BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngân hàng Nhà nước chưa thể độc lập

Cập nhật ngày: 11/11/2009 - 02:42

Còn nhiều tranh cãi xung quanh Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi khi thảo luận ở tổ chiều 10.11. Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Vũ Viết Ngoạn đánh giá "tính độc lập của NHNN rất thấp". 

Điều hành "giật cục"

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế QH Vũ Viết Ngoạn nói xu hướng chung của các nước trên thế giới là NH Trung ương (NHTƯ) phải có tính độc lập.

Tại Việt Nam, NHNN vẫn thuộc Chính phủ nên tính độc lập chỉ là tương đối. Nếu muốn NHNN độc lập, trình độ phải cao, quản lý tốt, thị trường ngân hàng phát triển đến một mức nhất định. Từ đó, các chính sách đưa ra mới được thị trường cảm nhận tốt. Chẳng hạn, mỗi quyết định từ Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Kinh tế trưởng NHTƯ Đức đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế. 

Thảo luận ở tổ TP.HCM.

Trong khi đó, với dự thảo Luật NHNN sửa đổi lần này, ông Ngoạn đánh giá "tính độc lập của NHNN rất thấp". Các chính sách liên quan đến tiền tệ, Ngân hàng TƯ hầu như không quyết được gì mà phải trình Chính phủ quyết hết.

Chẳng hạn, trong việc điều hành lãi suất và tỉ giá - đây vừa là mục tiêu, vừa là công cụ - cần phân biệt rõ việc nào Chính phủ quyết, việc nào NHNN làm. Theo ông, "Chính phủ chỉ nên quyết định khung lãi suất và tỉ giá, còn cụ thể như thế nào là do NHNN".

Một Phó Chủ nhiệm khác của Uỷ ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Phúc đồng tình, năm 1997, khi soạn Luật NHNN, có những điều khoản bị thắt chặt do lo ngại rủi ro khiến tính độc lập tự chủ của cơ quan này bị hạn chế.

Sửa đổi lần này thậm chí còn thụt lùi so với Luật NHNN hiện hành khi Luật mới chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa một cơ quan ngang bộ và NHNN. NHTƯ phải là ngân hàng của các ngân hàng nhưng ở đây, Luật mới lại nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước của một cơ quan ngang bộ nên phải quản lý theo chế độ thủ trưởng, Thống đốc quyết định.

Điều này, theo ông Phúc, trong các bộ thì bộ trưởng được trao quyền đó nhưng Thống đốc không thể tự ra các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia.

Hơn nữa, nếu muốn NHTƯ có vị thế độc lập, không nên để nó quản lý vốn tại các ngân hàng.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cũng nói: "Với tình hình hiện nay, chúng ta chỉ hi vọng vào sự độc lập của NHNN ở thì tương lai. Luật sẽ sửa thường xuyên, dăm ba năm một lần, nên ta chấp nhận điều chỉnh ở mức này thôi".

Ông Kiêm, nay là ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho hay: "Ở các nước, quyết định sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ, tài chính là thuộc NHNN, công cụ nào, thời gian ra sao, mức độ nặng nhẹ.... Nhưng ở Việt Nam, từ tỉ giá, lãi suất, đến dự trữ bắt buộc đều qua Chính phủ. Chúng ta làm linh tinh, không theo chuẩn nào, nên mới có chuyện điều hành cứ " vón" lại, giật cục".

Có cần Hội đồng chính sách tiền tệ?

Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về chuyện có nên thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ thuộc NHNN hay không. Ông Phúc cho rằng, để tăng tính độc lập, tự chủ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ, hoạt động thu chi... của NHNN thì nên có Hội đồng này, bởi đó là tiếng nói tập thể.

Hiện nay, các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ vẫn do Chính phủ thực hiện, từ đề xuất của NHNN, dẫn tới có độ trễ nhất định so với thực tế bởi Chính phủ còn xem xét, quyết định. Vì thế, ông Phúc nhìn nhận vai trò NHNN ở Việt Nam còn "yếu và luôn dựa vào Chính phủ".

