BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày làm việc thứ 9 của Quốc hội: Hướng tới đơn giản hoá giấy tờ nhà đất cho người dân

Cập nhật ngày: 30/05/2009 - 10:31

Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 29.5, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến về việc thống nhất giấy đăng ký nhà và đất theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Trong ngày làm việc thứ 9 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (gọi tắt là luật sửa đổi).

6 luật phải sửa đổi, bổ sung là: Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai và Luật nhà ở, với 94 điều phải sửa, trong đó có 54 điều là sửa nội dung, còn lại là chỉnh sửa từ ngữ, thuật ngữ.

Nhiều đại biểu tán thành việc chỉ cấp một giấy chứng nhận thống nhất trên cả nước thay cho hai loại “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và “sổ hồng” (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà).

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, loại giấy mới sẽ bao gồm tất cả thông tin về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như các biến động về quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất.

Một số đại biểu có ý kiến băn khoăn, tuy thủ tục cấp giấy chứng nhận đã được rút gọn hơn như trong dự thảo Luật nhưng việc thi hành trong thực tế sẽ còn tùy vào hiệu quả cải cách hành chính ở các cấp có thẩm quyền.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, bên cạnh gộp 2 giấy chứng nhận thì cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy, đồng thời đề nghị xem lại quy định về thẩm định giá trị tài sản trên đất theo hướng thuận tiện cho người dân.

Đánh giá sổ đỏ, sổ hồng do 2 đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây phiền hà cho người dân trong nhiều năm qua, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiêng Giang) góp ý, chỉ nên giao cho 1 cơ quan quản lý và cấp.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, người dân nộp các loại giấy tờ theo quy định để xin cấp giấy chứng nhận mới tại UBND xã, phường. Cấp xã có trách nhiệm tiến hành các bước tiếp theo; khi giấy được cấp, thông báo cho người dân đến UBND cấp xã nhận giấy.

Luật sửa đổi cũng quy định 2 loại giấy chứng nhận cũ vẫn có hiệu lực pháp lý, chỉ khi người dân muốn đổi giấy mới thì làm thủ tục xin đổi.

Buổi chiều, họp phiên toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý nợ công.

Trong buổi làm việc đã có 11 vị đại biểu Quốc hội của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu, tập trung vào những nội dung như phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo luật; nguyên tắc quản lý nợ; trách nhiệm trong quản lý nợ; những hành vị bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công; trình tự ký kết và phê duyệt các thỏa thuận vay nợ; điều kiện vay vốn…

Ngày 30.5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Tại phiên làm việc này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014. Một trong các nội dung của Đề án là việc điều chỉnh học phí hiện đang được cử tri, dư luận xã hội quan tâm.

(Theo chinhphu.vn)