Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngang qua Thanh Điền
Thứ tư: 09:05 ngày 02/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con đường đá nhựa uốn lượn nhẹ nhàng dưới bóng rừng ấy được mang tên là Thanh Ðiền 1. Là một tuyến đi ngang, nếu ta coi tuyến tỉnh lộ 786 đi dọc chiều dài xã là tuyến dọc. Xưa nay, nói hay viết về Thanh Ðiền thì cứ phải kể ngay đến tuyến đi dọc ấy.

Hàng dầu trong rừng Thanh Thuận.

Khu rừng nằm ngay bên cạnh TP. Tây Ninh, giáp với khu phố 5, phường 1 có nhiều cây cổ thụ hiên ngang quắc thước đứng bên đường. Bên trong là những khoảng tối âm u dưới tán lá cây rừng chen chúc. Bên ngoài thưa thớt hơn, cho những cây dầu, vên vên lực lưỡng thả sức vươn cành ra bốn phía trời mây.

Tưởng đâu còn thấy bóng dáng một cây cầy, mà một nhạc sĩ trên Tây Nguyên gọi là cây Kơ-nia đang ngả chiếc “bóng tròn che lưng mẹ”. Nhưng, ông Năm Xù đi cùng lại bảo, đấy là cây vên vên mẹ. Rồi ông sà vào bên gốc, dang rộng vòng tay. Chỉ choàng được có non một nửa thân cây.

Khu rừng này thuộc về tổ 21, ấp Thanh Thuận, xã Thanh Ðiền. Kể luôn rằng, rừng rộng 1,8 ha, thuộc quyền sử dụng của bác sĩ Trần Công Minh. Bác sĩ sống trong thành phố Tây Ninh, nên người coi sóc giữ rừng chính là ông Nguyễn Hảo Hiệp (tự Năm Xù).

Con đường đá nhựa uốn lượn nhẹ nhàng dưới bóng rừng ấy được mang tên là Thanh Ðiền 1. Là một tuyến đi ngang, nếu ta coi tuyến tỉnh lộ 786 đi dọc chiều dài xã là tuyến dọc. Xưa nay, nói hay viết về Thanh Ðiền thì cứ phải kể ngay đến tuyến đi dọc ấy.

Bởi nó là tuyến nối TP. Tây Ninh ra bến (nay đã là cầu) Gò Chai, đi tới các xã của vùng đất “Ngũ long”, nay là huyện Bến Cầu. Ðến nay, Thanh Ðiền cũng đã có mười mấy tuyến đường ngang.

Từ đầu đường Thanh Ðiền 1, xuôi theo đường 786 độ 200 mét là tới chùa Hạnh Lâm. Ðây là ngôi chùa Việt đầu tiên có mặt ở Thanh Ðiền. Ngày 18.2 âm lịch vừa qua, nhằm ngày 3.4.2018, chùa Hạnh Lâm khánh thành một công trình mới.

Ðó là ngôi giảng đường cho tăng, ni và phật tử có nơi chốn trau dồi đạo hạnh và Phật pháp. Ngôi giảng đường cao, lớn gồm 3 gian, năm nhịp ong óng đỏ hai tầng mái ngói. Nền chùa được tôn cao trên một tầng hầm, có thể liên tưởng đến một toà sen đang tở mở vươn lên trên đồng đất Thanh Ðiền.

Sen Thanh Ðiền thì ai cũng đã thấy, nếu họ đi trên một tuyến ngang khác là tuyến quốc lộ 22 nằm giữa hai ấp Thanh Phước và Thanh Thuận. Sen Thanh Ðiền dường như không đợi mùa hè, mùa nào cũng có những đầm sen lộng lẫy. Ðể những hàng quán ven con đường ấy, bên những món đặc sản nhà quê, luôn là những bó sen sắc hồng tươi.

Và giờ đây lại có thêm một đoá sen hồng mọc giữa vùng Truông Tre thuở trước. Vâng! Bản thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Ðảng bộ xã Thanh Ðiền biên soạn năm 1985, có đoạn: “Ðầu ngoài Thanh Ðiền gọi là Truông Tre… Rừng tre dài đến 3km, người xưa đã phá để mở đường giao lưu với thị xã (nay là TP. Tây Ninh), hiện nay là lộ 7…”. Vùng đất Truông Tre xưa, nay đã nằm lọt trong địa bàn ấp Thanh Thuận. Và lộ 7 chính là đường 786 ngày nay đưa ta tới vùng đất Bến Cầu.

Cũng vì thế, ngôi chùa Hạnh Lâm đã từng được người địa phương gọi là chùa Truông Tre, có từ khoảng cuối thế kỷ 19. Tiếc rằng ngay trong khu vườn rộng thênh thang phủ đầy bóng mát của chùa, nay chẳng còn tre. Khoảng vườn sau đã rợp mát những keo, tràm. Và ngay trước sân ngôi chùa cũ là những cây sứ cong queo thả xuống đầy hoa trắng, vàng thơm ngát.

