Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày mai, hơn 230.000 học sinh bước vào năm học mới
Thứ tư: 07:23 ngày 04/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cùng với hàng chục triệu học sinh, sinh viên trong cả nước, ngày mai, 5.9, khoảng 231.000 học sinh các cấp, bậc học ở Tây Ninh chính thức bước vào năm học 2019 - 2020. Con số nêu trên chưa bao gồm học sinh, sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha trong ngày khai giảng năm học 2018-2019.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan, việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đã được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, lớp học 2 buổi/ngày phát triển và mở rộng ở mọi địa bàn dân cư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được bảo đảm.

 Để chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ khai giảng năm học mới, bảo đảm theo các chủ đề năm học trong đó yêu cầu cơ sở vật chất trường lớp, môi trường cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh cấp kinh phí 17 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, các trường tập trung sửa chữa nhỏ, tu bổ các công trình phụ, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh, nguồn nước, các công trình xử lý chất thải nguy hại... Đến nay cơ bản hoàn tất, nhiều công trình đã hoàn thành phục vụ cho năm học mới.

Tình hình trường, lớp, học sinh đầu năm học 2019-2020 (tính đến ngày 27.8.2019), bậc học mầm non có 138 trường, tổng số học sinh là 37.747 trẻ. Ở bậc học phổ thông, cấp tiểu học có 236 trường, 100.109 học sinh (giảm 19 trường so với năm học 2018-2019 do sáp nhập); cấp trung học cơ sở có 104 trường, 66.300 học sinh; cấp trung học phổ thông có 28 trường, 26.900 học sinh (giảm 5 trường so với năm học 2018-2019 do sáp nhập). Đối với giáo dục thường xuyên, 9 trung tâm có tổng số 1.190 học viên, học sinh.

Về chỉ đạo thực hiện các khoản thu đầu năm học 2019-2020, để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính trong nhà trường, đặc biệt là việc thu các khoản đầu năm học cũng như bảo đảm các chế độ, chính sách cho người học được triển khai kịp thời, đầy đủ, Sở Giáo dục và Đào tạo có Hướng dẫn số 1707/HD-SGDĐT ngày 1.8.2018 về cơ chế thu, chi và quản lý, sử dụng kinh phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong việc quản lý, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng các khoản đóng góp thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai và minh bạch. Để giảm áp lực lên phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản cho con em đầu năm học, Sở chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi theo hướng dẫn nêu trên.

Liên quan đến phát triển giáo dục cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác của ngành, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tỉnh uỷ hôm 23.8, Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Lệ cho biết, thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, ngành Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của cấp trên.

Kết quả đạt được cho thấy, tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp hằng năm đạt 100%, vượt 1% so kế hoạch. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 99,7%, vượt 0,7% so với kế hoạch. Tính đến tháng 8.2019, đã có 65 trường hợp công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt 5 trường so với kế hoạch. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở tiếp tục học tiếp lên trung học phổ thông và trung cấp nghề năm 2019 đạt 90,75%, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch (chỉ tiêu 100%).

Số học sinh trúng tuyển vào đại học, vào cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy có sự chuyển biến rõ nét ở bậc đại học và giảm ở bậc cao đẳng. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học phổ thông giảm và ở cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở tăng nhẹ. 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh khối trung học phổ thông được quan tâm. Ngành đã chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Công tác xã hội hoá có nhiều chuyển biến, số trường, học sinh, giáo viên ngoài công lập, nhất là cấp mầm non tăng. Nhiều cơ sở giáo dục tư thục đã đi vào hoạt động, liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục đạt kết quả bước đầu tốt.

Về công tác quản lý tài chính, dự toán ngân sách hoạt động thường xuyên của ngành tăng mỗi năm, bảo đảm chi đầy đủ các chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và có ngân sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường. Dự toán ngân sách chi cho hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo năm sau cao hơn năm trước, chiếm hơn 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên của ngân sách tỉnh và bảo đảm tương đối cơ cấu 82% chi con người, 18% chi hoạt động.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu trình UBND tỉnh xin chủ trương cho thí điểm chuyển đổi các trường có đủ điều kiện sang tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Cụ thể là xây dựng đề án áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục có điều kiện. Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT trình HĐND tỉnh điều chỉnh mức thu học phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình thí điểm chất lượng cao, học phí của trường tự chủ tài chính.

Đồng thời, tham mưu trình UBND tỉnh xin chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thành lập trường tư thục ở tất cả các ngành học, cấp học và trình độ đào tạo. Trong đó, cho phép nhà đầu tư trong nước thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục thuê giáo viên người nước ngoài giảng dạy một số chương trình quốc tế. Kế hoạch thí điểm thực hiện chương trình xã hội hoá giảng dạy tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài, giảng dạy kỹ năng sống - STEM, tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, năm học 2019-2020 cũng sẽ được trình UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục