Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 21.5, Quốc hội tiếp tục họp trực tuyến. Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Kế đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Sau phần trình bày, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước như quy định tại dự thảo lần này cần phải cân nhắc, vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng, nhưng chưa rõ việc đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước theo quy định của dự thảo luật lần này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần vốn góp.
ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Thực tế cho thấy, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần, có quyền biểu quyết của nhà nước tại dự thảo luật trên 50% chưa đảm bảo sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của nhà nước phù hợp hơn, đảm bảo việc chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp.
Vấn đề các đại biểu tập trung cho ý kiến đó là Hộ kinh doanh, đa số các ý kiến đại biểu là không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), với trên năm triệu hộ kinh doanh, rất cần thiết và thống nhất nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ Nghị định 78 lên thành Luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cũng đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật mà xem xét ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Vì đại biểu cho rằng thực tế hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mới chỉ tập trung ở quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, quyền và nghĩa vụ chung của hộ kinh doanh, chưa quy định cụ thể về địa vị pháp lý, hình thức, cơ cấu hoạt động của hộ kinh doanh.
Vì vậy, khi những khía cạnh pháp lý liên quan đến quản lý hoạt động của hộ kinh doanh chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để xây dựng những chế định chặt chẽ, vững chắc, toàn diện thì việc đưa quy định này vào dự thảo luật có thể ảnh hưởng tới tính ổn định, bền vững của Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng Bộ luật Dân sự 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không có ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp thì đồng nghĩa việc phải sửa đổi và bổ sung một số luật khác.
Về con dấu và thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp theo Điều 43, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận nội dung này. Đại biểu Mai Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất loại ý kiến thứ nhất như Chính phủ trình, theo đó bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tùy doanh nghiệp có hay không thông báo mẫu dấu, không bắt buộc và để dễ dàng cho doanh nghiệp hoạt động nhưng chủ thể doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp nhân về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mình.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng đồng tình đề nghị trao quyền cho doanh nghiệp trong việc tự quyết định có hoặc không có con dấu; đồng thời, bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm giảm bớt thủ tục hành chính vì các lý do: giảm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo sự chủ động, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng nhiều cá nhân lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia phát biểu về các nội dung khác như về vấn đề chào bán trái phiếu riêng lẻ về cổ đông phổ thông; vấn đề điều lệ doanh nghiệp; đăng ký và quản lý doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp; chế độ báo cáo; các quy định về giải thể doanh nghiệp cũng như là trách nhiệm của doanh nghiệp và của cơ quan quản lý nhà nước và vấn đề quy định về doanh nghiệp xã hội…
Kết thúc phiên thảo luận trực tuyến đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, có 2 đại biểu tham gia tranh luận và còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do không còn thời gian. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu tranh luận việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đa số các đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật là chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác giám định tư pháp theo vụ việc nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế kéo dài trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung và các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tranh luận là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hiện có 2 luồng ý kiến tranh luận nội dung này. Một luồng ý kiến thì tán thành với quy định Dự thảo luật bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử.
Các đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), Phan Thái Bình (Quảng Nam)… cho rằng khi thực hiện Luật Tố tụng hình sự mới (bắt đầu từ ngày 1/1/2020) thì yêu cầu và nhu cầu về giám định kỹ thuật âm thanh tăng rất cao. Khi các cơ quan tiến hành tố tụng phải ghi âm, ghi hình, có âm thanh đối với việc hỏi cung bị can, từ trước đến nay chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định nói trên, cho nên dẫn đến quá tải.
Hơn nữa để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử ngày càng cao đó với các loại tội phạm về tham nhũng và các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, riêng tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp thì thuộc trách nhiệm của Cục điều tra Viện KSND Tối cao tiến hành, do vậy việc bổ sung nhiệm vụ này là hết sức cần thiết.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Trần Văn Mão (Nghệ An) bày tỏ băn khoăn, đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao về kinh nghiệm; đặc biệt, quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi rất chuyên sâu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng việc thành lập thêm một tổ chức giám định thuộc Viện KSND Tối cao thì e rằng không phù hợp, mà nên thành lập thêm các tổ chức giám định trong Công an các tỉnh, địa phương.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (tỉnh An Giang) cho rằng việc thiết kế cơ quan giám định ở Viện KSND Tối cao xuất phát từ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, và được quy định từ khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra…
Do còn có ý kiến khác nhau, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy phiếu của đại biểu về nội dung này.
Về trưng cầu giám định Điều 25, đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định tại khoản 4 Điều 25 của dự thảo luật về giao trách nhiệm cho một số cơ quan, tổ chức chuyên môn về giám định tư pháp chủ trì việc thực hiện giám định trong trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.
Về thời hạn giám định Điều 26a, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tán thành quy định tại Điều 26a của dự thảo luật về thời hạn giám định tư pháp là không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng và giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể.
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; và một số điều khoản cụ thể khác mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết thúc phiên thảo luận trực tuyến, đã có 14 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 6 đại biểu Quốc hội tranh luận. Đồng chí Lê Thành Long- Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Hôm nay (22.5), buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Buổi chiều, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kim Chi