Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 4.1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có ông Võ Văn Thưởng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Phan Đình Trạc- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Dũng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, kịp thời của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, ngành; sự đồng lòng, quyết tâm, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Kinh tế - xã hội có bước phục hồi mạnh mẽ và toàn diện, nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp của ngành Nội chính Đảng và các cơ quan trong khối Nội chính từ Trung ương đến địa phương.
Ban Nội chính Trung ương đã triển khai, xây dựng 7 đề án lớn trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một trong những điểm nhấn của năm 2022 là Đề án “Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh” được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII.
Trên cơ sở đó, tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo dấu ấn rất quan trọng về hình thành bộ máy, tổ chức, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp địa phương và cơ sở.
Theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan nội chính tham mưu cho Đảng và Nhà nước chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực dư luận xã hội quan tâm, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao…), tham mưu đường lối xử lý bảo đảm nghiêm minh, không có vùng cấm, nhưng có tính nhân văn, có lý, có tình, nhất là vụ án liên quan đến Công ty Việt Á được dư luận đồng tình.
Năm 2022, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, tích cực, chủ động và có nhiều tiến bộ trong thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, chủ trương lớn của Đảng được Ban hết sức chú trọng.
Trong năm, đơn vị thẩm định, tham gia ý kiến đối với 78 đề án, chủ trương do các cơ quan chức năng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban Đảng, Ban Cán sự Đảng, cơ quan chức năng gửi xin ý kiến.
Các Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành uỷ đã chủ trì, phối hợp thẩm định 633 đề án, văn bản; tham gia ý kiến đối với 1.089 đề án, văn bản về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được tăng cường; sự phối hợp giữa ngành Nội chính Đảng với ngành Tuyên giáo, các cơ quan chức năng và cơ quan thông tin, báo chí ngày càng chặt chẽ. Tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng được quan tâm củng cố, kiện toàn.
Hoạt động của các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh dần đi vào nền nếp, tạo chuyển biến bước đầu rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng các chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với việc tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phải hết sức coi trọng, chủ động hơn trong công tác phòng ngừa sai phạm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Phương Thảo