Theo Sở Công thương, sản phẩm cao
su là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ 2 (sau sản phẩm dệt may) ở Tây
Ninh. Mặc dù có lượng cao su xuất khẩu đáng kể nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực chế biến cao su công nghiệp của Tây Ninh vẫn
phải nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên. Sản phẩm chính của ngành công
nghiệp này chủ yếu là mủ latex, SVR các loại, bao tay cao su, các sản phẩm dùng
trong y tế và vỏ ruột xe các loại.
|
Sơ chế mủ cao su tại 1 nhà máy ở Tây
Ninh |
Hiện trình độ công nghệ của hầu
hết các doanh nghiệp sơ chế mủ cao su chỉ ở mức trung bình và lạc hậu so với thế
giới. So với các DNTN, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần, DN có vốn
đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ và máy móc thiết bị tốt hơn do mạnh về
tiềm lực tài chính. Do đó, các DN này có lợi thế cạnh tranh hơn các DN nhỏ do
giá thành sản phẩm thấp hơn. Tuy nhiên, về chất lượng sản phẩm, mẫu mã thì sản
phẩm do DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất được đánh giá là “trội” hơn hẳn.
Sản phẩm làm từ cao su của các DN
trong nước được tiêu thụ qua nhiều kênh phân phối nhưng chủ yếu qua 2 hình thức:
thông qua nhà phân phối và đại lý bán lẻ (chiếm từ 50% đến 90%). Trong khi đó,
các DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu được 100% sản phẩm làm từ cao su.
Trong đó, có khoảng 70% được xuất khẩu trực tiếp qua 25 thị trường nước ngoài và
30% xuất khẩu qua trung gian quốc tế. Đối với cao su sơ chế, có khoảng 63% sản
phẩm được phân phối thông qua các DN trong nước, xuất khẩu trực tiếp được khoảng
21,5%, còn lại là xuất khẩu uỷ thác.
Gần đây, do giá cao su thành phẩm
tăng cao nên các DN chế biến mủ cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu, trong khi DN
sản xuất cao su công nghiệp không tìm được nguồn mua nguyên liệu ổn định trong
nước. Mặt khác, sở dĩ các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn luôn nhập khẩu nguyên
liệu là vì họ “chưa” tin tưởng vào chất lượng mủ do DN Việt Nam sản xuất (!).
Hiện nay, hầu hết công nghệ, máy móc, thiết bị trong chế biến cao su có xuất xứ
từ Trung Quốc, chưa tiếp cận được công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.
Điều này gây nguy cơ hàng hoá của DN Tây Ninh ngày càng giảm sức cạnh tranh trên
thị trường quốc tế.
ĐÌNH CHUNG