BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày Tết, nghĩ về thơ Xuân của Hồ Chủ tịch

Cập nhật ngày: 19/02/2015 - 08:00

Trong thơ Xuân, tính xuân tươi hoà quyện cùng tính chính trị, hiệu triệu kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng thực hiện kháng chiến kiến quốc có lẽ chỉ có nhà cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh mới thể hiện trọn vẹn nhất.

Suốt cuộc đời, Hồ Chủ tịch đã làm khoảng 22 bài thơ Xuân chúc Tết. Thời gian lùi xa, suy ngẫm lời thơ, ý thơ của Người càng thấm thía giá trị nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình cảm cũng như tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài.

Bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đến thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ngày 29.1.1960
Đọc lại những vần thơ chúc Tết của Bác, tính từ bài đầu tiên - năm 1942 - đến bài cuối cùng năm 1969, chúng ta lại càng thêm hiểu Bác, thêm kính yêu Người, cảm phục Người.

Ngay từ những năm 1923, nhà thơ Xô Viết Ôxíp Manđenxtam nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai".  Điều này càng đúng với tư tưởng, tầm vóc trong các bài thơ Xuân, chúc tết của Hồ Chủ tịch.

Bài thơ đầu tiên, chúc Tết Xuân Nhâm Ngọ 1942, Người viết:

“Chúc đồng bào ta đoàn kết mau

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới

Chúc toàn quốc ta năm nay

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới”

Những lời thơ mộc mạc, gửi gắm tình cảm của lãnh tụ kính yêu đến toàn dân. Qua đó, thể hiện niềm tin son sắt vào hướng đi của cách mạng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/Thống nhất, độc lập nhất định thành công” (Thơ năm 1944). Kháng chiến kiến quốc là công cuộc trường kỳ, nhiều khó khăn gian khổ. Càng gần thắng lợi, càng lắm khó khăn. Năm 1950, Hồ Chủ tịch chúc Tết:

“Xuân này kháng chiến đã năm xuân

Nhìn xuân kháng chiến càng gần thành công”

Lời thơ của Người ngắn gọn, súc tích, biểu lộ suy nghĩ kỹ càng, chín chắn và chắc chắn. Từng chữ, từng lời như được đúc lại, đanh thép, gieo niềm tin vững vàng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân:

“Thân ái mấy lời chúc Tết

Toàn dân đoàn kết một lòng,

Miền Bắc thi đua xây dựng,

Miền Nam giữ vững thành đồng,

Quyết chí bền gan phấn đấu,

Hoà bình thống nhất thành công”

Lời chúc Xuân của Người khẳng định ý chí sắt đá, quyết tâm lớn lao, thái độ vững vàng để cổ vũ tinh thần cho toàn Đảng, toàn dân trong năm mới. Đặc biệt là “Miền Nam giữ vững thành đồng” đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng, một ý nguyện, một lời thề son sắc của cả dân tộc.

Bác Hồ đọc thư chúc mừng năm mới vào ngày 6.2.1969 tại phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch. Đài tiếng nói Việt Nam đến thu thanh.

Thơ ngày Xuân, thơ chúc Tết của Người tươi thắm, ấm cúng hương vị ngày Tết, đậm đà tính chính trị trong từng câu, từng chữ của lời thơ: “Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh/Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”. Năm 1967, Người khen: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”.

Vui với ngày Xuân nhưng không được lãng phí, nhắc nhở điều này, Người “lẩy Kiều” nhẹ nhàng:

“Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan,

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian

Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân”

Trước lúc Người đi xa, có lẽ bài thơ chúc Tết năm 1969 đúc kết đầy đủ nhất tư tưởng của vị lãnh tụ suốt cuộc đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài thơ mang tính triết lý sâu sắc, chỉ vài dòng nhưng đã thể hiện được việc tổng kết năm cũ, vạch ra mục tiêu của năm mới, là lời hiệu triệu, kêu gọi cán bộ chiến sĩ quyết tâm thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để thống nhất đất nước và có một mùa Xuân trọn vẹn, Người khẳng định: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào/Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”. Lịch sử dân tộc đã diễn ra đúng như tiên đoán của Người. Và mùa Xuân năm 1975 đã vỡ oà hạnh phúc trong niềm vui thống nhất, như nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết: “Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau/ Xa 30 năm nay đã gặp nhau/ vui sao nước mắt lại trào”.

Thêm một mùa Xuân mới đã về, đất nước, tỉnh nhà thêm căng tràn sức sống mới. Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để mãi mãi “Xuân này hơn hẳn những xuân qua”.

Trần Thành