kiện ra Toà án, người khởi kiện là người lao động không cung cấp được tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án như hợp đồng lao động, quyết định cho thôi việc, quyết định xử lý kỷ luật, các biên bản họp xử lý kỷ luật… Các tài liệu, chứng cứ này hầu hết do doanh nghiệp lưu giữ, nhưng nhiều trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án hoặc doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động.
Ngoài ra, đơn vị còn khó khăn trong việc triệu tập đương sự. Nhiều trường hợp người khởi kiện là người lao động có địa chỉ ở địa phương khác hoặc có uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng, nhưng người đại diện theo uỷ quyền cũng thường xuyên thay đổi địa chỉ gây khó khăn, mất thời gian cho việc tống đạt các văn bản tố tụng. Bên cạnh đó, thời hạn giải quyết vụ án theo quy định hiện hành là quá ngắn, rất khó khăn cho thẩm phán tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ. Ngoài ra, trước tình hình một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt, chỉ trong 2 tháng để xét xử vụ án thì sẽ rất khó khăn, áp lực cho thẩm phán.
Do đó, TAND thị xã Trảng Bàng kiến nghị ngành cấp trên và các cơ quan, tổ chức có liên quan có biện pháp hỗ trợ cung cấp cho Toà án các tài liệu, chứng cứ liên quan đến quan hệ lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không cung cấp. Ngoài ra, kiến nghị sửa đổi quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ, việc lao động bằng với thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ, việc dân sự là 4 tháng để thẩm phán có đủ thời gian thu thập chứng cứ, bảo đảm giải quyết vụ án đúng thời hạn, quy định pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc lao động, TAND thị xã Trảng Bàng tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho các đương sự; tăng cường phối hợp trong đào tạo, tập huấn kỹ năng khởi kiện, tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại Toà án cho cán bộ công đoàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm nhân dân là cán bộ công đoàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, Toà án. Quan tâm, hỗ trợ, phối hợp Công đoàn trong việc hướng dẫn thực hiện quy trình, thủ tục khởi kiện và quá trình tố tụng tại Toà án. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án lao động, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Tập trung nghiên cứu, sớm giải quyết đối với các yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu để người lao động có thể làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Châu cho biết, thời gian tới, đơn vị chủ động tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với TAND huyện, Hội Luật gia huyện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Toà án. Tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở về khởi kiện và tham gia và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Toà án theo quy định. Định kỳ đánh giá báo cáo công đoàn cấp trên kết quả thực hiện tham gia tố tụng cho cán bộ công đoàn nhằm nâng cao trách nhiệm đại diện người lao động tham gia giải quyết các vụ việc trong quan hệ lao động.
Thiên Di