BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày làm việc thứ hai HĐND tỉnh:

Cập nhật ngày: 10/12/2014 - 03:43

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề nghị bổ sung làm rõ thêm một số nội dung trong các báo cáo, tờ trình; đồng thời kiến nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm đến một số vấn đề trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách.

Đại biểu cho rằng, trong năm 2014, báo cáo có nêu nhiều nguyên nhân thu ngân sách giảm, nhưng chưa nêu nguyên nhân chủ quan là tình trạng gian lận thuế và nợ thuế kéo dài nhiều năm nay. Tình hình nợ thuế không phải do doanh nghiệp không đóng mà do suy giảm về kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đại biểu kiến nghị trong năm 2015, khi giao chỉ tiêu thu ngân sách nên đánh giá kỹ nguyên nhân, khoanh vùng doanh nghiệp mất tích, giải thể, không thể hoạt động tiếp tục được thì cần có chính sách riêng.

Tuy nhiên, việc thất thu thuế một phần có thể do cán bộ thuế móc nối với doanh nghiệp để gian lận, vì vậy đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra.

Đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa, cần có tỷ lệ nắm giữ cổ phần hóa phù hợp để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Chánh Thanh trả tỉnh Lê Ngọc Rửa trao đổi với đại biểu trong phiên thảo luận ở tổ chiều 9.12.

Trong lĩnh vực thu ngân sách, hiện nay có tình trạng cuối năm vận động doanh nghiệp nộp trước số thu của năm sau để đạt được chỉ tiêu thu, việc này sẽ ảnh hưởng đến dự toán thu năm sau, đề nghị kiểm tra chấn chỉnh.

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua, hiệu quả thực hiện liên kết 4 nhà còn hạn chế, hiệu quả ứng dụng các đề tài khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa cao. Đề nghị tỉnh sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để thực hiện, vì vấn đề này liên quan đến nhiều ngành, cần xác định hàng hóa chủ lực để gia tăng giá trị.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, theo đại biểu có một số nơi chạy theo chỉ tiêu, không theo thực chất sử dụng, xây trường học rất lớn nhưng sử dụng không hết. Cần xem lại tính ổn định và vững chắc của các tiêu chí có giữ vững được trong những năm tiếp theo không, cần quan tâm công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đã đầu tư xây dựng, có sự so sánh đời sống vật chất và tinh thần của người dân sau khi thực hiện chương trình với cuộc sống trước đây thay đổi như thế nào, sự hài lòng của người dân… để chương trình xây dựng nông thôn mới thật sự có hiệu quả.

Liên quan đến báo cáo tình hình KT-XH năm 2014, có đại biểu đề nghị cần đánh giá thực chất đời sống người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá cả như hiện nay thì đời sống của dân có tăng hay không?

Đại biểu cho rằng, về nguyên nhân hạn chế trong nông nghiệp, cần đánh giá thêm tình trạng “thất giá lại mất mùa”, tất cả các cây thế mạnh bị rớt giá, cây mì bị ngập úng hàng ngàn héc ta. Cần có định hướng cho nông dân sản xuất cái gì, ở đâu (loại đất nào phù hợp) gắn với quy hoạch vùng miền.

Trong hoạt động thương mại và công nghiệp, cử tri phản ánh tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng rất nhiều. Đề nghị ngành chức năng khi xử phạt các cơ sở này cần đăng tải địa chỉ lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của HĐND tỉnh.

Theo đại biểu, giá trị sản xuất công nghiệp tăng chủ yếu được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI, do vậy tỉnh cần có giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Đối với việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, tỉnh cần rà soát, đánh giá lại các chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, xem xét xóa bỏ những cụm công nghiệp không hiệu quả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Về Giao thông vận tải, đại biểu cho rằng hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, thúc đẩy phát triển kinh tế, công tác quản lý chưa chặt chẽ trong quá trình đầu tư, thi công nên đường xuống cấp rất nhanh và vấn đề bảo trì, bảo dưỡng chưa kịp thời. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành và chính quyền địa phương; ngành cho rằng kinh phí chưa đảm bảo nhưng địa phương cũng chưa quan tâm, chỗ hư nhỏ không sửa để thành hư hỏng lớn.

Đại biểu đề nghị ngành giao thông cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết thực trạng một số tuyến đường nhà thầu thi công kém chất lượng, chưa nghiệm thu đã xuống cấp. Tập trung giải quyết vấn đề quá tải trọng của xe tải, đồng thời đề nghị tỉnh tăng cường nhân lực để thực hiện.

Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh đã làm sạt lở 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân các huyện Gò Dầu, Châu Thành, Trảng Bàng. Đề nghị ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra, phối hợp chính quyền cơ sở để phát hiện và xử lý nghiêm các công ty khai thác cát không đúng quy định.

Đại biểu đề nghị tỉnh cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với cơ sở (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, và cấp xã) vì hiện nay việc quản lý còn lỏng lẻo, bất cập, gây nên nhiều vụ khiếu kiện về tranh chấp đất đai tồn đọng chưa xử lý như trùng thửa, lộn thửa.

Lòng hồ Dầu Tiếng, đảo Nhím đang bị xâm hại nghiêm trọng; đề nghị tỉnh chỉ đạo huyện, xã có kế hoạch bảo vệ, tăng cường lực lượng, kiểm tra bảo vệ tốt môi trường Đảo Nhím và hồ Dầu Tiếng.

Về phát triển khoa học – công nghệ, đề nghị khi xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học nên hướng đến các đề tài ứng dụng trực tiếp phục vụ sản xuất, phát triển KT-XH.

Ở lĩnh vực văn hóa – xã hội, danh hiệu ấp, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa, đề nghị ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và ngành văn hóa cần phải thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình; đồng thời có biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho Tổ dân cư tự quản.

Dịch vụ du lịch của tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên việc đầu tư cho du lịch còn hạn chế và chưa thỏa đáng. Để phát triển du lịch trong thời gian tới cần phân biệt và tách bạch được quản lý nhà nước về du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch.

Vấn đề tuyển dụng giáo viên, có đại biểu đề nghị không tuyển giáo viên miền ngoài vì khi giảng bài học sinh không hiểu được (do tiếng nói của giáo viên rất khó nghe), cần ưu tiên giáo viên địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Võ Hoàng Khải cho rằng, kiến nghị nêu trên không phù hợp, có chăng chỉ quy định không để người khu 4, khu 5 dạy lớp 1 mà thôi.

Đại biểu cũng phản ánh thái độ của đội ngũ y, bác sĩ chưa tận tình, nhất là tại phòng cấp cứu, đề nghị ngành y tế khắc phục. Cần bố trí cán bộ hướng dẫn hòa nhã, lịch sự trong tiếp nhận bệnh nhân. Theo một số đại biểu, tỷ lệ mua BHYT thấp nguyên nhân là do mức hưởng bảo hiểm không cao, người dân cho rằng chất lượng thuốc BHYT thấp, thủ tục khám chữa bệnh kéo dài.

Ở lĩnh vực pháp chế, qua công tác thanh tra phát hiện sai phạm nhưng cơ quan Thanh tra thường chỉ kết luận ở mức độ sai phạm, chưa đi sâu phân tích hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Đề nghị thanh tra phải xác định và tìm ra gốc ngọn vấn đề hoặc mạnh dạn chuyển cho cơ quan điều tra.

Hiện nay bộ máy quản lý nhà nước còn một số hiện tượng nhũng nhiễu, đề nghị các ngành Thanh tra – Viện Kiểm sát – Công an có sự phối hợp chặt chẽ trong phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý, không để bỏ lọt đối tượng vi phạm.

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, nội chính, nạn trộm cắp gia tăng nhưng còn lúng túng trong xử lý, đề nghị tăng cường giải pháp, xử lý nghiêm, thường xuyên kiểm tra, nắm đối tượng trên địa bàn.

Về việc thi hành các bản án của tòa án đối với cơ quan thi hành án, việc chấp hành viên dấu án vẫn còn xảy ra (án được giao vào cuối năm thì không vào sổ ngay mà chuyển sang năm sau để lấy thành tích).

Trong thực hiện cải cách hành chính, cần xác định nội dung trọng tâm đột phá trong năm 2015.  Tây Ninh xếp hạng thấp, cần có đánh giá nguyên nhân.

Góp ý với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá làm rõ hơn những chuyển biến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện nông thôn mới…

Đ.V.T