Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tất cả các cơ sở Đảng ở Tây Ninh đều thực hiện chủ trương của Xứ uỷ là nắm lấy phong trào Thanh niên Tiền phong. Nắm được Thanh niên Tiền phong là Đảng ta nắm được một lực lượng quần chúng khá đông đảo. Vì Thanh niên Tiền phong là một tổ chức rộng rãi, tập hợp nhiều thành phần trong xã hội, trong đó tầng lớp thanh niên, học sinh và tầng lớp nghèo thành thị chiếm đa số, có nơi lôi kéo được cả công chức và những người thuộc tầng lớp trên.

>> Tây Ninh từ 19.8 đến 2.9.1945: Ngất trời hào khí mùa thu cách mạng.
(Tiếp theo kỳ trước)
|
Ông Lâm Quang Vinh (bên trái) trao đổi với nhà báo Phạm Đăng Khoa. Ảnh: Nguyễn Tấn Hùng
70 năm đã trôi qua. Đối với một đời người, được sống 70 năm đã là “xưa nay hiếm”. Nhưng với lịch sử một dân tộc đã có “bốn ngàn năm văn hiến”, thì khoảng thời gian ấy chỉ là một chặng đường ngắn ngủi.
Thế mà trong chặng đường ấy, dân tộc ta từ chỗ gần như không có tên trên bản đồ thế giới, đúng hơn là chỉ mang cái tên xa lạ của một xứ thuộc địa của nước khác – Đông Dương thuộc Pháp, đã làm nên chiến tích thần kỳ, đánh thắng hai nước thực dân, đế quốc hùng mạnh để giành độc lập và xây dựng đất nước, đưa đất nước tiến lên với vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.
Động lực nào đã đưa đất nước từ chỗ bị trị tiến đến đài vinh quang ấy? Lịch sử đã xác định, đó là việc Đảng Cộng sản Việt Nam làm tròn sứ mạng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh chung của đất nước, tại tỉnh nhà, 70 năm trước, 25 đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân Tây Ninh đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền ngày 25.8.1945. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005 ghi rõ (trang 56 - 57): “Song song với phong trào Việt Minh, tại các thị trấn, thị xã và một số ít xã trong tỉnh, còn có phong trào Thanh niên Tiền phong hoạt động công khai, mạnh mẽ.
Tháng 7 năm 1945, thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Nam kỳ “phải nắm lấy Thanh niên Tiền phong, các cấp bộ Đảng phải tranh thủ chỉ đạo và sử dụng phong trào công khai này”. Tất cả các cơ sở Đảng ở Tây Ninh đều thực hiện chủ trương của Xứ uỷ là nắm lấy phong trào Thanh niên Tiền phong. Nắm được Thanh niên Tiền phong là Đảng ta nắm được một lực lượng quần chúng khá đông đảo.
Vì Thanh niên Tiền phong là một tổ chức rộng rãi, tập hợp nhiều thành phần trong xã hội, trong đó tầng lớp thanh niên, học sinh và tầng lớp nghèo thành thị chiếm đa số, có nơi lôi kéo được cả công chức và những người thuộc tầng lớp trên. Như vậy trong một lúc có hai phong trào thanh niên phát triển mạnh.
Phong trào Việt Minh với các tổ chức đoàn thể cứu quốc toả rộng các vùng nông thôn đi dần vào thị xã, thị trấn; phong trào Thanh niên Tiền phong công khai thu hút nhiều tầng lớp trong thị xã, thị trấn toả về nông thôn tạo điều kiện cho Ban cán sự Đảng tỉnh nắm được đại bộ phận lực lượng quần chúng, chuẩn bị đón thời cơ tiến lên tổng khởi nghĩa”.
Lần theo những trang sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, chúng tôi may mắn tìm gặp một nhân chứng lịch sử hiện ngụ tại phường 2, thành phố Tây Ninh. Nhân chứng này không chỉ là một trong số rất ít người tham gia Cách mạng tháng Tám tại Tây Ninh vẫn còn sống, mà còn là một người, có lẽ là duy nhất còn lại trong đội ngũ Thanh niên Tiền phong có mặt trong dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh ngày Cách mạng thành công 25.8.1945.
Đó là ông Lâm Quang Vinh, thường gọi là Hai Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Tây Ninh. Biết chú Hai Vinh có tên trên bia lịch sử Hội thề Rừng Rong ở An Tịnh, Trảng Bàng, nên nhóm tác giả loạt bài này không khỏi thắc mắc, vì sao ông lại có mặt tại thị xã, nay là thành phố Tây Ninh trong những ngày hào khi ngất trời của mùa thu cách mạng 70 năm trước?
Chú Hai Vinh kể: “Tôi sinh năm 1927, năm nay tính theo tuổi ta đã ngấp nghé chín chục rồi. Nghĩa là hồi Cách mạng tháng Tám tôi mới 18, 19 tuổi. Sở dĩ tôi có mặt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Tây Ninh, là vì năm đó tôi tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, và được các thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong của tỉnh triệu tập về học quân sự ở đình Hiệp Ninh.
Còn chuyện tôi biết và tham gia phong trào thanh niên hoạt động văn hoá thể thao công khai này là do tôi đi làm nghề… cắt lông ngựa cho các nhà xe thổ mộ ở Trảng Bàng, thỉnh thoảng có đi cắt lông ngựa cho các nhà nuôi ngựa đua ở Gò Vấp, chuyên cung cấp ngựa đua cho trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn.
Nhờ tiếp cận với các thanh niên công chức yêu thích thể thao ở Sài Gòn mà tôi được vận động tham gia phong trào, rồi về quê tổ chức, xây dựng phong trào ở các xã An Hoà, Gia Lộc, An Tịnh, vô tới Lộc Hưng, Đôn Thuận.
Khoảng tháng 7 năm 1945, tôi lên Thị xã học quân sự tại đình Hiệp Ninh do anh Lâm Thái Hoà phụ trách lớp học. Hai huấn luyện viên của lớp học cũng là hai người em rể của anh Lâm Thái Hoà, là quan một (cấp hàm thiếu uý) của quân đội Pháp.
Thật ra, có những điều mà mãi sau nay khi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm nước ta chúng tôi mới hiểu. Đó là chuyện Đảng ta đã có chủ trương rất khéo léo, tài tình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức do chính quyền thực dân, phát-xít lập ra.
Bởi lẽ mọi người dân nước ta, ai cũng yêu nước, cũng mong muốn nước nhà độc lập, tự do. Riêng trường hợp gia đình anh Lâm Thái Hoà, sau này tôi biết được cha anh là “dân Tây” tức là có quốc tịch Pháp, tốt nghiệp trường thuốc bên Pháp, làm quân y sĩ trong quân đội Pháp, mẹ anh là con gái của Đô đốc Tư lệnh Hải quân Pháp.
Gia đình anh Lâm Thái Hoà ở đường Trần Hưng Đạo, cách Trường THCS Trần Hưng Đạo bây giờ chỉ có 150 mét về phía Nam, tức là cũng chỉ cách đình Hiệp Ninh 150 mét, phía đối diện trường học. Ít ai biết được rằng ngôi nhà của thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Lâm Thái Hoà cũng là nơi thỉnh thoảng nhóm Đảng Quán Cơm, tức là tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh tổ chức hội nghị để tránh né những cặp mắt cú vọ của bọn tay sai thực dân, phát xít”.
Về lớp học của Thanh niên Tiền phong, chú Hai Vinh cho biết, lớp học tập trung khoảng 50 cán bộ Thanh niên Tiền phong từ các địa phương trong tỉnh, ăn, ở, học tập ngay trong ngôi đình Hiệp Ninh. Bề ngoài là lớp huấn luyện thể dục thể thao, thực chất là lớp huấn luyện quân sự, học viên được học từ tập họp đội hình đến sử dụng vũ khí với những khẩu súng do hai anh quan một từ thành Săng đá (doanh trại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ngày nay) bí mật đưa ra.
Ông Hai Vinh vừa nói vừa diễn lại thao tác tập bắn máy bay bằng súng trường cho chúng tôi xem. Ông nằm ngửa xuống đất, một chân co lại, chân kia gác lên đầu gối chân co, hai tay nắm chặt “khẩu súng tưởng tượng”, gác súng lên khuỷu chân “ngắm bắn”…
Được hỏi về chuyện “giành chính quyền” tại dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh (trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày nay), ông Lâm Quang Vinh hồi tưởng: “Đó là kỷ niệm sâu sắc, trọng đại nhất mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên…”.
PHẠM ĐĂNG - NGUYỄN TẤN
(còn tiếp)