Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày 30.4.1975-Mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Chủ nhật: 23:53 ngày 30/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể khẳng định, kể từ sau khi thống nhất đất nước đến nay, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao và chưa khi nào trong lịch sử, nước ta có được vị thế, uy tín quốc tế và cơ đồ như hiện tại.

Không đợi tới ngày 30.4, mà suốt 48 năm qua, hằng ngày, hằng giờ, các thế lực thù địch đều có kế hoạch bôi nhọ, vu cáo, đả kích chế độ chính trị của nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Rất tinh vi, chúng dùng rất ít phần trăm sự thật rồi nhào nặn với những ngôn từ thù địch, nội dung dối trá tung “hoả mù” nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động trong xã hội, đặc biệt, chúng tập trung “phán xét” ngày 30.4 - ngày chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiêu trò cũ rích này lặp đi lặp lại trong suốt hàng chục năm qua: “Ngày 30.4 là ngày “quốc hận”, ngày mất nước; nếu không mất nước thì “Sài Gòn” hoa lệ ngày xưa phát triển đến nay sẽ giàu có gấp 10 lần Hàn Quốc, gấp mấy lần Thái Lan…

“Đất nước” mà bọn họ nói chỉ là Sài Gòn- nơi có cơ quan đầu não bộ máy chiến tranh do Mỹ dựng lên thì phải?… rồi “Chiến tranh Việt Nam”, “Miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam”, “Cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”, “Các cuộc chiến tranh ở Việt Nam là không cần thiết”; “để xảy ra cuộc chiến này là do Đảng Cộng sản Việt Nam hiếu chiến, là chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu, làm chết hơn 2 triệu người dân vô tội”;

“Nếu không có các cuộc chiến tranh ấy thì cuối cùng thực dân, đế quốc cũng phải trả lại chủ quyền đất nước, trao trả tự do cho dân tộc giống như nhiều nước khác đã hưởng quyền lợi ấy”… Chúng ta cần vạch trần những luận điệu xuyên tạc đó để thấy rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Việt Nam diễn ra là tất yếu và không có con đường nào khác, phù hợp với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân yêu nước chân chính và xu thế phát triển của lịch sử nhân loại.

Thứ nhất, nếu đứng trên lập trường của giai cấp tư sản (những người giàu) tất nhiên họ sẽ nhìn thấy một Sài Gòn hoa lệ, mà chỉ những người theo Mỹ, ôm chân Mỹ được sống sung sướng, nhưng số người này chiếm thiểu số trong xã hội lúc bấy giờ.

Những người giàu có đó sống dựa vào đồng dollar do Mỹ đổ vào nuôi bộ máy chiến tranh phục vụ cho lính Mỹ, nguỵ chống lại dân tộc ta. Tác giả Đặng Phong đã nhận xét: “Nền kinh tế miền Nam trước năm 1975 tuy có vẻ ngoài phồn vinh nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó”; còn trên BBC, Tiến sĩ J.M. Carter ở Đại học Drew (Mỹ), tác giả cuốn Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (Các cố gắng của Mỹ trong khi xây dựng nhà nước ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1968) xuất bản ở Mỹ năm 2008, vạch rõ chế độ Việt Nam Cộng hoà chỉ là một “nhà nước hư cấu”, “chính thể Sài Gòn không thể nuôi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hằng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ.

Sự phồn vinh ở các đô thị miền Nam không phải do nội tại của nền kinh tế mà do nguồn viện trợ của Mỹ và chi tiêu của quân viễn chinh Mỹ. Từ năm 1971-1975, lượng viện trợ kinh tế từ Mỹ còn lớn hơn cả tổng số của cải do Việt Nam Cộng hoà làm ra. Nguỵ quyền thực chất không có nội lực; Quân sự - chính trị - kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ.

Sài Gòn và các khu vực xung quanh dưới thời Pháp và Mỹ đều được bơm tiền để đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của quan chức, quân đội Pháp, Mỹ, chư hầu và nguỵ… Người miền Nam giàu thì phải nói chính xác là người miền Nam gốc Hoa, vì họ nắm phần lớn về kinh tế quốc nội và có ảnh hưởng lớn đến chính trị miền Nam.

Những ngày cuối của cuộc chiến tranh, của nguỵ quyền Sài Gòn, khi Mỹ cắt giảm viện trợ đã phải cử quan chức sang xin thêm, khi không xin được đã phải vay, sau này nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải trả thay.

Theo bài viết của Thiện Ý đăng trên Trang VOA tiếng Việt (ngày 30.7.2020), ngày 7.4.1997, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thanh toán hết số nợ cho Hoa Kỳ 145 triệu dollar phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975. Đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, một vấn đề lớn từng gây cản trở cho tiến trình bình thường hoá trong quan hệ Mỹ - Việt; bao gồm 85 triệu USD nợ gốc, còn lại 70 triệu dollar là tiền lãi và chi phí phát sinh trượt giá trong 24 năm; chưa kể các khoản nợ mà Chính phủ hiện tại phải trả cho WB, ADB.

Vì vậy, Sài Gòn trước 1975 thực chất chỉ là một đô thị sống phụ thuộc vào hơn 60% tiền viện trợ từ Mỹ, hội tụ mọi xa hoa, truỵ lạc tiêu xài bằng đồng USD do Mỹ đổ vào, còn lại là thị trường chợ đen, mại dâm; không có sản xuất hay công nghiệp gì phát triển đáng kể. Khi người Mỹ rút đi, nguồn dollar Mỹ cũng mất, do vậy, những kẻ đang hưởng lạc trên sự nghèo đói và xương máu của nhân dân, lại bị mất tất cả nên bọn họ gọi là “Ngày quốc hận” cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, sự phồn vinh của Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975, vượt xa cả Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia… đó chỉ nằm trong trí tưởng tượng của một số người mà thôi. Ai đó muốn gom tất cả người miền Nam vào quan điểm mang tính chủ quan và quy chụp như: ''Người dân miền Nam không cần giải phóng'', ''Miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hoà giàu mạnh'', ''Nếu không giải phóng thì miền Nam giờ đây...''… thì đó là một sự xúc phạm đến đại bộ phận nhân dân miền Nam- những người phải chịu sự giày xéo, đàn áp dã man, phải chịu gông cùm, tù đày trong các nhà tù được gọi là địa ngục trần gian do Mỹ - nguỵ lập ra.

Ngoài ra, đến nay, những ai còn so sánh và cho rằng “Sài Gòn” hòn ngọc Viễn Đông trước 1975 phát triển hơn Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại thì chắc rằng 48 năm rồi những người này chưa trở về Việt Nam.

Nhân vật nổi tiếng chống chế độ Cộng sản cực kỳ quyết liệt như luật sư Hoàng Duy Hùng hoặc như Phó Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Cao Kỳ khi trở về Việt Nam và hầu hết những ai trở về đều đã thừa nhận họ thua Cộng sản Việt Nam là đúng và Việt Nam hôm nay thay đổi rất nhiều, phát triển rất nhanh, không như những gì họ đã nghe tuyên truyền khi còn ở bên Mỹ.

Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đứng trong danh sách của Henley & Partners; đứng thứ 67/97 thành phố giàu có nhất với 7.700 triệu phú, 15 người siêu giàu (cá nhân sở hữu tài sản trên 30 triệu USD) và 3 tỷ phú. Không chỉ vậy, số người có tài sản ròng trên 1 triệu USD ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tăng thêm 82% trong suốt một thập kỷ qua.

Tỷ lệ này đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những nơi có lượng triệu phú gia tăng nhiều nhất thế giới. Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu tàu thì nổi lên hàng loạt các thành phố lớn, nhỏ phát triển rất cao như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Phú Quốc, Đồng Nai…

Việt Nam ngày nay có tốc độ phát triển thuộc top cao nhất khu vực, an sinh xã hội được bảo đảm và Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Có thể khẳng định, kể từ sau khi thống nhất đất nước đến nay, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao và chưa khi nào trong lịch sử, nước ta có được vị thế, uy tín quốc tế và cơ đồ như hiện tại.

Nguyễn Thị Thu Cúc

Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục