Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày xưa- Giai Hoá (tiếp theo và hết)
Thứ tư: 21:18 ngày 27/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tiếp tục câu chuyện về Giai Hoá, xin bắt đầu từ cái tên, thường mang theo ước vọng của người xưa.

Di tích Thành Bảo Long Giang.

Theo các từ điển cổ, “Giai”- nghĩa thông dụng nhất là tốt hoặc đẹp; còn “Hoá” là tạo ra, làm thành hoặc trở thành. Vậy có thể tạm hiểu, “Giai Hoá” có nghĩa là trở nên tốt, đẹp (hơn). Nếu vậy thì ước vọng của những người khai sinh các làng tổng ở đây từ hơn 180 năm trước, hẳn là muốn biến đổi vùng đất này trở nên mỗi ngày mỗi tốt (hoặc đẹp) hơn.

Năm 1836, triều vua Minh Mạng đã cho thành lập phủ Tây Ninh cùng với ước vọng về một miền biên giới phía Tây được an ninh, thì đến năm 1841, triều Thiệu Trị hẳn cũng muốn vùng rừng Quang Hoá trở thành các thôn làng tốt đẹp, bình yên để lưu dân được làm ăn sinh sống. Vậy là tổng Giai Hoá được ra đời, trên cơ sở các thôn đã có như Long Giang, Long Chữ và Long Thuận cùng với các thôn làng mới được quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh thiết lập. Chính sử đã ghi, ông quan này là Cao Hữu Dực.

Sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” của Dương Công Đức (Nxb Tri Thức, 2019) có hẳn một chương về: “Phát triển xứ Tây Ninh dưới thời Đề đốc Ngô Văn Giai và Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực”. Theo đó, vào năm 1843: “Triều đình ra lệnh cho Đề đốc Ngô Văn Giai đem 1.000 lính thú đến Tây Ninh đóng quân, rồi ra sức vỗ về dân chúng, mở thêm đồn điền, làm chỗ định cư cho dân chúng Việt, Hoa, Chăm và Chân Lạp quy theo…”. Như vậy, dưới thời Thiệu Trị, ngoài công sức của một ông quan văn (Cao Hữu Dực) còn có công lao của một ông quan võ là Đề đốc Ngô Văn Giai trong những cuộc khai mở đầu tiên phát triển đất Tây Ninh.

Nhưng tại sao lại không phải là vùng đất từ phủ Tây Ninh phát triển lên hướng Bắc, mà lại là bên kia sông ở vùng Giai Hoá (Bến Cầu)? Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn giải thích như sau: “Hữu Dực khi đã đến, cùng với Văn Giai trù tính mọi việc, lập tấu nói đồn ở phủ Tây Ninh, phần nhiều là rừng rú, nếu chiêu dân ở chỗ ấy, có nhiều lẽ không tiện, chỉ có sông Long Hưng về huyện Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông qua Cẩm Giang hiện nay), rộng rãi và màu mỡ, lại có nhiều mối lợi nơi núi Chằm.

Cho dân ở đó thì có thể trở thành một cảnh thổ vui, nhân đấy rồi cho thông thương, chiêu dụ thổ dân ở hai xứ Nam Ninh và Nam Thái cũng dễ. Ở đấy có khúc đường Xoài Mi và Đà Cảng, nếu cho nhổ cỏ và chặt cây đi thì có thể thông đến các xứ Quang Hoá, Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định, xứ Bông Nguyên và Thông Bình thuộc tỉnh Định Tường (nay ở gần huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An), cùng làm thành thế cứu viện lẫn nhau.

Có điều là đất ấy ở cạnh kề đất thổ giặc, nay xin phái thêm 500 biền binh, chọn đất đặt đồn đóng quân phòng giữ, cũng cho (dân) ở đấy mà sinh nhai, rộng tha cho sưu thuế và lao dịch, không phải đặt ra trường sở, chỉ cho ở đầm Trà Ôn, xứ Long Giang thuộc huyện Quang Hoá để có nơi ở nhất định…”.

Đấy là câu chuyện diễn ra vào năm 1843. Đến nay vừa đúng 180 năm. Nhiều địa danh xưa đã mất. Nhưng vẫn còn đây một thế đất hình sông miền biên giới huyện Bến Cầu. Tên cũ chỉ còn lại tên đầm Trà Ôn, nay là bàu Tà Ôn thuộc về xã Long Khánh. Những con đường được nhắc đến, sau thời Pháp thuộc đã trở thành hệ thống đường đất chạy cặp theo biên giới, từ Phước Lưu (Trảng Bàng) xuyên qua hầu hết các xã tổng Giai Hoá xưa và An Thạnh (tổng Mỹ Ninh).

