Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016” do ông Trần Lưu Quang- Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Sở Y tế
Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở cho biết: về tổ chức bộ máy của Sở hiện có 7 phòng thuộc lĩnh vực tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ; 2 Chi cục; 4 bệnh viện thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; 6 Trung tâm thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng; 3 Trung tâm thuộc lĩnh vực chuyên ngành; 1 trường trung cấp y tế.
Tuyến huyện có 9 Trung tâm y tế huyện, thành phố được tổ chức thống nhất trên địa bàn cấp huyện, thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; 2 phòng khám đa khoa khu vực và 93 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm y tế huyện, thành phố.
Tổng số người làm việc hiện có 3.451 người, trong đó công chức, người lao động tại các cơ quan quản lý nhà nước có 68 người; viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế có 3.389 người.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay tình trạng thiếu bác sĩ do không tuyển được đầu vào đang là một vần đề nan giải, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa đầu ngành. Bên cạnh đó, công tác tuyển cử, đào tạo theo địa chỉ cũng đang gặp những khó khăn nhất định, vì vậy để đảm bảo nguồn nhân lực theo biên chế là rất khó khăn.
Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để cải cách bộ máy hành chính tránh khỏi sự lãng phí nhân lực, theo chủ trương của Sở, trong thời gian tới 6 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng (bao gồm các Trung tâm: Y tế dự phòng, Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Phòng chống sốt rét, Phòng chống HIV/AIDS, Kiểm dịch Y tế Quốc tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) sẽ được sáp nhập thành 1 trung tâm duy nhất, là Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh.
Xóa bỏ các phòng Y tế tại các huyện, thành phố và chuyển giao nhân lực về các Trung tâm y tế huyện, thành phố. Đối với việc tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế tại các huyện, thành phố nên gom lại, sáp nhập vào văn phòng UBND các huyện, thành phố.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế cũng trình bày một số nguyên nhân hạn chế trong việc triển khai đầu tư trang thiết bị y tế, nhất là trong lĩnh vực thiết bị y tế kỹ thuật cao, hạ tầng công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời nêu nên những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo tình hình cải cách hình chính tại đơn vị.
Lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị với đoàn giám sát, cần có một cơ chế đặc thù riêng cho ngành Y tế trong việc thực hiện thi tuyển biên chế; không nên áp dụng theo Thông tư 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế đối với ngành Y; các cơ quan chức năng cần ban hành quy định cụ thể về tiêu chí của người đứng đầu đơn vị, công chức, viên chức quản lý làm hành lang pháp lý trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, cử đào tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Lưu Quang- Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đánh giá cao Sở Y tế trong việc mời gọi các bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao hỗ trợ khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế cần phải có những giải pháp lâu dài, nên có những hợp đồng chính thức trong việc hỗ trợ khám chữa bệnh trong ngành y.
Vì sự phát triển của đơn vị, khi có vấn đề cần, nên lấy phiếu kín để từ đó có hướng quyết định cụ thể; trong công tác cải cách hành chính cần phải sử dụng sức mạnh của tập thể, phát huy tính dân chủ, minh bạch.
Đối với những kiến nghị của Sở, đoàn ghi nhận, đề nghị Sở bổ sung vào báo cáo một cách cụ thể và gửi về Văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh để đoàn có cơ sở trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hoa Lư