Theo ông, Hội đồng chính sách tiền tệ - nếu có - sẽ do Luật định. Hội đồng do Chính phủ thành lập, còn QH chỉ quyết định cơ cấu và thẩm định quyền của hội đồng. Tại các nước, tổ chức này thường có 9 người, 3 người do Hạ viện bầu, 3 do Nghị viện bầu và 3 do Tổng thống chỉ định. Thống đốc chỉ là một lá phiếu trong số này khi quyết định các vấn đề liên quan.

Ở nước ta, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ hiện nay chỉ là tư vấn chứ không có tính quyết định trong điều hành.

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cũng góp ý, không nên bỏ Hội đồng Chính sách tiền tệ, bởi chính sách tiền tệ quốc gia liên quan đến đảm bảo an ninh kinh tế đất nước, nhằm đối phó với các tình huống khủng hoảng tài chính, vừa chống lạm phát vừa chống thiểu phát.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) nói nên tăng quyền cho Thống đốc, không nên thành lập các hội đồng trong ngân hàng cũng như các bộ, ngành khác. Hội đồng gì thì trách nhiệm cũng thuộc về Thống đốc.

Ngoài ra, liên quan đến việc quy định về chính sách tiền tệ cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Hiến pháp năm 1992 quy định, QH quyết định các chính sách liên quan đến tiền tệ quốc gia. Luật NHNN cũng nêu QH quyết định chính sách tiền tệ quốc gia và quy định mức lạm phát dự kiến. Việc dự thảo Luật sửa thành "QH chỉ quy định mức lạm phát định hướng", theo nhiều đại biểu, là không hợp hiến và hạn chế quyền của QH. Vấn đề này, Chính phủ cần giải trình rõ hơn.

** Trước đó, sáng 10.11, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và Luật Người khuyết tật.

Quy định điều kiện đối với thức ăn đường phố

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật ATTP.

Dự thảo Luật gồm 11 chương, 62 điều. So với Pháp lệnh năm 2003, dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực ATTP.

Bên cạnh các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP, điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cụ thể, phân định rõ ràng  với từng nhóm sản phẩm.

Dự thảo cũng quy định một nội dung  hoàn toàn mới là  điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. “Đây là một loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.

Về sự cần thiết ban hành Luật này, Báo cáo Thẩm tra của  Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật ATTP như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đây là dự thảo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 6 năm thực hiện Pháp lệnh vệ sinh ATTP và kết quả giám sát tối cao của quốc hội khoá XII tại kỳ họp thứ 5, việc ban hành Luật ATTP là một bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP. Chiều 26/11, theo chương trình làm việc của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.

Tăng cường xã hội hoá chăm sóc người khuyết tật

Dự án Luật Người khuyết tật gồm 9 chương, 43 điều.

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khảo sát năm 2005, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, hàng năm có khoảng 1 triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về người khuyết tật, vẫn còn nhiều cơ chế chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho người tàn tật chưa thật sự đi vào cuộc sống, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn là những rào cản đối với người khuyết tật.

Nhằm đảm bảo tính hệ thống của chính sách pháp luật về người khuyết tật, bên cạnh kế thừa và giữ ổn định những quy định trong Pháp lệnh hiện hành, Dự thảo Luật Người khuyết tật quy định tăng cường công tác xã hội hoá chăm sóc người khuyết tật, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với Công ước về quyền của người khuyết tật.

Theo đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc xây dựng Luật Người khuyết tật tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, một số vấn đề về khái niệm người khuyết tật, người tàn tật, phân dạng và phân hạng khuyết tật, chính sách khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo dự thảo Luật, Nhà nước chỉ khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc và nếu sử dụng từ 2%-51% lao động là người khuyết tật thì được hưởng ưu đãi thuế, vốn vay. Một số ý kiến cho rằng cần phải quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp trong việc nhận người khuyết tật. Một số ý kiến lại cho rằng không nên quy định vào Luật, đây là trách nhiệm của xã hội và mọi cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện cho người khuyết tật, vì vậy nên thông qua vận động xã hội.

Dự thảo Luật người khuyết tật sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 27.11.

(Theo Vietnamnet & chinhphu.vn)