Ngày nay, con đường ấy đã trở thành đường vành đai biên giới tráng nhựa êm mát bánh xe cho bà con vùng đất Ngũ Long đi thu hái mỗi mùa nông sản. Và, ai cũng biết, từ Long Giang chạy xe hơn 20 cây số đường ĐT786 bê tông nhựa là về tới TP. Tây Ninh. Hoặc từ Tiên Thuận, chỉ cần vượt cây cầu Bến Đình đẹp long lanh sông nước là đã tới đất Cẩm Giang, từng là thủ phủ của huyện thành Quang Hoá.

Nhưng nổi bật nhất, không ai không biết chính là con đường Xuyên Á nối TP. Hồ Chí Minh sang Phnom Penh (Campuchia) chạy qua xã An Thạnh và Lợi Thuận, nơi có Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sôi động nhất ở miền biên giới Tây Nam. Đi đâu trên đất Bến Cầu, ai cũng thấy một tiềm năng du lịch mênh mông chưa được khai phá. Là du lịch nông nghiệp nông thôn hoặc sinh thái cảnh quan. Chỉ có điều, du khách (nếu có) thì cũng ít người hình dung miền đất này được các bậc tiền nhân đặt móng xây nền trên dưới 180 năm.

Vâng! Sau bản tấu trình của Ngô Văn Giai và Cao Hữu Dực (đã trích trong sách “Đại Nam thực lục” kể trên), thì ngay trong năm 1843, triều Nguyễn đã “sai Lê Văn Phú mang 500 biền binh từ Gia Định lên Tây Ninh, chọn đất ở xứ Long Giang dựng đồn Định Liêu (nay còn vết tích bờ thành cao ở xã Long Giang, huyện Bến Cầu).

Triều đình cũng đồng ý cho mở một sở giao dịch ở gần đồn Định Liêu… và ra sức đắp con đường đất từ đồn Định Liêu thẳng xuống Bông Nguyên (Mộc Hoá) để dễ dàng ứng cứu khi có chiến tranh…” (Dương Công Đức - “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam”, Nxb Tri Thức, năm 2019).

Di chỉ khảo cổ ở Bến Đình, Tiên Thuận.

Hiện còn hai giả thuyết về vị trí của đồn Định Liêu. Một, cho là ở ấp Bảo, xã Long Giang; hai, là ở Bến Đình ấp B, xã Tiên Thuận. May mắn là cả hai nơi trên đều đã được công nhận di tích LSVH cấp tỉnh, nhưng ở Bến Đình là di tích loại khảo cổ học.

Còn con đường? Liệu có phải là đường đất từ ấp B ra Lợi Thuận, và từ đây qua An Thạnh, Trà Cao, Phước Chỉ mà sang tỉnh Long An? Sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” của Nguyễn Đình Tư có chép về một số đoạn của con đường này được xếp loại hương lộ vào năm 1919.

Đấy là đường số 25: từ Lái Mai đến chợ Trà Cau (Cao), dài 3.000m; đường số 26 từ chợ Trà Cau (Cao) đến cột trụ số 30, dài 3.200m; đường số 51 từ Lợi Thuận đến An Thạnh dài 3.700m và đường số 52 từ An Thạnh đến Phước Lưu (nay là Phước Bình) dài 3.900m.

Tuy vậy, thành tựu lớn nhất của công cuộc khai hoá vùng Giai Hoá có thể lại là… chợ. Năm đó, sử cũ chép là sở giao dịch. Tác giả Dương Công Đức trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” có lời bình: “Chỉ thời gian ngắn mà đã có đến 4.800 thương nhân Chân Lạp và 100 thương nhân người Việt đến đăng ký buôn bán, làm ăn, biến sở giao dịch Quang Hoá trở thành một nơi buôn bán sầm uất, góp phần làm cho vùng biên giới ở phủ Tây Ninh thêm ổn định…”. Rõ ràng là vùng đất này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, như ước vọng của người xưa khi đặt tên là Giai Hoá.

Chưa hết, công cuộc phát triển tốt đẹp ở Giai Hoá khiến cho triều Nguyễn đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) quyết định chuyển huyện thành Quang Hoá từ Cẩm Giang đến bảo Định Liêu. Chỉ với khoảng cách trên dưới 10 cây số thôi (nếu là ấp Bảo Long Giang hoặc Bến Đình, Tiên Thuận) nhưng quả là bước ngoặt về tư duy - hướng sự phát triển ra miền giáp biên. Tiếc thay, triều Tự Đức chuyển huyện thành tới đây chỉ mới 12 năm thì mất nước (1862), chưa kịp có thành quả gì thêm ở miền đất nay là huyện Bến Cầu.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục