BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành du lịch 'sốt ruột' vì kích cầu

Cập nhật ngày: 09/04/2009 - 07:38

Ông Trần Chiến Thắng

"Các doanh nghiệp trong ngành đang giảm giá tour để kích cầu. Nhưng giá các mặt hàng liên quan chi phí đầu vào như điện, xăng, vé tàu tăng khiến các doanh nghiệp gặp khó, nên chúng tôi cũng rất sốt ruột", Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết tại một hội thảo về du lịch sáng 9.4 tại Hà Nội.

Theo ông Trần Chiến Thắng, thực hiện chủ trương kích cầu chung của Chính phủ, Bộ này đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành du lịch đồng loạt giảm giá tour để kích cầu.

Đầu tháng 1.2009, 37 doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn, 61 khách sạn 3 - 5 sao, 3 hãng vận chuyển và 14 cửa hàng mua sắm đã "bắt tay" cam kết tham gia chiến dịch Impressive Việt Nam (Ấn tượng Việt Nam), giảm giá 30 - 50% cho 99 tour du lịch điển hình để hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa. 

Vì vậy, dù lượng khách 3 tháng đầu năm của cả nước có giảm 18%, nhưng một tín hiệu đáng mừng là số lượng du khách đến các trung tâm du lịch như Hạ Long và miền Trung lại tăng.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành du lịch cũng băn khoăn, hiện tại, vẫn có sự thiếu hỗ trợ giữa các ngành trong chủ trương chung để kích cầu nên có nhiều khó khăn khi triển khai.

"Cách tính giờ cao điểm của ngành điện là một ví dụ", ông Thắng nói. "Ngành điện quy định tính giờ cao điểm có khoảng 6-8h tối, mà đó lại là giờ làm ăn chính của khách sạn. Rồi giá vé tàu đến các điểm du lịch cũng tăng, hay giá xăng...

Như thế thì chúng tôi rất sốt ruột với chủ trương kích cầu trong ngành du lịch. Vẫn biết chính sách giá theo cơ chế thị trường, ngoài một số mặt hàng trọng điểm Nhà nước nắm, các mặt hàng còn lại doanh nghiệp, mỗi ngành đều chủ động tăng theo thị trường.

Nhưng ý tôi muốn nói ở đây là nhiều khi mạnh ngành nào ngành đấy chạy mà thiếu sự phối hợp, một tiếng nói chung để cùng vì một chủ trương chung".

Bổ sung thêm một yếu tố khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng sốt ruột không kém, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Vũ Thế Bình, nêu lên một thực trạng: Một tỉ lệ lớn xe vận chuyển hành khách du lịch của Việt Nam hiện chưa đạt yêu cầu về chất lượng và số lượng cũng đang thiếu.

Thế nhưng, thuế tiêu thụ ôtô nhập khẩu của ngành du lịch cũng bị tính như hàng tiêu dùng. Trong khi, đó lại là một tư liệu sản xuất chính của ngành khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng nhập xe mới từ nước ngoài.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, tới đây, ngành sẽ tập hợp đầy đủ các yếu tố tác động để có kiến nghị với Chính phủ, nhằm hỗ trợ du lịch trong chủ trương kích cầu.

(Theo Vietnamnet)