Lại có cả những cái cây (nghe nói) được thỉnh về từ đất Phật. Ðấy là cây sa la, buông những chùm trái màu nâu to cỡ trái dừa xiêm cùng những đoá hoa to 2 màu trắng đỏ. Lạ chưa! Hai cây sa la bên nhau, một cây đã sum suê tán lá chở che các buồng trái nặng, cây kia lại toàn lộc non vừa nở xoè ra trên những ngọn cành. Chim đã kịp về làm tổ giữa những chồi non tở mở rung rinh.

Có một điều sử cũng chưa viết và ít người biết được về chùa Hạnh Lâm. Ðấy là đất chùa từng có một “di chỉ khảo cổ” có niên đại trên 1.000 năm (giống như ở di chỉ gò Cổ Lâm). Ngôi giảng đường mới nằm về bên trái (nhìn từ ngoài đường vào), di chỉ ấy ở bên phải ngôi chùa.

Dĩ nhiên, nó đã bị san bằng bởi đạn bom và cả thời gian tàn phá. Nhưng vẫn còn đây một thế đất gò- bàu đặc trưng của các ngôi đền tháp thời kỳ tiền Angkor hoặc văn hoá Óc-eo. Ðến nay, vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những viên gạch xưa, kích thước lớn tương tự ở gò Cổ Lâm- di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia nằm ở ấp Thanh Ðông gần cuối xã.

Như một duyên kỳ ngộ, vị sư trụ trì chùa mới lấy bằng tiến sĩ từ Ấn Ðộ, lại được quản lý và tu tụng trên miền đất có cả hai nền văn hoá Phật giáo và Bà-la-môn giáo, đều có nguồn gốc từ Ấn Ðộ.

Ðấy là ở đầu ngoài (hay đầu phía Ðông) của đường Thanh Ðiền 1. Ði theo đường ấy khoảng 2km ta sẽ gặp một kiến trúc thuộc tín ngưỡng dân gian thuần Việt khác. Ðấy là miếu thờ Quan lớn Trà Vong. Chính xác hơn đó là cơ sở tín ngưỡng “thuần Tây Ninh” vì chỉ Tây Ninh mới có.

Ðến rồi mới biết, ở góc này của Thanh Thuận xưa lại thuộc về ấp Thái Thuận, xã Thái Bình. Miếu có từ năm 1925. Ðến năm 1959, miếu được xây như hiện nay, tường vôi, mái ngói và tôn. Không gian im vắng, chỉ có rừng cây mới trồng xào xạc.

Cách miếu chỉ vài trăm mét lại tồn tại nguyên một khoảng rừng nguyên sinh của bác sĩ Minh. Cần nhấn mạnh điều này vì đây chính là nơi lưu giữ những bóng hình của Thanh Ðiền từ một vài trăm năm trước. Sách đã dẫn viết: “Ðất Thanh Ðiền hầu hết là rừng già, đầm sình, rừng tràm, rừng tre và lau sậy. Rừng chiếm 2/3 diện tích. Rừng có nhiều gỗ quý (rừng nguyên sinh) như cẩm lai, cà chát, gõ, mun, sao, sến, huỳnh, liêm, chò, dầu các loại…”.

Bác Năm Xù thuộc từng cây rừng, từng bụi dây leo vấn vít khoảnh rừng xưa. Này đây là cây dầu, cây cám, cây cồng... còn kia là các loại dây leo như dây gùi, dây gắm. Bụi dây to cỡ bắp chân kia là dây bí bái, một loại thuốc nam trị cảm cúm rất hiệu quả.

Dưới những vòm lá nhỏ lăn tăn xao xác trên cao kia là những bụi chùm đuông và trái cò ke, ngọt ngọt chua chua. Ở bìa rừng phía Ðông nổi bật lên hàng dầu cao ráo, mỡ màng thẳng tắp với thân cây có đường kính gần 1 mét. Ấy thế mà hàng dầu ấy lại là kỷ niệm của ba mẹ ông Năm để lại.

Ông Năm bảo trước đây cũng khó giữ khoảnh rừng ấy, vì biết bao người đã từng nhòm ngó, xin mua. Ðến nay đã có thể yên tâm vì Hội Y học cổ truyền xã đã bàn bạc với bác sĩ Minh, cho xã phối hợp bảo vệ khu rừng, biến nơi đây thành khu bảo tồn vườn cây dược liệu, hiện đã chuẩn bị xây tường, rào bảo vệ. Khi xây xong sẽ gắn bảng ghi tên mỗi loài cây.

Vậy là chúng ta vừa có một lát cắt ngang qua Thanh Thuận. Một miền quê vẫn phóng khoáng, hồn nhiên mà bát ngát hương đồng nội, hương rừng. Ðằng xa kia, có lẽ là đường Trưng Nữ Vương kéo dài lên phía Trại Gà tấp nập người xe qua lại.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục