BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngăn chặn vấn nạn lạm dụng rượu, bia

Cập nhật ngày: 07/03/2017 - 09:02

Giữa tháng 2 vừa qua, tại một đám tang ở xã Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu có hàm lượng mê-ta-nôn (một chất cồn công nghiệp độc tính mạnh) quá cao, làm tám người chết và hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu. Cuối tháng 2, ngay tại Hà Nội, cũng đã có bảy người phải vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu do ngộ độc rượu mê-ta-nôn. Những vụ ngộ độc rượu xảy ra liên tiếp trong vòng hai tháng qua cho thấy tình trạng đáng báo động về thói quen lạm dụng rượu, bia ở nước ta, nhất là các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Thống kê mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang là quốc gia có lượng tiêu thụ rượu, bia hàng đầu thế giới, với hơn 3,8 tỷ lít bia và hơn 200 triệu lít rượu mỗi năm. Như vậy, tính trung bình, chỉ trong năm 2016, mỗi người Việt Nam uống khoảng 42 lít bia (tăng khoảng 4 lít so năm 2015) và 2,2 lít rượu, giúp doanh thu toàn ngành rượu, bia, nước giải khát đạt gần năm tỷ USD. Bộ Y tế từng cảnh báo, mức độ tiêu thụ bia, rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp hai lần. Vì thế, trong khi xu hướng sử dụng rượu, bia của thế giới trong 10 năm qua giảm mạnh thì ở Việt Nam, đồ thị tăng trưởng của rượu, bia luôn theo chiều thẳng đứng. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho biết, trước đây ở Nhật Bản, hằng năm tiêu thụ khoảng 10 tỷ lít bia, Ô-xtrây-li-a tiêu thụ hơn 3,6 tỷ lít bia, nay đều giảm chỉ còn khoảng một nửa. VBA cũng lo ngại với thực trạng hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được khoảng 20% công suất sản xuất rượu (khoảng 70 triệu lít/năm), còn lại 80% sản lượng rượu dân doanh không kiểm soát được cả về chất lượng lẫn thu nộp ngân sách.

Vấn nạn lạm dụng rượu, bia, dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu, bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội,… diễn ra khá phức tạp và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Để ngăn chặn những hậu quả khôn lường từ việc lạm dụng rượu, bia, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế như: nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc; tăng mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển ô-tô, xe máy có nồng độ cồn trong cơ thể vượt ngưỡng quy định,... Tuy nhiên, những quy định pháp lý hiện nay vẫn chưa thật sự đủ mạnh và hiệu quả nhằm giảm bớt tình trạng này. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh tay, quản lý chặt chẽ mặt hàng bia, rượu nhập lậu, trôi nổi, pha chế kém chất lượng.

Không phủ nhận những đóng góp của ngành bia, rượu cho ngân sách, nhưng phải nhìn nhận rằng, hằng năm ngân sách Nhà nước và chi phí của người dân bỏ ra để khắc phục những hậu quả do lạm dụng bia, rượu còn vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn. Do đó, cần có quy định buộc doanh nghiệp sản xuất rượu, bia in cảnh báo, khuyến cáo về nguy cơ hay hàm lượng, nồng độ các chất có thể gây nguy hại đối với cơ thể trên nhãn sản phẩm (như trên thuốc lá), giúp người dân biết thông tin, nâng cao nhận thức, chủ động khi sử dụng. Nhà nước cần ban hành những chế tài cụ thể trong việc sản xuất, nhập khẩu rượu, bia; áp dụng chính sách thuế cao hơn nữa đối với mặt hàng rượu, bia, nhằm giảm dần lượng tiêu thụ; ngăn chặn tình trạng buôn lậu và sử dụng rượu, bia trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém; nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Nguồn Báo Nhân dân


 
Liên kết hữu ích