Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành tư pháp phải đi đầu trong tham mưu kiến tạo đồng bộ thể chế phát triển đất nước
Thứ sáu: 08:32 ngày 08/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 7-11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ.

Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.

Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cùng dự có đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc tại Bộ Tư pháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tại Bộ Tư pháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm phòng truyền thống tại Bộ Tư pháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc tại Bộ Tư pháp.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ.

Báo cáo nêu bật: Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có nhiều đổi mới và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành tư pháp để có đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 21-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đưa đất nước có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay.

Bên cạnh những kết quả công tác tích cực là chủ yếu, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhận thấy công tác tư pháp bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; kiến nghị, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số nội dung liên quan công tác của Bộ, ngành tư pháp.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những thành tích, kết quả mà Bộ Tư pháp đã đạt được trong những năm qua; đồng thời nhấn mạnh: Trong gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển vì chúng ta có Hiến pháp và thực thi thành công Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi, với nhiều phương thức đa dạng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân và tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội... Đặc biệt, Bộ, ngành tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật có phần trách nhiệm quan trọng của Bộ, ngành tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Bộ Tư pháp.

Nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân; Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Với tinh thần ấy, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó: Đối với đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cần phải trên tinh thần là dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Về yêu cầu đối với Chương trình xây dựng Luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm, phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất Chương trình.

Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.

Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia. Đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, với 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật. Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất. Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Tư pháp cần phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp. Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật với 4 nhiệm vụ cụ thể: Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành tư pháp. Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân.

Đề cao nguồn nhân lực thực thi, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Tư pháp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp theo tinh thần “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Cùng với đó cần có cơ chế bảo vệ đối với cán bộ làm công tác pháp luật khi không vi phạm điều cấm, không vụ lợi, lạm dụng quyền lực. Tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới. Có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong các cán bộ nhân viên ngành tư pháp luôn nhớ và thực hành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng tốt hơn”, cán bộ tư pháp phải “công bằng, liêm khiết”, phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Tại buổi làm việc, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhất trí xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhất trí về chủ trương cần quan tâm, đầu tư thích đáng, có cơ chế tài chính và chế độ, chính sách đặc thù cho công tác pháp luật, cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật và chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ của Bộ, ngành tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Giao các cơ quan có thẩm quyền tham mưu giải quyết cụ thể các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với yêu cầu đột phá mạnh mẽ về thể chế trong kỷ nguyên mới, Bộ, ngành tư pháp đứng trước những thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn để khẳng định mình, vươn lên mạnh mẽ hơn. Bộ, ngành tư pháp cần tham mưu hiệu quả hơn nữa việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phải thực sự trở thành “lực lượng nòng cốt”, “đi đầu trong tham mưu kiến tạo đồng bộ thể chế phát triển đất nước”, gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Nguồn QĐND

Tin cùng chuyên mục