Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hương xuân đã tràn ngập phố phường. Lại được tin Khu du lịch núi Bà mở cửa miễn phí cho du khách về viếng núi (từ 15.1.2022). Vậy thì sao không tranh thủ lúc đầu xuân về núi Bà Đen? Điểm đầu tiên phải đến, không gì hơn là động Kim Quang.
Lễ hội động Kim Quang năm 2010.
Ôi Kim Quang! Cái tên đã trở nên thiêng liêng với quân dân huyện Hoà Thành (nay là thị xã) từ mấy chục năm nay. Và có thể nó đã trở thành quen thuộc với người Tây Ninh và cả nước. Ai chưa biết thì cũng đến một lần cho biết. Nếu chưa có dịp, thì khi ngồi cáp treo lên đỉnh núi Bà, hãy nhìn về bên trái. Lúc cabin mới trượt khỏi nhà ga một đoạn, là đã thấy ngay lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa đá núi cây rừng. Nơi ấy chính là nơi có động Kim Quang.
Với người Hoà Thành, Kim Quang đã từ linh thiêng mà trở nên tha thiết thân quen. Thì dạo chưa có dịch Covid- 19, năm nào mà Hoà Thành không tổ chức lễ hội truyền thống động Kim Quang. Ngày được chọn là 14 tháng Giêng. Đấy là một lễ hội đã gần như ăn sâu vào tiềm thức của người Hoà Thành.
Vì, đáng nhớ lắm! Khi các bậc cao niên gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rồi ôn lại chuyện những ngày “nếm mật nằm gai” thời kháng chiến. Lớp trẻ các xã và thị trấn cũng quần tụ đông vui, dựng trại dưới rừng dương.
Các chị, các cô đảm đang thì tất bật chuẩn bị các món ăn đặc sắc truyền thống của quê hương, cho đêm liên hoan và đãi khách. Và trăng! Bao giờ cũng có trăng góp mặt trong đêm hội xuân. Như một nhà thơ Tây Ninh viết: “Có trăng mười bốn chung chiêng/ Mâm vàng ai đã treo lên ngọn rừng/ Võng ai giăng mắc quá chừng/ Tưởng như binh trạm giữa rừng Trường Sơn” (thơ NQV).
Sách Lịch sử LLVT huyện Hoà Thành (1961-2021) do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoà Thành (nay là Ban CHQS thị xã) in năm 2018 có đoạn: “Ngày 15.4.1960, tại động Kim Quang, Ban Cán sự Đảng Toà Thánh họp nghe đồng chí Năm Thái thông qua nhân sự Đội vũ trang. Hội nghị nhất trí đề xuất của đồng chí Năm Thái…”.
Đấy là đồng chí Lâm Hoàng Thái, người trực tiếp tham gia đánh trận Tua Hai. Sau chiến thắng, đồng chí được trên điều về Ban Cán sự Đảng huyện Toà Thánh. Sau đó Ban được sáp nhập vào Huyện uỷ Dương Minh Châu - Toà Thánh.
Phải đến tháng 9.1961: “Tỉnh uỷ quyết định tách huyện Dương Minh Châu - Toà Thánh ra làm 2 huyện. Huyện Toà Thánh trở về với địa giới cũ gồm các xã: Trường Hoà, Ninh Thạnh, Long Thành, Hiệp Ninh… Huyện uỷ Toà Thánh lấy động Cây Da trên núi Bà làm căn cứ, chọn động Kim Quang là vị trí tạm dừng, đồng thời cũng là vị trí tiền tiêu của lực lượng huyện…” (Sđd, trang 67- 68).
Kể từ đây, lực lượng cách mạng huyện đã kiên cường bám núi, phối hợp với các lực lượng khác như Hoà Bình Chung Sống mang màu sắc tôn giáo; vận động tăng ni, phật tử ở núi tham gia các hoạt động của cách mạng.
Bên trong động.
Như thế, căn cứ Huyện uỷ có ở nhiều nơi, ngoài động Kim Quang còn có nhiều động khác trên núi Bà Đen; cũng như căn cứ Năm Trại ở xã Trường Đông. Dù vậy, không nơi nào ác liệt hơn căn cứ động Kim Quang. Đây là nơi gần địch nhất. Thế trận ở núi là thế trận giằng co giữa ta và địch trong những năm 1963-1964.
Có trận ngay dưới chân động Kim Quang, hai bên chỉ cách nhau chưa đầy 50 mét. Có khi, địch đưa cả đại đội biệt kích lên chiếm cứ động Thanh Long. Anh Năm Hùng từ động Kim Quang được cử đi cắt nguồn nước của địch, buộc chúng phải rút quân. Có lúc ta triển khai đội hình bắn tỉa, khiến lính chốt đóng tại chùa Bà khốn đốn. Và: “Địch gọi pháo cối, gọi máy bay khu trục tới ném bom vào núi, đá gồng mình chịu đựng. Bộ đội ẩn mình trong những hang sâu…”.
