Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Hôm 1.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình bổ sung tại Hội trường.
Tại phiên thảo luận, nhiều nội dung, ý kiến phát biểu của đại biểu khá sâu sắc, đi sâu vào phân tích kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm vừa qua cũng như cơ sở để nhà nước xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo. Cụ thể, về kế hoạch tài chính 5 năm các đại biểu đều thống nhất với đánh giá tình hình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Cơ bản, 5 năm qua nhà nước đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhưng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới; nhất là về quản lý thu thuế, phí, chi tiêu vẫn còn lãng phí, hiệu quả chưa cao và không gắn với khả năng thu dẫn tới tăng bội chi và nợ công.
Các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề bội chi và nợ công. Các đại biểu cho rằng nợ công tăng nhanh, chưa đảm bảo cân đối chi trả nợ, vay đáo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước. Đại biểu cũng cho rằng các chỉ số về an toàn nợ công không được đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép, đây là yếu tố cần khắc phục. Các đại biểu cũng nêu một số chính sách của Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua chưa thật hợp lý, cần được chỉnh sửa.
Về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng huy động sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, các đại biểu thống nhất với Chính phủ. Nhiều đại biểu đề nghị cần lường trước những tác động không thuận đến thu chi ngân sách nhà nước thuộc các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc thực hiện các cam kết khi tham gia hội nhập, diễn biến giá dầu thô trên thị trường và chỉ số lạm phát.
Về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, các đại biểu đều thống nhất cơ bản với mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể theo báo cáo của Chính phủ và đề nghị Chính phủ phải tích cực hơn nữa trong việc tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.
Về thu ngân sách thì một số ý kiến đề nghị tránh ban hành các chính sách làm giảm thu, dẫn đến ảnh hưởng ngân sách nhà nước. Trong đó, đề nghị sớm sửa đổi một số Luật thuế để đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm; chú trọng đến một số nguồn thu như thuế tài sản thu từ lợi tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước; chính sách thuế cần ban hành nhưng phải đảm bảo tính trung lập, công bằng và hợp lý.
Đại biểu đề nghị cần rà soát lại các chính sách chi, cần giảm và tiết kiệm chi phù hợp với khả năng thu, sửa đổi các chính sách lạc hậu, bất hợp lý; cần chú trọng chi cho xóa đói giảm , nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tích cực điều chỉnh lại chính sách hợp lý.
Về chỉ số an toàn nợ công, các ý kiến cơ bản nhất trí với trần nợ công là không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ nước ngoài không quá 50%; đề nghị cần tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài và tái cơ cấu nợ đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt để cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi; cần tăng cường phân cấp quản lý để các địa phương chủ động và tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách trung ương; một số ý kiến đề nghị rà soát lại các tỷ lệ điều tiết giữa trung ương và địa phương cho hợp lý.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng việc tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, bố trí vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm nhưng chưa được giải quyết, nhiều công trình đã phải dở dang, đình hoãn và giãn tiến độ; tình trạng tiêu cực, lãng phí trong xây dựng cơ bản vẫn còn phổ biến và chưa được xử lý triệt để.
Về mục tiêu và định hướng đầu tư công trong giai đoạn tới, các ý kiến cơ bản nhất trí với các mục tiêu định hướng đầu tư nêu trong báo cáo Chính phủ. Có ý kiến đề nghị, chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường, nhất là xử lý sự cố môi trường ở bốn tỉnh miền Trung; chống biến đổi khí hậu, sông ngập mặn, ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhất là ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, tuyến đường giáp biển kết nối giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ; ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc-Nam và một số tuyến vận tải quan trọng khác; nên kết hợp tốt các đầu tư, nhất là đầu tư công tư trong xây dựng bản.
Về nguyên tắc tiêu chí, các ý kiến đề nghị việc phân bổ vốn phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí nguyên tắc đã được xác lập, đảm bảo hợp lý, công bằng và tiết kiệm.
Về danh mục đầu tư, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ danh mục và phương án dự kiến phân bổ vốn cho các dự án, trong đó xác định rõ các dự án thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình thuộc diện trọng điểm quốc gia, các dự án được ngân sách trung ương hỗ trợ cũng như các danh mục vốn trái phiếu Chính phủ và danh mục vốn ODA.
Về các giải pháp thực hiện, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với các giải pháp đã nêu trong báo cáo, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các quy định của Luật đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước.
Về tình hình thực hiện ngân sách năm 2016, các đại biểu ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trước những khó khăn khách quan như giá dầu thấp hơn dự toán, tình hình thời tiết không thuận lợi, hạn hán, xâm ngập mặn, ô nhiễm môi trường v.v... Tuy nhiên, về chủ quan, đại biểu cho rằng việc dự báo, phân tích chưa sát với thực tế, đặt mục tiêu tương đối cao và khó có khả năng thực hiện.
Liên quan đến năm 2017, các đại biểu đồng ý với mục tiêu và định hướng phân bổ ngân sách, đó là huy động tối đa các nguồn lực tài chính của nhà nước, quản lý sử dụng triệt để, tiết kiệm, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Từng bước tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thực hiện các giải pháp xử lý nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Đẩy nhanh cải cách khu vực hành chính công; tinh giản biên chế; ưu tiên đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, đánh giá cụ thể về từng chỉ tiêu năm 2017 trong tất cả các dự báo, đại biểu cho rằng còn rất nhiều khó khăn, kinh tế thế giới khả năng tăng trưởng chậm và tất cả các tổ chức uy tín thế giới đều đưa ra những dự báo hiện tại thấp hơn so với dự báo lạc quan đầu năm.
Đánh giá về kế hoạch thu, dự kiến thu 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ huy động trên GDP là 23,8%, mục tiêu này tương đối cao, đại biểu đề nghị Chính phủ phải hết sức quan tâm việc chống thất thu và quyết liệt trong việc chống thất thu.
Về chi, đại biểu đề nghị năm 2017 là năm đầu tiên cần tập trung vào những dự án trọng điểm, chiến lược, đột phá và có tính lan tỏa cao để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Có đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ nên tính phương án tăng những nguồn chi cho ngành du lịch, vì tăng chi cho du lịch là phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Coi ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và chi cho du lịch là hoàn toàn không lớn, những hiệu quả có thể đem lại rất lớn và có thể nhìn thấy ngay trước mắt…
Hôm nay (2.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Kim Chi (lược ghi)