Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý tài nguyên nước, khoáng sản được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 4-6. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn tới 58 đại biểu Quốc hội chưa kịp đặt câu hỏi vì không đủ thời gian. B
Không “đánh cược liều lĩnh với môi trường”
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội (ĐB) Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) bày tỏ băn khoăn về tình trạng thiếu cát xây dựng làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng, trong khi quy trình cấp phép khai thác khá phức tạp. “Tới đây sẽ luật hóa các quy định liên quan như thế nào để góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình?”, nữ ĐB Đặng Bích Ngọc băn khoăn.
Cùng mối quan tâm đến các công trình hạ tầng có sử dụng vật liệu san lấp, ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) nhận định, hiện nay nhiều công trình đưa ra phương án dùng cát biển để thay thế cát sông. “Tuy nhiên, khi chưa đánh giá kỹ thì triển khai đại trà việc sử dụng cát biển là đánh cược liều lĩnh với môi trường. Làm thế nào đảm bảo an ninh nguồn nước, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường?”, ĐB Trần Kim Yến chất vấn.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn, sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN-MT đã ban hành hướng dẫn về vấn đề khai thác cát xây dựng. “Tới đây, theo dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các mỏ khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng chỉ cần đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế, không phải xin cấp phép”. Về sử dụng cát biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ lo lắng chính đáng của ĐB Trần Kim Yến và cho biết sẽ yêu cầu đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng đối với từng dự án trước khi triển khai, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) chất vấn, sáng 4-6
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn, chiều 4-6
ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) dẫn số liệu trong 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ TN-MT đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành cấp khoảng 3.000 giấy phép nhưng chỉ có hơn 800 khu vực thông qua đấu giá. Tỷ lệ cấp quyền thông qua đấu giá thấp dù khi đấu giá, giá tăng 20%-40% so với khởi điểm. ĐB Hậu đặt câu hỏi: “Theo bộ trưởng, có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá là đúng quy định hay không”? ĐB cũng đề nghị bộ trưởng cho biết có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ đang do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản hay không.
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dự phiên chất vấn, sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản, có 7 nội dung về khoáng sản thiết yếu, chiến lược không qua đấu giá. Thẩm quyền của Bộ TN-MT chủ yếu là cấp phép cho 7 nội dung này (không qua đấu giá). Do đó, có tình trạng tỷ lệ cấp phép không qua đấu giá cao. Về đề xuất đấu giá các mỏ do doanh nghiệp nhà nước thăm dò, bộ trưởng cho biết các mỏ mà doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò thì doanh nghiệp sẽ được ưu tiên cấp phép khai thác. Trường hợp doanh nghiệp thăm dò không làm nữa thì phải báo cáo để Nhà nước thu hồi và tổ chức đấu giá.
Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây ĐBSCL
Đây là phản ánh của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). ĐB đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp ổn định môi trường sống cho người dân trong vùng. Nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận định, các tác nhân khác như khai thác cát lậu, lấn chiếm bờ sông… đã làm trầm trọng hơn tình trạng này. Giải pháp tới đây là đánh giá trữ lượng, quy hoạch vùng được phép khai thác; đồng thời với công tác quy hoạch lại dân cư, những vùng có nguy cơ cao thì bố trí tái định cư, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm bờ sông và nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo. ĐB Kim Bé cho rằng bộ trưởng đã “nêu đúng nguyên nhân, nhưng chưa đủ”.
Sử dụng cát biển để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường Khép lại nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về tình trạng khan hiếm cát xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu: “Tới đây, khoáng sản sẽ được chia thành 4 nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để”. Với cát biển, Bộ GTVT đã đánh giá thử nghiệm và ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, tính chất cơ lý, sức bền vật liệu… “Chúng ta cũng có các bước thử nghiệm từng khu vực khai thác, từng công trình, đưa ra các tiêu chí về sử dụng cát biển để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đây là yêu cầu tiên quyết”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định. Phát biểu kết luận phiên chất vấn về lĩnh vực TN-MT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng Bộ TN-MT đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế; có giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Theo ĐB, cần chấn chỉnh việc khai thác nước ngầm và nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo sớm hiện tượng thời tiết cực đoan. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình với ĐB và cho biết, Bộ TN-MT đã tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo; tăng cường phối hợp quốc tế; đào tạo nhân lực… Liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước, nhiều ĐB phản ánh tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất ngày càng gay gắt. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đảm bảo an ninh nguồn nước quả thực là thách thức, vì nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%. Vì vậy, giải pháp ưu tiên là bảo vệ được nguồn nước nội sinh thông qua bảo vệ rừng, trồng thêm cây xanh, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý. Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân về nguồn nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn, chiều 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Với ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vừa qua Thủ tướng đã có chuyến thị sát và giao Bộ NN-PTNT trình đề án tổng thể về vấn đề này. Tháng 9 tới, Bộ NN-PTNT sẽ trình đề án, trong đó có cách tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, thế giới được đánh giá đang ở trong kỷ nguyên khô hạn, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. “Cách thức sử dụng nước sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước. Có lẽ chúng ta nên có tuyên ngôn với người dân ĐBSCL và cả nước rằng: Chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước. “Tài nguyên này sẽ ngày càng khan hiếm hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cho ĐBSCL để “khép lại một số vùng được đầu tư nửa kín, nửa hở”, giúp nhiều người nông dân được hưởng lợi hơn.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, những hồ thủy lợi đều có sinh cảnh đặc biệt nên có thể tận dụng để làm du lịch và nuôi cá trên lòng hồ. “Chỉ có như vậy mới có thể tăng nguồn lực để bảo hành, bảo trì, “nuôi” đội ngũ cán bộ quản lý ở các hồ đập. Rất nhiều hồ thủy lợi có thể làm được, nhưng địa phương có vẻ chần chừ, ngần ngại. Tôi biết cái mới ra đời cũng có khó khăn, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước
Hôm nay (5-6), Quốc hội dành phần lớn thời gian để tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trả lời chất vấn về trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Cùng với đó là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán. Các bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, Tài chính, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Sau đó, Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, Tài chính, GTVT, GD-ĐT, LĐTB-XH, Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
VĂN MINH
Nguồn sggp