Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày xưa - Giai Hoá
Thứ tư: 17:23 ngày 20/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin bắt đầu từ những trang sử hiện đại để “nghiền ngẫm” về Giai Hoá- một cái tên của “hàng tổng” xưa trên đất Tây Ninh.

Di tích cơ sở Đảng đầu tiên ở Tây Ninh tại xã Long Vĩnh.

Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh” (NXB Chính trị Quốc gia, 2010) có vài dòng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Tây Ninh. Đấy là vào ngày 23.11.1940. Sách viết: “Ở vùng Giai Hoá, các đồng chí cơ sở Đảng ở Giồng Nần cũng chuẩn bị khởi nghĩa nhưng vì liên lạc khó khăn, nên khi biết tin khởi nghĩa thì đã chậm…”.

Chúng ta đã biết, cơ sở Đảng ở Giồng Nần, nay thuộc xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành là cơ sở Đảng đầu tiên trên đất Tây Ninh, ngay từ năm 1930. Vậy Giai Hoá cũng được biết đến là nơi đầu tiên gieo những hạt giống đỏ để sau này làm nên những mùa vàng của cách mạng.

Cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, Giai Hoá là nơi có phong trào và lực lượng quần chúng tham gia cách mạng nhiều nhất. Sách “Ba thế hệ xanh Một chặng đường” của Tỉnh đoàn Tây Ninh (1998) có ghi lại hồi ức của ông Trần Văn Mạnh- một trong 6 đồng chí của Ban lãnh đạo hành động ở tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ: “Tôi được phân công phụ trách điều hành các khu vực phía Nam tỉnh (tổng Giai Hoá, Nhà máy đường Thanh Điền).

Theo kế hoạch 9 xã tổng Giai Hoá huy động 300 người, qua sông và tập trung tại xóm Mía, khu vực gần nhà tôi từ 5 giờ chiều ngày 24.8. Cánh Thanh Điền và Hãng đường 4 giờ sáng ngày 25.8 có mặt tại ngã ba xóm Mía để phối hợp với cánh Giai Hoá cùng đi. Được một số nhân sĩ yêu nước ủng hộ 500 mét vải đỏ để may cờ, khẩu hiệu, băng tay Việt Minh…”.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tây Ninh đã giành thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25.8.1945. Trong cuộc điều hành và mít tinh lịch sử ấy, có mặt của 300 người là dân tổng Giai Hoá, năm ấy thuộc quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Vậy tổng Giai Hoá xưa, nay là đâu? Để những bạn trẻ dễ hình dung, xin nói ngay đấy là vùng đất bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, ngày nay chủ yếu thuộc huyện Bến Cầu. Sách “Từ điển địa danh hành chính Nam bộ” của Nguyễn Đình Tư (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) viết về Giai Hoá như sau: “Tổng thuộc huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) có 5 thôn. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân lưu tán, lập thêm 2 thôn Long Khánh, Tiên Thuận. Trải qua triều Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc huyện Tân Ninh cùng phủ, gồm các thôn: Ninh Điền, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Điền. Từ 17.3.1863 đặt thuộc hạt thanh tra Quang Hoá, rồi Trảng Bàng (1867). Từ 1871 đổi thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Ngày 12.11.1872 giải thể thôn Long Thuận nhập vào thôn Long Giang. Ngày 24.12.1873, được sáp nhập 2 thôn Ninh Điền, Long Vĩnh tách từ tổng Hàm Ninh thượng cùng hạt. Ngày 31.10.1877 lập lại làng Long Thuận. Ngày 6.3.1891 giải thể Tiên Điền nhập vào Tiên Thuận, Long Vĩnh nhập vào Ninh Điền. Từ 1.1.1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1930 thuộc quận Thái Bình, rồi Châu Thành (1942). Ngày 12.8.1948 đổi thuộc quận Gò Dầu Hạ. Ngày 24.5.1955 tách Ninh Điền đổi thuộc tổng Hoà Ninh cùng quận. Sau 1956 các làng gọi là xã vẫn thuộc như cũ với 6 xã: Chót Sre, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Long Chữ, Tiên Thuận. Ngày 4.3.1958 đổi tên xã Chót Sre thành xã Long An. Ngày 1.7.1958 ấn định lại các đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh, tổng Giai Hoá vẫn giữ 6 xã cũ. Ngày 29.11.1960 đổi thuộc quận Hiếu Thiện cùng tỉnh. Sau 1965 mặc nhiên giải thể” (trang 401-402).

