BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nét xuân đặc thù của thị xã Hoà Thành 

Cập nhật ngày: 13/02/2021 - 08:02

BTN - Thấm thoát mà đã tròn một năm, kể từ khi Hoà Thành, Trảng Bàng công bố nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã thuộc tỉnh Tây Ninh, đi đôi với đó là việc thành lập các phường thuộc thị xã, từ đầu Xuân Canh Tý 2020 đến đầu Xuân Tân Sửu 2021.

Phường Long Hoa nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên.

Còn nhớ, đúng vào dịp ấy, một người bạn là công chức ở Hoà Thành có tâm sự rằng, thật ra việc thành lập thị xã chỉ là một bước hợp thức hoá cho phù hợp thực tế đời sống cư dân đô thị, chứ còn tiến trình đô thị hoá ở địa phương này đã khởi động lâu lắm rồi, ít ra cũng từ bảy chục năm trước, khi chợ Long Hoa mới được thành lập.

Trao đổi với bạn, người viết không thể không xác nhận, mỗi lần có dịp đi xa, gặp gỡ giao lưu với người ngoài tỉnh, nhắc đến Tây Ninh, họ đều hỏi thăm về các danh thắng núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, chợ Long Hoa, chứ còn các khu vực ấy ở địa phương nào trong tỉnh Tây Ninh họ ít được biết tới.

Rồi mỗi khi có dịp gặp lại bạn phương xa ngay trên quê hương mình, họ lại một lần nữa tấm tắc, đúng là các danh thắng của Tây Ninh đẹp hơn, hoành tráng hơn, vượt xa sự hình dung của họ. Những lúc như thế, người hướng dẫn bạn đi thăm quê mình rất đỗi tự hào.

Có điều, đôi lúc người hướng dẫn du lịch nghiệp dư không khỏi lúng túng khi bạn hỏi sâu về căn nguyên, sự tích của các công trình kiến trúc trong khu nội ô Toà thánh, hay vì sao các con đường ở tám hướng trong khu vực phường Long Hoa đều đồng quy về ngôi chợ lâu đời ấy.

Và nghe nói nếu được nhìn từ không trung, hay nhìn qua không ảnh, người xem sẽ thấy việc quy hoạch, bố trí các con đường ấy là theo tám quẻ (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài) của bức đồ hình bát quái.

Nói suông về điều đó thì không khó lắm, nhưng cũng chỉ đến đó thôi. Vì nếu như khách “truy vấn” sâu hơn về lịch sử, hay yêu cầu phải phán đoán về thuật phong thuỷ trong thiết kế đô thị, thì người hướng dẫn chỉ còn có nước ậm ờ, ngậm hột thị, nói lảng sang chuyện khác.

Múa tứ linh. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên.

Một chuyện nữa, vào khoảng năm 2000, sau khi được 5 xã phía Bắc huyện Hoà Thành cũ được sáp nhập vào địa giới thị xã Tây Ninh, một người bạn là công chức chính quyền Thị xã có nói với người viết, trong lúc các nhà tư vấn thiết kế đô thị nước ngoài đến khảo sát địa bàn để lập quy hoạch tổng thể chung cho Thị xã, họ hết sức bất ngờ vì thấy các xã chung quanh khu vực nội ô Toà thánh như Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Hiệp Ninh và một phần xã Hiệp Tân (nay là phường IV thành phố Tây Ninh) đều được thiết kế ô bàn cờ với những con đường lớn nhỏ cắt nhau theo trục vuông góc, còn thổ cư thì được phân lô theo một quy cách nhất định, chưa kể trong các lô thổ cư có cả những đường cứu hoả, nhưng lâu quá không dùng đã bị lấn chiếm gần hết… Vậy là những khu vực “thiết kế sẵn” kể trên gần như được giữ nguyên trong đồ án thiết kế!

Chuyện thứ ba, diễn ra trong thập niên cuối thế kỷ trước. Khi ấy, ngành Văn hoá - Thông tin được lãnh đạo tỉnh phân công làm thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên đường của tỉnh. Nhiệm vụ của Hội đồng này là khảo sát toàn bộ hệ thống đường bộ trên địa bàn Thị xã và huyện Hoà Thành, tức là khu vực trung tâm của tỉnh.

Một vị đại biểu HĐND tỉnh, kể rằng: trong một buổi làm việc của đoàn giám sát của HĐND tỉnh và Hội đồng tư vấn với huyện để thẩm định đề án, ông cán bộ Tuyên huấn của huyện “truy vấn” đoàn khá cặn kẽ, vì sao tên đường này được giữ lại, tên đường kia phải thay đổi, tên đường mới này có ý nghĩa gì, tại sao một con đường chạy từ Thị xã về Hoà Thành bị “chặt thành ba khúc” đặt ba tên khác nhau…vân vân…

Ông thường trực Hội đồng tư vấn “toát mồ hôi” giải thích vẫn có vẻ chưa thuyết phục được ông cán bộ Tuyên huấn. Nhất là việc thay đổi một số tên đường có sẵn từ xưa ở chung quanh khu nội ô Toà thánh, ví dụ như các tên đường Phổ Đà Sơn, Phước Đức Cù, Quan Âm Các, Oai Linh Tiên…

Nếu như cử tri- tức người dân địa phương đặt vấn đề: những tên đường ấy có tính lịch sử lâu đời, người dân địa phương đã quen gọi thì có nên thay đổi không? Gặp trường hợp đó, cán bộ tuyên truyền phổ biến nghị quyết đặt tên đường ra dân phải trả lời sao? Bị hỏi dồn dập, ông thường trực Hội đồng tư vấn không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ nói tại các tên đường ấy ý nghĩa không rõ ràng, khó hiểu quá, nên cần phải đổi bằng các tên danh nhân trong lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng.

