BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao tính chuyên nghiệp cho 3.000 nhà báo

Cập nhật ngày: 28/01/2010 - 05:38

Triển lãm đã thu hút rất nhiều người làm báo tại Hà Nội

Chiều 28.1, tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Thụy Điển đã khai mạc triển lãm “Tiếp cận báo chí hiện đại” và tổng kết dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam – Giai đoạn 2” do Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam.

Trong 5 năm thực hiện giai đoạn 2 ( 2004 – 2009), dự án đã thực hiện được gần 200 hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao cho gần 3.000 nhà báo Việt Nam. Tính chung, sau hơn 10 năm thực hiện các giai đoạn của dự án (từ 1997), khoảng 5.000 nhà báo đã được tham gia các chương trình đào tạo.

Các hoạt động của dự án được triển khai với tất cả các loại hình báo chí và bao trùm toàn bộ các lĩnh vực nghiệp vụ báo chí. Trong khi các khóa đào tạo ngắn hạn giúp các phóng viên, biên tập viên, bộ phận thiết kế - trình bày tiếp cận các kỹ năng báo chí theo phương pháp hiện đại thì các khóa đào tạo tại chỗ ở tòa soạn giúp tăng cường sự kết hợp chặt chẽ các bộ phận trong tờ báo. Còn lãnh đạo các cơ quan báo chí được tham gia các khoá đào tạo quản lý để tiếp cận với phương pháp điều hành hiệu quả.

Theo ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông, những mục tiêu chính mà dự án đã đạt được bao gồm nâng cao năng lực quản lý của các nhà quản lý và lãnh đạo các cơ quan chủ quản, nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo, tăng cường sự tương tác giữa báo chí và công chúng…

Ông Lượng cũng cho biết, dự án nhấn mạnh đến việc hình thành một nền báo chí chuyên nghiệp đồng thời tôn trọng đạo đức báo chí, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. “Vì vậy, các nhà báo đã tiếp thu được những kỹ năng hiện đại, và vẫn hoạt động theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Lượng nói.

Trong khi đó, Tổng biên tập báo Đất Việt Vũ Ngọc Dung – người đã tham dự khóa quản lý báo chí, dự án đào tạo vừa có bề rộng (bao phủ tất cả các lĩnh vực của báo chí), vừa có chiều sâu bày tỏ ấn tượng với các khóa đào tạo tại chỗ: “nơi người dạy đồng thời cũng lăn lộn ngay tại tòa soạn với người học, đối mặt với các tình huống thực tế”, bà Dung cho rằng, giới báo chí Việt Nam mong muốn các dự án tương tự sẽ được tiếp tục.

Tuy nhiên, một số nhà báo cũng cho rằng, do khuôn khổ có hạn của dự án, điều đáng tiếc là nhiều tờ báo đã không được tham dự các khoá đào tạo tại toà soạn vốn rất bổ ích.

(Theo chinhphu.vn)