Đoạn trích trên hơi dài vì nó mô tả rõ ràng, chi tiết về biến động địa danh tổng Giai Hoá kể từ khi thành lập đến thời hiện đại (1960). Mặt khác, trong một số cuốn sử, sách truyền thống các địa phương thuộc Tây Ninh hiện nay vẫn còn tồn tại một quan điểm khác, một truyền tụng dân gian về sự hình thành vùng đất Bến Cầu. Đấy là quan điểm cho rằng những thôn xã cơ bản ở vùng này là do ông Trần Văn Thiện- thành hoàng đình Bến Kéo lập nên vào năm 1844. Xuất xứ của truyền tụng này có thể là từ sách sưu khảo “Tây Ninh xưa” (1973) do tác giả Huỳnh Minh ghi chép lại kết quả từ những chuyến đi điền dã. Nay so sánh với chính sử của triều Nguyễn như các bộ sách “Đại Nam thực lục” hay “Đại Nam nhất thống chí” thì không phù hợp, nhất là các sự kiện liên quan đến thời gian lập nên các thôn xã thuộc tổng Giai Hoá, mà Nguyễn Đình Tư đã tập hợp chính xác trong sách “Từ điển địa danh Hành chính Nam bộ”. Chẳng hạn: Năm 1841, triều Thiệu Trị đã lập nên tổng Giai Hoá với 5 thôn, đến 1845 Tuyên phủ sứ Tây Ninh lập thêm 2 thôn Long Khánh và Tiên Thuận, tổng cộng là 7 thôn. 3 thôn trong đó là Long Chữ, Long Giang và Long Thuận đã có từ trước năm 1841 (Long Giang: 1836, Long Thuận và Long Chữ: 1838). Còn thôn Long Khánh do Tuyên phủ sứ lập ra năm 1845. Không thể là do cụ Trần Văn Thiện lập nên vào năm 1844 theo như sách Huỳnh Minh đã viết.

Rạch Bảo qua chợ Cầu Long Thuận.

Nhiều người Tây Ninh đã biết, gọi vùng đất tổng Giai Hoá này là vùng đất “Ngũ lLong”. Đấy là do 5 xã có tên chữ đầu là Long. Sách “Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu” (1997) thì cho rằng đấy là các xã Long An, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh và Long Thuận. Tuy nhiên, cái tên Long An mới chỉ xuất hiện từ 1958; còn cái tên Ngũ Long đã có từ xa xưa hơn. Do vậy, nhìn vào quá trình biến động địa danh đã kể trên, sẽ là hợp lý hơn khi xác định đó là vào năm 1873 Giai Hoá được sáp nhập thêm 2 thôn Long Vĩnh, Ninh Điền. Khi ấy, tổng Giai Hoá đã có đủ 5 thôn có tên chữ đầu là Long: Long Vĩnh, Long Giang, Long Chữ, Long Thuận và Long Khánh. Nếu đúng vậy, thì cái tên Ngũ Long đã gắn bó với miền đất này vừa trọn 150 năm (1873-2023).

Cũng còn một cái tên nữa đã ăn sâu vào tiềm thức người dân vùng Giai Hoá. Là chợ Cầu Long Thuận. Dưới là bến sông, trên có cầu bắc qua, dân đến họp chợ nên gọi chợ Cầu. Nhưng cũng phải tới năm 1962, khí thế cách mạng lên cao sau chiến thắng Tua Hai thì huyện mang tên Bến Cầu mới chính thức được chính quyền cách mạng thành lập, để tiếp tục lãnh đạo quân dân Bến Cầu kiên trì đánh giặc, cho đến ngày 15.3.1975 hoàn toàn giải phóng huyện Bến Cầu.

Ngày nay, đi dọc Bến Cầu theo đường 786 vẫn thấy một miền quê đẹp đến bất ngờ. Những cánh đồng lúa xanh, ớt đỏ, thuốc lá vàng trải rộng khắp các làng quê Long Giang, Long Chữ, Long Khánh và Long Thuận. Ít ai ngờ được đấy từng là miền rừng Quang Hoá nổi danh trong lịch sử vương triều Nguyễn suốt từ thế kỷ 18. Miền rừng được sách “Gia Định thành thông chí” mô tả là: “Gò đồi trùng điệp, rừng núi liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm…”. Dấu vết rừng xưa nay vẫn còn ở những cái tên như Bàu Gõ, Bà Đao (đau) hay Rừng Huỳnh, Rừng Dầu, Bàu Tràm, ấp Voi, Bàu Tượng... Thiên nhiên lộng lẫy này còn hiện trên những trang văn của Hàm Chương- một người con của vùng đất Ngũ Long qua tác phẩm Lở bồi.

Chưa xa lắm đâu, vùng đất này còn có những lão nông như ông Mẫn Chim, vì ông từng túm bắt được những con chim, kền kền đang tìm xác thối trên những đồng bưng Mộc Bài, nay đã thành cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp nhất trên trục đường Xuyên Á. Đó là vào thập niên 60 trên miền quê Giai Hoá ngày xưa.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục