Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng
Thứ tư: 10:51 ngày 16/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Dư luận đánh giá, việc thực hiện tốt chỉ thị sẽ giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 16-4-2021.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn:
Cần hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản do phạm tội mà có

Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cần xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra. Đồng thời, về lâu dài cần chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp hình sự để thực hiện tốt việc phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, mua bán cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế hành vi tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.

Ông Đoàn Văn Oánh, 55 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8B, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ:
Cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát

Theo Chỉ thị số 04-CT/TƯ, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng phải xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Để phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, cùng với nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, theo tôi cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, đồng thời, phát huy tốt trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, ban thanh tra nhân dân. Đặc biệt cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát hiện tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cùng với đó là bảo vệ, khen thưởng người dũng cảm tố cáo tham nhũng; xử lý nghiêm hành vi trù dập người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng gây mất đoàn kết nội bộ.

Bà Lê Thanh Hoa, đảng viên Chi bộ Văn phòng 1, Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội:
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng

Một trong những nội dung chính trong Chỉ thị số 04-CT/TƯ là các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là chỉ đạo rất đúng và trúng, đặc biệt trong tình hình số vụ tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước bị phanh phui ngày càng nhiều, số tiền bị chiếm đoạt ngày càng lớn. Việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc tham nhũng có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành…, song trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trước hết thuộc về người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách.

Bà Hoàng Thị Dương Thùy, tổ 19, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế

Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là một trong những vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm hiện nay. Thực tế còn một số hạn chế, tồn tại trong việc này, đó là thực hiện giám định thất thoát trong lĩnh vực tài chính, xây dựng… thường diễn ra rất chậm; việc định giá tài sản để cho vay của nhiều tổ chức tín dụng vẫn có những lỗ hổng; các biện pháp kê biên, phong tỏa chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án, trong khi nhiều vụ việc tiêu cực đã xảy ra trong thời gian dài, các đối tượng phạm pháp đã kịp tẩu tán tài sản… Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thì cần sớm khắc phục cho được những vấn đề nêu trên.

Luật sư Nguyễn Hồng Liên, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp:
Sớm bổ sung cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Thực tế cho thấy, người thực hiện hành vi vi phạm thường tìm mọi thủ đoạn để tẩu tán, che giấu nguồn gốc tiền, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội thông qua hoạt động "rửa tiền". Để hạn chế tình trạng này, cùng với việc củng cố các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, cần xem xét xây dựng và áp dụng cơ chế cho phép tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội hoặc yêu cầu người phạm tội phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, cần xem xét các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố do người phạm tội đã chết, cố tình lẩn trốn.

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục