Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và TPHCM.
Ngày 13/11, Văn phòng Quốc hội thông tin về chương trình phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được tổ chức vào thời điểm ngay sau khi kỳ họp thứ 8 của Quốc hội kết thúc đợt 1.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH.
Theo dự kiến, phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 14-15/11 (dự phòng sáng 19/11) tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Cụ thể bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Về công tác xây dựng pháp luật, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về các dự thảo: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản.
Cùng với đó là các dự án: Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về việc cử thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Nguồn TPO