Thấy ông cán bộ địa phương có vẻ không thoả mãn, vị đại biểu HĐND trong đoàn giám sát của tỉnh “dàn hoà”: Thôi thì nếu có gặp trường hợp chất vấn như thế, chúng ta không chỉ giải thích rõ ý nghĩa của tên mới đặt, mà có thể hỏi lại, yêu cầu người chất vấn giải thích rõ ý nghĩa, nguồn gốc của tên đường cũ, kể cả có thể hỏi người đặt tên đường cũ là ai, xem có đủ thẩm quyền được đặt tên đường hay không, nếu họ trả lời không đủ sức thuyết phục thì phải chấp nhận đặt lại tên đường mới theo đúng quy định pháp luật thôi.              

Thực tế việc triển khai đặt tên đường, đổi tên đường năm ấy ở Thị xã và huyện Hoà Thành không gặp “trường hợp thắc mắc” nào như thế. Có thể ít nhiều cũng có tác động từ việc đặt tên đường, đổi tên đường hàng loạt ở Thành phố Hồ Chí Minh gần như cùng lúc với Tây Ninh rất êm thấm, rất thuyết phục.

Cũng có thể do có sự đồng thuận của các vị đại biểu tôn giáo, dân tộc trong HĐND tỉnh khi thông qua đề án đặt tên đường, đổi tên đường, cũng như sự thuyết phục khi các vị đại biểu ấy tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp của HĐND tỉnh.

Toà thánh xưa, khi mới xây dựng. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Từ trải nghiệm qua các câu chuyện trên, người viết đã cất công tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Hoà Thành, gắn lền với tiến trình đô thị hoá của khu vực Toà Thánh - Long Hoa, theo cách gọi của những người đi trước trong Đảng bộ huyện Toà Thánh ngày trước.

Qua việc tìm hiểu đó, người viết hiểu thêm được tiến trình của vùng đất này gắn liền với sự phát sinh, phát triển của một tôn giáo nội sinh ở nước ta, ở ngay trên địa bàn tỉnh nhà rồi lan rộng ra khắp miền Nam, khắp cả nước, kể cả ra tới nước ngoài.

Được tìm hiểu cặn kẽ về tôn giáo theo đúng quan điểm tôn giáo của Đảng- nhất là quá trình sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào tín đồ tôn giáo Cao Đài trong nhiều năm qua, từ khi đất nước hoàn toàn độc lập cho đến ngày nay, người viết càng hiểu rõ quá trình đồng hành cùng dân tộc, theo đường hướng “Nước vinh - Đạo sáng” trong khối đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kết quả của quá trình đó là việc cơ đồ của đạo ngày càng phát triển, đạo đức tôn giáo được phát huy vận dụng trong sự nghiệp phụng sự xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Đặc biệt đối với thị xã Hoà Thành hiện nay, nét đặc trưng trong bản sắc văn hoá tín ngưỡng của tôn giáo Cao Đài đã trở thành yếu tố đặc thù của địa phương. Việc phát huy tính đặc thù này trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thị xã thể hiện qua hướng phát triển kinh tế du lịch lễ hội, du lịch tâm linh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến với thị xã Hoà Thành hằng năm.

Đi đôi với phát triển du lịch có sự góp phần của các ngành kinh doanh dịch vụ, thương mại vốn là thế mạnh của Hoà Thành từ xưa đến nay, tập trung nhất ở các phường nội thị từng được gọi là vùng Toà Thánh - Long Hoa.

Kể cả đối với kinh tế nông nghiệp là kinh tế vườn, là ngành trồng cây ăn trái mà khuynh hướng phát triển nông nghiệp sạch cũng là một hướng đi đầy hứa hẹn vì đó chính là điểm mạnh lâu đời của các xã ven thị phía Nam thị xã Hoà Thành.

Những điểm mạnh này cho thấy nội lực của Hoà Thành còn không ít tiềm năng. Vấn đề là nội lực đó cũng cần có những “cú hích” vừa từ nỗ lực tự thân của lãnh đạo và nhân dân địa phương, vừa từ sự tạo điều kiện thuận lợi của cấp trên. Tin rằng tương lai giàu mạnh và việc nâng cấp đô thị đẹp hơn nữa sẽ không quá xa tầm tay của thị xã Hoà Thành.

Nguyễn Tấn Hùng