Đặc biệt, núi phải chịu đựng “cực kỳ ác liệt” trong 2 năm 1970-1971, với các cuộc càn quét quy mô lớn, với đủ các loại xe tăng, đại bác, máy bay ném bom, trực thăng vũ trang… Có khi địch dùng chiến thuật “hợp vây”, đổ quân bằng trực thăng lên đỉnh núi, rồi dưới đánh lên, trên đánh xuống.
Khi đã thất bại, chúng rút quân, nhưng cho hàng chục máy bay ném bom huỷ diệt mọi sự sống trên núi. Hàng trăm thùng thuốc độc CS cùng bom cháy, bom lâu tính thả xuống, hòng tiêu diệt cả từng mầm xanh trên núi Bà Đen. Nhưng Kim Quang và các căn cứ trên núi vẫn đứng vững. Để cùng các lực lượng Miền tiến đánh trận cuối cùng, quét sạch địch ra khỏi núi Bà vào ngày 7.1.1975- như một trận mở đầu cho chiến dịch mùa Xuân 1975 đại thắng.
Khi nhắc đến động Kim Quang, phần đông người ta chỉ nhớ đấy là căn cứ chính của Huyện uỷ Toà Thánh thời kháng chiến chống Mỹ. Các văn bia cả ở động Kim Quang lẫn ở căn cứ Năm Trại cũng chỉ ghi nhận là như thế. Nhưng, còn một sự kiện quan trọng nữa là nơi khai sinh ra lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Toà Thánh.
Sách Lịch sử LLVT của huyện Hoà Thành (1961-2010) đã ghi lại sự kiện này. Đấy là: “Ngày 26 tháng 4 năm 1960 được Ban cán sự chính thức quyết định thành lập Đội vũ trang/ Có một sự kiện vừa trùng hợp, vừa đáng nhớ trong ngày này là đồng chí Võ Văn Truyện (Tám Hoà) Bí thư Tỉnh uỷ nhân đi công tác khu vực núi Bà, đồng chí ghé vào động Kim Quang nhân lúc Ban Cán sự Toà Thánh tiến hành sự kiện trọng đại này/ Đội vũ trang có mặt trong ngày công bố quyết định thành lập gồm các đồng chí: Bảy Oanh, Ba Miền, Tám Chè, Sáu Dò, Tư Công, Thắm, Sĩ, Cương, Út Hoà, Minh, Nguyệt, Ba Việt, Bất, Ba Cao, Bốn, Bảy Nhỏ, Hội, Kỷ, Bảy Điển/ Đồng chí Hai Kết- Trưởng Ban Cán sự Đảng công bố quyết định thành lập Đội vũ trang.
Chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò) được giao làm đội trưởng. Đồng chí Võ Văn Truyện chúc mấy câu thơ: “Các đồng chí/ Đầu đội chủ trương/ Lưng mang chính sách/ Vai đeo súng/ Tuyên truyền đi trước/ Chiến đấu song hành/ Quyết chí bám dân/ Kiên trì vận động/ Mưa dầm thấm lâu/ Nước chảy đá mòn/ Địch ắt phải thua/ Ta nhất định thắng”.
Bia trên đá núi động Kim Quang.
Thơ thường ngẫu hứng, nhưng nếu ai từng đọc Nghị quyết 15 của Đảng ban hành vào năm 1959, sẽ thấy lời thơ chứa đựng sát đúng những nội dung của Nghị quyết. Từ bài thơ này, Đội vũ trang đầu tiên đã được mang tên là Đội Vũ trang tuyên truyền huyện Toà Thánh.
Từ đây, Đội được nhân dân bảo bọc, đã vụt lớn lên như thần Phù Đổng thiên vương, trở thành lực lượng vũ trang của huyện trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Dù mang những tên gọi khác nhau: Đại đội 36, Đại đội Tập trung, Tiểu đoàn 26, Đại đội I, Đại đội II… đánh hàng trăm trận thắng, kể cả trên chiến trường K khi làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn, thì cán bộ chiến sĩ huyện Hoà Thành cũng không bao giờ quên trận đầu chiến thắng.
Đó cũng là ngày trước tết nguyên tiêu: 14 và 15 tháng Giêng năm 1961: “Địch xua quân tiến công lên núi, kết hợp với địch từ trên đỉnh núi đánh xuống, chúng rêu rao “quét sạch và bắt gọn Việt Cộng Toà Thánh”. Cán bộ chiến sĩ ta do đồng chí Sáu Dò chỉ huy từ trong các hang núi bất ngờ xuất hiện, tập kích quân địch nhiều nơi… dùng súng trường hạ gục hàng chục tên… quân địch thất bại buộc phải rút quân”.
Có phải chính là chiến công đầu tiên này của LLVL huyện Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành) đã khởi đầu cho lễ hội động Kim Quang mỗi dịp xuân về?
Trần Vũ
(còn tiếp)