Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo các đại biểu Quốc hội, để có thể thực hiện trên thực tiễn, quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật Tố cáo cần cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo...
Bảo vệ người tố cáo cần có quy định cụ thể trong Luật Tố cáo |
Chiều 11.11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật Tố cáo. Các vấn đề được đại biểu tập trung cho ý kiến là Phạm vi điều chỉnh, Hình thức tố cáo, Tố cáo giải quyết tố cáo không rõ địa chỉ, tên người gửi, Trình tự giải quyết thủ tục tố cáo và bảo vệ người tố cáo… Dự thảo Luật gồm 9 Chương 72 Điều.
Đa số đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này, tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật này, các đại biểu cho rằng việc đề cập quyền lợi nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong giải quyết tố cáo thì đối tượng thông tin về nội dung tố cáo và viên chức, lực lượng vũ trang cũng cần phải nằm trong Luật.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho ý kiến về khổ đầu tiên của Luật này, trong khi các Luật khác đều viện dẫn căn cứ vào Hiến pháp, Quốc hội quy định… riêng Luật Tố cáo thêm đoạn “Để tố cáo và giải quyết tố cáo đúng pháp luật góp phần phát huy dân chủ…” đại biểu cho rằng không hợp lý và không nên quy định như vậy mà nên quy định chung theo mẫu của các đạo luật đã ban hành.
Về chủ thể tố cáo, đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật là: “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Các ý kiến này cho rằng, tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội và Nhà nước. Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.
Một số ý kiến cho rằng mặc dù Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành không công nhận hình thức tố cáo “nặc danh” nhưng hình thức tố cáo này vẫn diễn ra khá phổ biến, vậy, đề nghị cần thừa nhận tố cáo nặc danh là một hình thức tố cáo hợp pháp.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Quỳnh (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình tán thành với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật, chủ thể tố cáo là công dân mà không nên mở rộng chủ thể là tổ chức. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, việc tố cáo nặc danh cũng không nên chấp nhận vì sẽ gây phức tạp. Đại biểu cũng cho rằng trách nhiệm người tố cáo cần được quy định rõ nếu không đúng phải xử lý. Còn đại biểu Nguyễn Văn Quỳnh cho rằng việc tố cáo phải có danh, có vậy mới có kỷ cương trong tố cáo nếu mở rộng ra tổ chức trách nhiệm sẽ không rõ.
Cần quy định chi tiết về bảo vệ người tố cáo
Đồng tình với Báo cáo cho rằng, các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy, cần được nghiên cứu để quy định chi tiết hơn; chẳng hạn cần xác định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; thứ tự ưu tiên bảo vệ, ví dụ trước hết cần phải bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí là cả người thân của họ. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Quỳnh (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng cơ chế bảo vệ người tố cáo phải quy định rõ ràng, mạch lạc.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến, mật độ tố cáo người tố cáo ngày càng nhiều tập trung vào đối tượng quản lý Nhà nước và công chức làm công vụ, việc tố cáo mang hình thức áp đảo dài ngày và vượt cấp. Đại biểu đề nghị người tố cáo phải có trách nhiệm.
Thảo luận về các hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử fax, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng việc tố cáo bằng điện thoại chỉ nên coi là thông tin. Việc tố cáo qua hình thức này phải đạt một hình thức nhất định nào đó (có tài liệu chứng minh) mới xem xét nếu không sẽ gây nhiễu cho cơ quan giải quyết tố cáo.
Tranh luận về hình thức tố cáo này, đại biểu Nguyễn Văn Quỳnh (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho ý kiến hình thức tố cáo phải linh hoạt mới tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc tố cáo, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng từ nguồn tin tố cáo thì cơ quan nhận nguồn tin có các bước tiếp nhận, xử lý đơn thư… để thẩm tra sàng lọc mới giải quyết. Trong khi đó, chúng ta đang đẩy mạnh chống tham nhũng thì những hình thức thông tin trên là cần thiết.
Ngoài những nội dung trên Uỷ ban Pháp luật cũng cho ý kiến cụ thể về nội dung và kỹ thuật văn bản trong Dự thảo Luật Tố cáo.
(Theo VOV)