BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành cao su tiếp tục gặp khó khăn

Cập nhật ngày: 20/06/2013 - 06:08

Chế biến mủ ở một nhà máy

(BTN) - Theo nhiều doanh nghiệp chế biến mủ cao su, năm 2013, ngành này tiếp tục gặp khó khăn do giá mủ tiêu thụ ở mức thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp chế biến lẫn người trồng cao su lao đao là mất thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ngành cao su còn gặp nhiều khó khăn khác.

MẤT THỊ TRƯỜNG

 “Trong tình hình hiện nay, những công ty lớn thuộc quốc doanh, có vườn cây rộng, không cần thiết phải thu mua nguyên liệu để chế biến, còn gặp khó khăn trong kinh doanh, xuất khẩu huống chi là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nhiệp càng nhỏ thì nguy cơ sản xuất, kinh doanh lỗ càng cao. Cũng như diện tích vườn cây càng nhỏ thì mức lợi nhuận của người trồng cao su tiểu điền càng thấp hoặc chỉ phá huề”, một doanh nghiệp chế biến cao su ở Thị xã nói.

Theo doanh nghiệp trên, đến nay, khi thị trường xuất khẩu mủ cao su SVR 3L sang Trung Quốc bị “đóng băng”, hay nói cách khác là “mất thị trường” thì nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này mới “giật mình”, hoảng hốt. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, không chỉ riêng mặt hàng cao su, nhiều mặt hàng nông sản cũng đã từng bị mất thị trường, từng “ba chìm bảy nổi” khiến người trồng lẫn doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng. Nguyên nhân là do đâu?

Những người có kinh nghiệm, từng “lăn lộn” trên chốn thị trường đầy sóng gió kết luận: Thứ nhất, do nhiều doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về thực lực nên khó có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ mà chủ yếu chỉ “chơi với bạn hàng Trung Quốc”, nên khi bạn hàng này ép giá, không tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp “chết đứng”. Thứ hai, vẫn còn không ít doanh nghiệp thiếu quyết tâm xây dựng thương hiệu, và điều này khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn mở rộng thị trường. Thứ ba là tình trạng thiếu đạo đức kinh doanh, gian lận chất lượng mủ trong một bộ phận người kinh doanh mủ cao su, khiến đối tác mất niềm tin. Thứ tư là do… cơ chế chính sách.

NỖI LO MŨ PHA TẠP CHẤT

Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Thị xã bức xúc: Hiện có nhiều thương lái thu mua mủ và một bộ phận người trồng cao su gian lận bằng cách cho tạp chất vào mủ nước để chống đông và làm tăng “độ” hàm lượng mủ. Trước đây, nhiều chủ vườn cao su tiểu điền, thương lái cho vào mủ một số tạp chất như đường, muối, đất sét trắng... Gần đây, ở Tây Ninh đã có tình trạng pha bột trét tường vào mủ.

Theo Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2013, giá xuất khẩu lẫn lượng xuất khẩu mặt hàng cao su đều giảm, trong khi lượng cung cũng như lượng dự trữ cao su của hầu hết các quốc gia đều tăng cao và tiến tới vượt mức tiêu thụ trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới như hiện nay. Do đó, cao su xuất khẩu của Tây Ninh 5 tháng đầu năm nay ước chỉ đạt 20 ngàn tấn, tương đương 62 triệu USD, giảm 14,03% về lượng và giảm 30,08% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

 Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su có người quen kinh doanh vật liệu xây dựng nên được cho biết, có tháng, cửa hàng này bán hàng tấn bột trét tường cho người mua, chủ yếu là lái mủ và một số chủ vườn cao su tiểu điền. “Đây là cách gian lận nhằm làm tăng độ mủ trước khi chế biến nhưng làm cho chất lượng mủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, những tạp chất “cổ điển” trên không khó phát hiện bằng kinh nghiệm hoặc phương pháp thủ công như nấu, đốt. Điều quan trọng là các thương lái khi mua mủ phát hiện có tạp chất có dứt khoát từ chối mua mủ đó hay không, hay vẫn mua với giá rẻ để kiếm lời. Đồng thời, chưa kể một số thương lái chủ động pha tạp chất vào mủ để bán cho các nhà máy”, doanh nghiệp này nhận định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến mủ sợ nhất là một loại tạp chất lạ, rất nguy hiểm. Theo chủ một nhà máy chế biến cao su ở Tân Biên, chất bột lạ màu trắng này không rõ nguồn gốc, không biết là chất gì, được một số thương lái thu gom mủ nước và chủ vườn cao su tiểu điền cho vào mủ để chống đông thay cho Ammoniac vì giá “bột trắng” rẻ hơn, đồng thời làm tăng “độ”. Loại bột lạ này nguy hiểm hơn các loại tạp chất khác như thạch cao, bột trét tường, đất sét trắng, đường, muối… bởi làm biến đổi màu sắc, làm suy giảm trầm trọng chất lượng mủ khi chế biến. Thế nhưng, các biện pháp kiểm tra thông thường không thể phát hiện có chất “bột lạ” trên. Nếu nhà máy nào thu mua phải mủ này thì vừa bị lỗ vốn vì bị khách trả lại hàng, vừa mất uy tín, có khi mất đối tác. Theo một doanh nghiệp, hiện ít có nhà máy của doanh nghiệp tư nhân được đầu tư thiết bị phân tích chất lượng mủ ở khâu đầu vào để ngăn ngừa, loại bỏ tất cả tạp chất do chi phí quá cao.

“Rào cẢn” THUẾ XUẤT KHẨU MŨ LY TÂM

Theo Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh, trong năm 2012 và hiện tại, Công ty còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ mủ cao su ly tâm (latex) khi phải nộp thuế xuất khẩu 3% trên giá bán theo Thông tư 145/2011/TT-BTC ngày 24.10.2011 của Bộ Tài chính.

Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh là đơn vị có đặc thù là tập trung công nghệ sản xuất và trồng giống cao su chủ yếu sản xuất chủng loại mủ latex (chiếm 63,35% so với tổng sản lượng sản xuất trong năm 2012). Sản lượng tiêu thụ xuất khẩu chiếm 38,04% tổng sản lượng tiêu thụ hằng năm, trong đó xuất khẩu mủ latex chiếm 34,18%. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ mủ latex khi xuất khẩu phải nộp 3% thuế trên giá bán làm cho doanh thu giảm 3%, dẫn đến giá bán bình quân trong năm giảm. Trong khi các loại sản phẩm cao su khác thì không phải nộp thuế xuất khẩu, chỉ riêng mủ cao su ly tâm thì phải nộp thuế xuất khẩu 3%.

Thiết bị chế biến mủ ly tâm đắt tiền nhưng hiện sản xuất không hiệu quả do thuế cao

Theo nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su, điều này là không hợp lý và kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ việc nộp thuế xuất khẩu mủ cao su ly tâm. “Hiện nay, trong khi thị trường tiêu thụ mủ cao su 3L đã bị đóng băng, các doanh nghiệp ôm một lượng hàng tồn khá lớn, đang loay hoay tìm hướng tiêu thụ thì thị trường mủ cao su ly tâm vẫn đang hút hàng. Mặt khác, sản phẩm mủ latex cho lợi nhuận khá hơn mủ 3L. Thế nhưng, việc xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn do “rào cản” về thuế 3%. Nếu tập trung sản xuất, xuất khẩu mủ ly tâm, doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa, vì lợi nhuận sau thuế bằng không. Hiện đã có một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất mủ ly tâm vì không có lãi. Trong khi chi phí đầu tư một máy ly tâm khoảng 2 tỷ đồng. Đây là một thiệt thòi cho doanh nghiệp bởi có thị trường mà không sản xuất được để bán thì rất đáng tiếc. Tôi cho rằng, mức thuế xuất khẩu mủ ly tâm 3% là hợp lý nếu giá mủ nằm ở mức cao như thời điểm vài năm trước. Còn như hiện tại, mức thuế này là chưa phù hợp”, đại diện Công ty cao su Liên Anh cho biết.

BẢO TÂM