Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 18.11, Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
|
Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, ngày 05.11.2013, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về DTSĐHP năm 1992. Các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với Dự thảo và cho rằng, Ủy ban DTSĐHP đã kịp thời nghiên cứu, giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đã góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện một số nội dung cụ thể của Dự thảo.
Theo báo cáo, những vấn đề liên quan đến việc giữ nguyên tên nước, quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp; quy định về thu hồi đất, quy định về các tổ chức chính trị - xã hội… được tuyệt đại đa số ý kiến đại biển Quốc hội tán thành.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và hội trường, Ban soạn thảo cũng đã chỉnh lý, hoàn thiện thêm một số nội dung như: bổ sung vai trò của doanh nghiệp bên cạnh doanh nhân; quy định Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai; bổ sung quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất và trình Quốc hội thành lập mới, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung quy định việc thành lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; chỉnh lý quy định chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Theo ông Phan Trung Lý, thảo luận về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, có đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương như Dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp quy định khái quát về các đơn vị hành chính, còn việc phân định cụ thể đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh sẽ do luật định phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Về mô hình, Hiến pháp cần xác định chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung đơn vị hành chính hải đảo; quy định rõ thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như sau:
Về đơn vị hành chính (Điều 110): Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cả nước và xin bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập như Dự thảo.
Việc không bổ sung đơn vị hành chính hải đảo vào Điều 110 là vì khi xác lập đơn vị hành chính ở hải đảo phải căn cứ vào các đặc điểm về diện tích, quy mô dân số và các yếu tố khác liên quan… mà cơ quan có thẩm quyền xác định hải đảo đó là đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, do đây là loại đơn vị hành chính có tính chất “đặc biệt” với những cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế cũng như về hành chính, có thể không phù hợp với một số quy định của luật.
Vì vậy, việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này phải do Quốc hội quyết định; còn đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt trực thuộc trung ương hay trực thuộc tỉnh thì sẽ do luật định khi Quốc hội quyết định thành lập.
Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111): Dự thảo quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Cách quy định như vậy một mặt cơ bản giữ ổn định mô hình tổ chức của chính quyền địa phương hiện hành.
Mặt khác, tạo điều kiện cho việc tiếp tục đổi mới, tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương sau khi có kết quả tổng kết, đánh giá việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở một số địa phương. Quy định như vậy cũng bám sát các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là “phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo” và Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XI là “nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương (có phân biệt tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn),… tổ chức chính quyền phù hợp với các địa phương có tính đặc thù, như đặc khu kinh tế, hải đảo”.
Về điều kiện thành lập mới và điều chỉnh địa giới hành chính (Điều 110): Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc thành lập mới, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, bảo đảm tính ổn định của các đơn vị hành chính, bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng “nhập - tách” thiếu căn cứ.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, ý kiến nêu trên là xác đáng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 110 như sau: “Việc thành lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”.
Phát biểu tại hội trường sáng 18.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chuẩn bị công phu và đã được triển khai, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong 2 năm qua. Tại các kỳ họp Trung ương, Bộ Chính trị đều cũng đã đưa ra ý kiến và được tiếp thu đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, vào ngày 28.11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Hiến pháp hệ trọng này. Trong thời gian còn lại, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ nhân dân để khi Hiến pháp được thông qua sẽ có được sự đồng thuận cao nhất.
Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và được góp ý nhiều nhất là chính quyền địa phương, xoay quanh bốn nội dung chính được quy định từ Điều 111 đến 115 về nguyên tắc tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền lực, quyền hạn… ở cấp chính quyền địa phương.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi thống nhất quy định về nội dung này sẽ phải kế thừa, đổi mới để tạo ra sức mạnh trong công cuộc đổi mới, thể hiện quyền lực của chính quyền địa phương các cấp, hình thành một thể thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm rằng, các đơn vị hành chính từ phường, xã, thôn, bản, quận huyện, thành phố… đang vận hành và cơ bản ổn định. 63 tỉnh, thành hiện nay đã có sự phân chia đơn vị hành chính cấp địa phương, nếu luật mở ra nữa thì sẽ thay đổi rất phức tạp. Việc tổ chức chính quyền các cấp phải phù hợp với đặc điểm tình hình ở nông thôn, đô thị và đặc khu kinh tế hải đảo. Ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó có chính quyền.
Về đơn vị hành chính đặc biệt, đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến, vấn đề này phải giao cho Quốc hội quyết định, chứ không thể để Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ quyết định được. Qua đó điều luật cụ thể thế nào đều phải do Quốc hội quyết. Đặc khu kinh tế đặc biệt có thể trực thuộc trung ương hoặc thuộc tỉnh nhưng nó sẽ có tính độc lập riêng.
Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ, Quốc hội sẽ phải vất vả hơn ở nội dung chính quyền địa phương. Trên tinh thần đó, sang năm Quốc hội sẽ bàn cụ thể về chức năng và nhiệm vụ của UBND, HĐND.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, đại biểu Quốc hội làm việc tại Đoàn để góp ý trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi Phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Chiều 18.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật phá sản (sửa đổi) và Dự án Luật đầu tư công./.
Theo Báo điện tử ĐCS