Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Chỉ trong khoảng 10 ngày qua, rệp sáp bột hồng đã phát sinh thêm trên diện tích hơn 90 ha tại các huyện.
Mì chết dần do rệp sáp bột hồng tấn công. |
Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, vụ Đông xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh xuống giống được 22.145 ha mì tại 8 huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh.
Chỉ trong khoảng 10 ngày qua, rệp sáp bột hồng đã phát sinh thêm trên diện tích hơn 90 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu. Chủ yếu là mì nhiễm rệp nhẹ (dưới 15%).
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 400 ha. Trong đó có hơn 370 ha nhiễm nhẹ dưới 15%; khoảng 15 ha nhiễm trung bình (15-30%) và còn lại là nhiễm nặng (40-80%).
Diện tích mì nhiễm rệp tăng nhanh từ giữa tháng 1 đến nay do thời tiết khô hạn, nắng nóng là điều kiện thuận lợi để rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại và lây lan
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, một trong các nguyên nhân khiến rệp lây lan và khó phòng trừ là do nông dân chưa quan tâm đến việc vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng, còn để tàn dư cây mì vụ trước xung quanh bờ ruộng, lô cao su, làm hàng rào quanh nhà, sử dụng cây mì nhiễm rệp làm giống. Từ đó khiến rệp phát tán thành dịch hại vụ mì mới.
Thói quen trồng tự phát, thời vụ trồng mì chưa tập trung, có nhiều giai đoạn sinh trưởng trên cùng cánh đồng cũng là điều kiện thuận lợi để dịch hại tiếp tục phát sinh và lây lan.
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật đã cho phóng thích 5.200 cặp ong ký sinh trên diện tích 4,4 ha mì nhiễm rệp. Sắp tới, Chi cục sẽ cho thả ong trên 86 ha khác.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng quan ngại khác là do lo ngại rệp sáp hồng gây hại, một số nông dân đã phun thuốc bảo vệ thực vật trừ rệp sáp hồng trên một số ruộng mì đã được cán bộ kỹ thuật phóng thích ong ký sinh, gây hại cho ong.
Đồng thời, tại một số điểm có diện tích mì trồng trong khu vực canh tác mãng cầu, kết quả khảo sát cho thấy mật số ong ký sinh A.Lopezi đã giảm mạnh sau thả. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật từ các vườn mãng cầu quanh đó.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, thời tiết nắng nóng, khô hạn là điều kiện thuận lợi để rệp sáp hồng và các dịch hại khác như nhện đỏ, bọ phấn và các loài rệp sáp khác phát sinh gây hại. Trong khi ong A.Lopezi là loài ký sinh chuyên tính đối với rệp sáp hồng.
Tại một số diện tích thả ong A.Lopezi, ngọn cây mì có biểu hiện phục hồi, bung ngọn mới nhưng lại bị các loài côn trùng chích hút khác gây hại mạnh. Vì vậy, nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng xấu đến quần thể ong trên đồng.
Hoàng Thi