Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi khi đi ngang qua cánh đồng vào mùa lúa chín, tôi thường nhớ lại mấy câu trong bài thơ Hạt gạo làng ta của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Năm ấy, anh mới chỉ 8 hay 10 tuổi. Vậy mà thơ của anh, sau cả nửa thế kỷ rồi vẫn được người ta nhớ, người ta phổ nhạc.
Còn các em thơ lại vang vang hát: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát…”. Đấy là: “Những năm bom Mỹ/ Dội trên mái nhà/ Những năm khẩu súng/ Theo người đi xa…”. Hạt gạo làm ra đã khó, lại chia năm xẻ bảy cho các chiến trường xa nên gạo thành ra quý lắm. Đâu có như bây giờ, ta có thể thoải mái lựa chọn từ hàng trăm loại gạo, như: Nàng thơm, Hạt ngọc trời, gạo Nhật, gạo Thái… thậm chí là gạo Mỹ.
Ấy thế mà tìm được hạt gạo ngon lại khó hơn xưa, nhất là hiện nay còn phải thêm tiêu chí gạo sạch hoặc hữu cơ, hay VietGAP. Chả như ngày xưa, qua mùa chỉ cần để dành ra vài cân gạo tám hay nàng hương Chợ Đào, đến ngày cúng giỗ hay lễ tết thổi cơm lên, bắc nồi ra là cả xóm hưởng mùi thơm. Thứ gạo gì đâu mà thơm, ngon đến nao lòng.
Có lẽ chẳng riêng gì hạt gạo của làng quê xứ Bắc của Trần Đăng Khoa là có vị phù sa. Ngay Tây Ninh quê tôi cũng dào dạt chảy hai dòng sông thương nhớ. Đấy là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Hầu hết những cánh đồng tôi đã đi qua và nhớ thì thế nào cũng ở gần sông. Như cánh đồng Hoà Hội, Phước Vinh ở phía thượng nguồn. Rồi cánh đồng xóm Ruộng - Trí Bình, gần cầu Bến Sỏi. Gần thành phố Tây Ninh hơn là các cánh đồng Thanh Điền, Long Vĩnh - Châu Thành, hay Long Giang, Long Chữ - Bến Cầu… Ôi chà! Nhớ lại mỗi lần phóng xe qua vào đúng mùa gặt hái thì mênh mông bát ngát hương thơm lúa mới. Mà ngay cả khi đã gặt xong, đồng trơ gốc rạ thì đây đó vẫn còn vương những đám khói đốt đồng. Vẫn lẩn khuất, hoặc tràn lan mùi thơm của rạ rơm lẫn mùi châu chấu hay là cua nướng.
Tôi nhớ nhất hai cánh đồng nơi tôi thường qua lại nhất. Đó là cánh đồng bên chân cầu Bến Đình ở phía xã Cẩm Giang. Báo Tây Ninh mới đây có in tấm ảnh trang 1 (ngày 25.9.2019) chính là cánh đồng này, thưa quý bạn. Ảnh chụp flycam, từ bầu trời phía Tiên Thuận ngắm sang nên sau cây cầu và dòng sông là toàn bộ cánh đồng. Giá như là ảnh màu thì chắc là cả một thềm sông vàng rực hoặc xanh non. Đây đó điểm trang những tàn cây màu xanh sẫm. Lại có bóng núi Bà dâng lên phía trước, đội một đám mây bông lơ lửng giữa lưng trời. Ôi, cánh đồng mang tên loài chim trao trảo này, mùa này chắc lo le nước ngập… Người nông dân thường phải bỏ vụ Hè Thu, vì nước Vàm Cỏ Đông dâng lên lai láng đôi bờ.
Cánh đồng nữa là ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân của thành phố Tây Ninh. Dân gian quen gọi là cánh đồng Khedol. Nhớ vì năm ngoái tôi đã lên được đỉnh núi Bà Đen mà ngắm nhìn toàn bộ. Khi ấy lại là vụ lúa mùa Khedol đang rộ chín vàng. Thành ra cánh đồng như một cánh diều hình tam giác thảnh thơi bay ngang mà đón gió. Tôi mới vừa lên lại đây, vào dịp lễ Sene Dolta ngày 30.9 vừa qua. Vẫn là cánh đồng ấy thôi, nhưng nhìn từ mặt đất, trải rộng một màu xanh từ chân núi đến chân trời. Rải rác đây đó những chòm cây thốt nốt. Như những nốt nhạc cao vút giữa bè trầm của sóng lúa xôn xao. Điều đặc biệt, còn ít người biết đến ở cánh đồng Khedol là hạt gạo. Chỉ riêng cánh đồng này là không có phù sa. Lấy nước từ đâu ư? Là nước từ trong núi thấm ra, róc rách hay rì rầm lan toả theo hàng chục con suối nhỏ. Chính là thứ nước ngầm trong lòng núi, làm cho núi ngút xanh suốt những tháng ngày.
Người Khmer Khedol vẫn kiên trì gieo trồng hạt lúa từ xa xưa ông bà truyền lại. Từ khi cấy đến khi gặt hái phải ròng rã qua 6 tháng trời. Năm ngoái, tôi đã hỏi già làng để tìm mua hạt gạo Khedol ấy mà không có. Đến Sene Dolta năm nay mới tìm ra. Hạt gạo có hai màu trắng, đỏ. Vo lên, nước ửng một màu hồng phù sa. Cơm chín, bắc lên thấy bừng dậy một mùi thơm rất nồng nàn và xưa cũ. Bao giờ gặp Trần Đăng Khoa, phải khoe thứ “hạt gạo làng ta” này mới được. Thứ gạo kết tinh không từ phù sa mà lại đậm màu và vị phù sa. Thứ mùi và vị đã thành nỗi nhớ thương ở mọi quê nhà.
NGUYỄN